MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

500 tấn lợn xuất qua các cửa khẩu Quảng Ninh mỗi ngày

10-05-2016 - 16:15 PM | Thị trường

"Giá thu mua lợn tại đầu cầu Đồng Nai khoảng 52 nghìn đồng/kg lợn hơi, về đến cửa khẩu, thương lái thu mua của tụi em với giá 61 nghìn đồng. Tiền lãi khoảng 9 nghìn đồng/kg là không lớn, bởi tiền cước vận chuyển, tiền chi phí cho lái xe, các khoản phí đường bộ, bao đường... cũng chiếm đa số. Nhưng bù lại...”

Chỉ riêng hôm 8/5, PV đã thống kê được khoảng 70 xe tải 3 chân chở lợn sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Kể cả cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà), Hoành Mô (Bình Liêu), thì mỗi ngày có cả trăm xe lợn qua biên giới.

Tại điểm tắm lợn xã Hải Sơn (TP Móng Cái), 4 chiếc xe tải 3 chân có trọng tải lên đến 20 tấn mang biển số Đồng Nai đang dừng đỗ để lái xe nghỉ ngơi và tắm lợn. Lái xe Nguyễn Anh Tài cho biết, đây là chuyến thứ 3 trong 1 tháng trở lại đây, anh chở lợn ra Móng Cái để xuất bán sang Trung Quốc.

“Bán lợn vào thời điểm này thật là sướng. Cứ mang lợn ra đến đâu, thương lái Trung Quốc hoặc Việt Nam tại Móng Cái thu mua hết ngay đến đấy”, anh Tài phấn khởi vừa nói vừa quệt mồ hôi trong cái nắng vùng biên gần độ.

Theo lái xe này, chu kỳ khoảng 9-10 ngày, chủ hàng trong Đồng Nai bắt đầu gom lợn lại cho đủ số lượng, đủ đầu xe, rồi vận chuyển ra Móng Cái. “Nếu thông tin từ biên giới báo về là Móng Cái đóng biên, thì tụi em lại cắt đường chạy sang cửa khẩu Bắc Phong Sinh hoặc Hoành Mô”, lái xe Tài cho hay.

“Giá thu mua lợn tại đầu cầu Đồng Nai khoảng 52 nghìn đồng/kg lợn hơi, về đến cửa khẩu, thương lái thu mua của tụi em với giá 61 nghìn đồng. Tiền lãi khoảng 9 nghìn đồng/kg là không lớn, bởi tiền cước vận chuyển, tiền chi phí cho lái xe, các khoản phí đường bộ, bao đường... cũng chiếm đa số. Nhưng bù lại, số lượng lợn xuất được sang Trung Quốc lớn nên cũng đỡ nhiều”, chủ hàng Phạm Văn Chi nói.

Chủ hàng này tính toán, với mỗi xe 3 chân chở hơn 200 con lợn, trọng lượng 80 - 120kg/con, được xếp làm ba tầng trên xe, tổng trọng tải 20 tấn, thì mỗi chuyến xe, anh cũng lãi khoảng 7-8 triệu đồng, tùy chuyến.

Do lượng xe vận chuyển lợn tăng đột biến trong thời gian qua, những địa phương dọc theo quốc lộ 18 nở rộ các dịch vụ ăn theo như rửa xe chở lợn, tắm lợn. Mỗi ngày hàng trăm xe tải lợn đi qua nên các dịch vụ này cũng sống khỏe. Còn các thương lái, dù đã chịu hàng chục khoản phí thì vẫn đút túi cả chục triệu đồng mỗi chuyến buôn.

Điểm tập kết chính của các xe vận chuyển lợn từ phía Nam ra Móng Cái không phải ở xã Hải Sơn, mà nằm tại bãi đất trống rộng rãi ven sông Ka Long. Bãi đất này nguyên là dự án của một DN Trung Quốc chuyên về bất động sản, nhưng không hiểu vì sao dự án bị dừng, nay thành điểm tập kết hàng hóa giữa biên giới hai nước Việt – Trung.

Anh Bắc, một chủ hàng đã có thâm niên 5 năm thu gom lợn để xuất sang Trung Quốc cho biết, từ Tết Nguyên đán cho đến cách đây hơn 1 tháng, vùng biên Móng Cái đìu hiu do Trung Quốc đóng biên, không nhập nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam. Nhưng thời gian ngắn trở lại đây, cửa khẩu lại tấp nập vì Trung Quốc lại mở cửa cho nhập lợn.

“Ban đầu họ nhập tất tần tật cả lợn to, bé, lợn giống. Nhưng nửa tháng trở lại đây, chỉ lợn từ 80kg đến 120kg/con họ mới nhập. Giá cả thì cũng ổn định ở mức 60 nghìn đồng đến 62 nghìn đồng/kg lợn hơi”, anh Bắc nói.

Theo thương lái này, nếu vận chuyển từ Đồng Nai ra đến các cửa khẩu của Quảng Ninh, với giá chênh lệch khoảng 9-10 nghìn đồng/kg như hiện tại, thì các chủ thu gom ở cửa khẩu sẽ không có lãi nhiều. Tuy nhiên, để tối đa hóa lợi nhuận, những chủ hàng như anh Bắc có những “thủ thuật riêng”.


Ảnh: Trà Cổ

Ảnh: Trà Cổ

“Khi xe đến cửa khẩu, phải cho lợn nghỉ ngơi nửa ngày để hồi phục. Sau đó, tùy vào trọng lượng của từng con, thương lái sẽ tiến hành “tọng” bột để tăng trọng lượng lợn rồi mới bán sang Trung Quốc. Trung bình một con lợn nặng 80kg, số bột được “tọng” vào sẽ khoảng 5kg”, anh Bắc tiết lộ.

Cũng như Móng Cái, cửa khẩu Hoành Mô cách đó hơn 60km cũng tấp nập các chuyến xe chở lợn để xuất bán sang biên giới. Theo thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô, trung bình mỗi ngày có gần 20 xe chở lợn tập kết về đây để xuất sang Trung Quốc.

Ông Trần Xuân Hưng, Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô, cho biết, từ trước đến nay tại cửa khẩu này chưa bao giờ xuất hiện tình trạng xuất khẩu lợn nhiều như hiện giờ.

“Chỉ trong vòng năm ngày đã có 1.750 tấn lợn được xuất sang Trung Quốc với tổng giá trị hơn 2,6 triệu USD”, ông Hưng cho biết.

Tuy nhiên, theo anh Bắc, số lượng trên tại cửa khẩu Hoành Mô “chưa nói lên điều gì”, bởi thông tin trong giới thu gom lợn của anh, mỗi ngày, cả ba cửa khẩu vùng biên giới Quảng Ninh là Móng Cái, Bắc Phong Sinh và Hoành Mô, phải cỡ 500 tấn lợn được đưa qua biên giới. Với số lượng trên trong thời gian hơn 1 tháng qua, thì lượng lợn được xuất sang Trung Quốc có thể lên đến hàng chục nghìn tấn.

Ngày 4/5, báo Financial Times đưa tin chính quyền thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc đã quyết định tung ra thị trường 3.050 tấn thịt lợn đông lạnh trong kho dự trữ nhằm giải tỏa áp lực nguồn cung và chặn đà tăng giá mạnh của thịt lợn.

Giá thịt lợn ở Bắc Kinh vào tháng 4 đã tăng 50,6% so với với tháng trước đó do nguồn cung bị thắt chặt. Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, giá bán sỉ thịt lợn hơi ở Trung Quốc ngày 3/5 đã tăng lên mức 26,45 nhân dân tệ, tương đương 90 ngàn đồng/kg.

Theo Trà Cổ

Nông nghiệp Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên