6 tháng đầu năm, 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam kinh doanh ra sao?
Theo thống kê của Metric, 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam ước đạt 156.000 tỷ đồng.
- 26-06-2024Nóng: Shopee vừa phải điều chỉnh hoạt động tại 1 quốc gia ĐNÁ do vi phạm liên quan tới Shopee Express
- 17-06-2024Đề xuất đánh thuế tất cả hàng hoá nhập khẩu qua Shopee, Lazada, Tiki, TikTok
- 03-06-2024Cuộc đua "đốt tiền" của các ông lớn công nghệ: Các ví điện tử Momo, Zalo Pay đốt cả 10.000 tỷ vẫn càng ngày càng lỗ khi Shopee, Grab đã có lãi
Theo thống kê của nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric, trong quý II⁄2024 ước tổng doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam gồm: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktokshop đạt khoảng 85.000 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2024.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu trên 5 sàn ước đạt 156.000 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2023.
Trước đó, trong quý I/2024 doanh thu bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử này đạt 71.200 tỷ đồng (chưa bao gồm doanh thu từ các phiên livestream), tăng 78,6 % so với quý I/2023.
Con số tăng trưởng này cũng vượt xa so với dự báo doanh thu thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 sẽ chỉ tăng khoảng 35% so với năm 2023. Trong đó, nền tảng Shopee tiếp tục dẫn đầu với 53.740 tỷ đồng, đạt 67,9% thị phần. Xếp thứ 2 là TikTok Shop với 18.360 tỷ đồng, chiếm 23,2% thị phần. Lazada và Tiki lần lượt đạt 6.030 tỷ đồng (chiếm 7,6% thị phần) và 997,06 tỷ đồng (chiếm 1,3%).
Trong báo cáo mới nhất về hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam của NielsenIQ Việt Nam cho hay, người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023. Cụ thể, trung bình mỗi người dân mua hàng trực tuyến gần 4 lượt mỗi tháng, và dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để mua sắm online. Con số này cao gần gấp đôi so với tần suất đi siêu thị hàng tháng của người Việt Nam.
Theo đó, trung bình mỗi người sử dụng 3,2 nền tảng để phục vụ cho việc mua sắm online. “Điện thoại di động là thiết bị được sử dụng nhiều nhất để mua hàng, chiếm 94%” - đại diện NielsenIQ nói.
Nhóm 3 mặt hàng được mua nhiều nhất là thực phẩm, đồ uống và mỹ phẩm. Tiếp đến là các mặt hàng thời trang - thể thao, chăm sóc nhà cửa và công nghệ, mẹ và bé, dịch vụ số như đăng ký dịch vụ, đặt phòng online, vận chuyển hàng hóa... Như vậy, thói quen này đã được thay đổi, bởi trước đây người dùng chỉ sử dụng thương mại điện tử cho các mặt hàng không thiết yếu như đồ điện tử, gia dụng và thời trang. Hiện nay, người Việt đã đi chợ mạng thường xuyên hơn để mua sắm các nhu yếu phẩm hàng ngày.
Đáng chú ý, giá rẻ không còn là lý do lớn nhất quyết định hành vi mua sắm online. Hai lý do được nhiều người quan tâm nhất là mua để dự trữ tiêu dùng cho gia đình (25%) và phục vụ ăn uống tức thì (21%).
“Những con số trên cho thấy mua sắm trực tuyến đã trở thành hoạt động phổ thông, và việc mua sắm các mặt hàng thiết yếu cũng trở nên phổ biến. Chính vì thế, thương mại điện tử cần sớm tìm động lực tăng trưởng mới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay” - NielsenIQ nhận định.
Nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric cũng dự báo mùa cao điểm kinh doanh của thị trường sẽ trên đà tăng tốc từ quý II/2024, với tốc độ tăng 19,2% so với quý I/2024, tương đương tăng khoảng 78% so với quý II/2023. Những tháng còn lại của 2024, thị trường bán lẻ trực tuyến sẽ tiếp tục có những tín hiệu tăng trưởng tích cực.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số , thời gian qua, các chính sách phát triển kinh tế số và thương mại điện tử tại Việt Nam đã tạo ra nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp, bao gồm việc hoàn thiện khung pháp lý, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư, phát triển hạ tầng số, bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng, thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới, tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.
Thương mại điện tử cho phép các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận khách hàng. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giúp mở rộng quy mô và tăng trưởng nhanh chóng. Việc áp dụng các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), và Internet vạn vật (IoT) giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất và kinh doanh.
Thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Phát triển thương mại điện tử chú trọng đến phát triển bền vững, hướng đến tối ưu hóa quá trình từ sản xuất, kinh doanh đến trải nghiệm người tiêu dùng bằng các giải pháp có tác động tích cực và cân bằng giữa 3 yếu tố phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Trong đó, doanh nghiệp và người tiêu dùng là lực lượng chính trong phát triển thương mại điện tử bền vững, Nhà nước có vai trò quản lý, xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của thương mại điện tử.
Báo công thương