MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5.000 tỷ giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, lập dự án đường sắt tốc độ cao

Với đa số phiếu thuận, sáng 10/11 Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

2 triệu tỷ đồng vốn đầu tư trung hạn

Nghị quyết nêu rõ, tổng vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa là 2.000.000 tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách Trung ương là 1.120.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng, vốn trong nước 820.000 tỷ đồng.

Trong đó phát hành 260.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ (bao gồm 60.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 chuyển sang), tiền bán vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250.000 tỷ đồng. Vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỷ đồng.

Nghị quyết nêu rõ dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn theo mức dự phòng chung 10% theo từng nguồn vốn.

Các bộ, ngành trung ương và địa phương dành 10% dự phòng trên tổng mức vốn được phân bổ theo kế hoạch trung hạn theo từng nguồn vốn.

Các con số cụ thể hơn được thông qua là bố trí 72.817 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 để thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 43.119 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 29.698 tỷ đồng. Bố trí 5.000 tỷ đồng đầu tư giải phóng mặt bằng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành.

80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia

Quốc hội cũng đồng ý bố trí 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia. Nhưng nghị quyết nêu rõ, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và mức vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 cụ thể cho từng dự án quan trọng quốc gia sau khi Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án này theo quy định của Luật Đầu tư công.

Liên quan đến nội dung này, báo cáo giải trình cho biết, một số ý kiến đại biểu đề nghị sử dụng nguồn lực khác để đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam và dành nguồn lực này đầu tư cho các dự án dở dang thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, các tuyến vùng biên giới.

Một số ý kiến đề nghị dành một phần vốn để bảo đảm an toàn đường sắt, chuẩn bị dự án nâng cấp đường sắt tốc độ cao.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dự án đường cao tốc Bắc - Nam là một trong các dự án quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao, tăng tính kết nối giữa các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế chung của đất nước.

Trong bối cảnh huy động các nguồn lực khác gặp nhiều khó khăn, việc cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam là cần thiết. Việc đầu tư cho một số khu vực như đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên... đã được ưu tiên bố trí vốn theo định hướng đầu tư thể hiện tại nghị quyết.

Đáng chú ý, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc bảo đảm an toàn đường sắt là cần thiết, và Chính phủ đang chuẩn bị các điều kiện để lập dự án đường sắt tốc độ cao, vào thời gian thích hợp.

Theo Nguyên Vũ

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên