MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

6 chữ “Q” nhà tuyển dụng nào cũng khao khát ở mỗi ứng viên

05-04-2017 - 11:39 AM | Sống

Các nhà tuyển dụng ngày nay luôn tìm kiếm những ứng viên có kinh nghiệm, khả năng lãnh đạo, tư duy chiến lược, khả năng giao tiếp và cả kỹ năng giải quyết vấn đề sáng tạo… Tất cả những yêu cầu đó được tóm gọn trong 6 chữ “Q” dưới đây, cũng là những gì mà các ứng viên nên thể hiện trước nhà tuyển dụng để đạt được cơ hội.

1. IQ: Trí thông minh và tư duy phê phán

Các nhà quản lý luôn mong muốn tìm kiếm những người có khả năng hoạch định chiến lược, giải quyết vấn đề, nhìn nhận vấn đề trên cái nhìn toàn cảnh.

Thông thường, nhà tuyển dụng sẽ hay hỏi bạn những câu kiểu như “Nếu trong trường hợp này em sẽ làm thế nào”, “Kể về một lần em đã…”. Khi đó bạn không thể trả lời chung chung được mà nên đưa ra những ví dụ cụ thể từ kinh nghiệm của mình. Điều đó sẽ chứng tỏ sự hiểu biết về công ty cũng như sự chuẩn bị chu đáo của bạn.

Nhưng điều quan trọng hơn đó là trí thông minh có thể giúp bạn trả lời câu hỏi nhưng chưa đủ để giúp bạn giành chiến thắng bởi còn rất nhiều người tài năng. Thông minh là chưa đủ, bạn cần có kỹ năng xã hội.

2. EQ: Trí tuệ cảm xúc

Trí tuệ cảm xúc là khả năng thấu hiểu, nhận biết, đánh giá và kiểm soát cảm xúc của bản thân cũng như của người khác.

Trí tuệ cảm xúc không chỉ giúp điều chỉnh suy nghĩ của bạn, mà còn là công cụ để cải thiện các mối quan hệ.

Kỹ năng này không chỉ đòi hỏi bạn phải nhạy cảm trong việc “đọc vị” người khác, mà còn bao gồm khả năng lắng nghe.

Nhiều ứng viên hiện nay thường đến các hội chợ việc làm hoặc triển lãm nghề nghiệp như đi chơi, trong khi đây lại là cơ hội tuyệt vời để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Không khó để bạn tạo nên sự khác biệt cho bản thân mình bằng cách dành thời gian tìm hiểu về công ty mà mình đang hướng đến, sau đó đến bắt chuyện với người đại diện công ty, hỏi họ những câu hỏi hay ho để thể hiện được trình độ chuyên môn của mình. Nỗ lực này sẽ gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng và giúp bạn trở nên nổi bật hơn so với rất nhiều ứng viên khác.

3. PQ: Sự đam mê

Tất cả các nhà tuyển dụng đều muốn tìm kiếm một ứng viên có niềm đam mê rõ ràng. Niềm đam mê thể hiện ở chỗ bạn có mục tiêu và định hướng công việc cụ thể.

Ngay khi bước vào phòng phỏng vấn, bạn có thể thể hiện được đam mê của mình bằng thái độ nghiêm túc, niềm nở, thể hiện qua cái bắt tay hay thần thái khuôn mặt.

Một nghiên cứu của Linkedln cho thấy, những người có cơ hội đi xa hơn là những người chỉ ra được sự trung thành, có cam kết, có ý thức tự nguyện giúp đỡ người khác, có thể ở lại muộn khi cần thiết…

Đặc biệt, khi được hỏi những câu như “Định hướng nghề nghiệp” hay “Mục tiêu tương lai” thì bạn nên đưa ra những câu trả lời càng cụ thể càng tốt.

4. CQ: Khả năng thích nghi với môi trường

Nói một cách dễ hiểu hơn, là bạn cần phải biết cách điều chỉnh bản thân để làm việc tùy theo từng văn hóa công ty hoặc tùy từng sếp. Bạn không thể bắt văn hóa cả công ty thay đổi vì mình được. Điều này rất quan trọng, đặc biệt với các tổ chức đa quốc gia hoặc các công ty có nhiều chi nhánh nằm ở các vùng miền khác nhau.

Ở mỗi môi trường làm việc sẽ luôn có thứ mình thích, thứ mình không thích, người mình thích, người mình không thích. Bạn phải biết thích nghi thì mới có thể tồn tại và phát triển.

5. CRQ: Sự dũng cảm

Rất nhiều nhà lãnh đạo chia sẻ rằng, họ đang tìm kiếm những ứng viên dám đưa ra thách thức và đặt những câu hỏi khó khăn nhằm thúc đẩy tổ chức của họ tiến lên phía trước. Họ muốn nhân viên có lòng dũng cảm, dám thuyết phục, dám đón đầu thách thức.

Phải có lòng dũng cảm thì bạn mới dám đối mặt với những vị khách khó tính, sẵn sàng xua đuổi bạn.

Hãy thể hiện sự dũng cảm khi tự tin trả lời và chia sẻ những phản hồi tích cực khi được hỏi câu: “Nói với tôi về điểm yếu lớn nhất của bạn” chẳng hạn.

6. IMQ: Sự cầu tiến

Bạn phải luôn cố gắng tiến bộ mỗi ngày, cho chính bạn và công việc của bạn. Đừng bao giờ trì trệ, dậm chân tại chỗ với tư tưởng đã “đủ”, bởi không bao giờ là đủ cả. Xã hội và những người xung quanh bạn đều đang tiến lên, nếu bạn đứng yên, tức là bạn đang thụt lùi.

Hãy trau dồi kỹ năng và mở rộng tầm nhìn của mình bằng cách tìm hiểu thêm về công việc, văn hóa công ty, các xu hướng mới nổi. Bạn cũng có thể đăng ký một lớp học để tăng cường tư duy sáng tạo, khả năng lắng nghe hay kỹ năng giao tiếp. Cải thiện không phải là sự tăng vọt, chỉ cần mỗi ngày bạn tiến bộ hơn ngày hôm qua là được.

Tất cả các yếu tố trên đều có mối liên quan đến nhau và đều quan trọng với mọi tổ chức. Trước khi đến phỏng vấn, bạn hãy tìm hiểu càng nhiều càng tốt về công ty, vị trí ứng tuyển và những người sẽ tiến hành cuộc phỏng vấn. Bạn cần biết được giá trị cốt lõi mà công ty hướng đến, năng lực và kỹ năng mà họ tìm kiếm, nói chuyện với những người làm việc ở đó. Những phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Linkedln hoặc Glassdoor.com sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ nét hơn về văn hóa làm việc của công ty. Những thông tin trên sẽ giúp bạn hiểu rõ nhà tuyển dụng đang cần gì, từ đó biết cách kết nối cái họ cần và cái mà bạn đang có.

Khánh Hằng

The Washington Post

Trở lên trên