6 tháng, DN Việt Nam chi hơn 3 tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng mà nước ta đang sản xuất nhiều
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp Việt Nam đã chi tới 3,46 tỷ USD để nhập khẩu một mặt hàng quen thuộc, trong đó nhiều nhất là từ Trung Quốc.
Mặt hàng này là thép cuộn cán nóng (HRC). Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng, tương ứng với 151% sản xuất trong nước. Đáng chú ý, chỉ tính riêng lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc đã chiếm 77%.
Theo đó, tính chung lũy kế trong 6 tháng đầu năm, nước ta đã nhập lượng gần 6 triệu tấn thép HRC, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng nhập khẩu trong 6 tháng cũng bằng 173% so với sản xuất ở trong nước. Cụ thể, ngoài lượng thép từ Trung Quốc chiếm tới 74%, nước ta còn nhập khẩu mặt hàng này từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và những quốc gia khác. Tính chung kim ngạch nhập khẩu thép HRC của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 3,46 tỷ USD. Trong đó, chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 2,5 tỷ USD.
Sản xuất thép thô của Việt Nam hiện đang đứng ở vị trí thứ 13 trên thế giới. Hiện nay có hơn 30 thị trường nhập khẩu thép Việt Nam, chẳng hạn như Campuchia, Mỹ, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, EU...
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 5/2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,117 triệu tấn thép, tăng 0,78% so với tháng trước, nhưng lại giảm 1,37% so với cùng kỳ năm trước về lượng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 5 đạt 797 triệu USD, giảm 4,53% so với tháng trước, đồng thời giảm 14,36% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2024, nước ta đã xuất khẩu khoảng 5,5 triệu tấn thép, tăng 25,61% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2023.
Rõ ràng thép là mặt hàng quan trọng mang lại hàng tỷ USD cho Việt Nam. Vậy, câu hỏi đặt ra rằng vì sao Việt Nam lại phải chi nhiều tỷ USD để nhập khẩu mặt hàng này?
Vì sao Việt Nam nhập khẩu nhiều thép HRC từ nước ngoài?
Thép HRC là nguyên liệu đầu vào được dùng để sản xuất các sản phẩm hạ nguồn như ống thép, tôn mạ, thép kết cấu, đóng tàu, vỏ container và các sản phẩm hạ nguồn khác.
Tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng ngày 15/6, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam vẫn đang tiếp tục nhập khẩu thép cán (chiếm hơn 50% tổng kim ngạch nhập khẩu), trong đó chủ yếu là thép cán nóng. Kể từ năm 2017 đến nay, dù Việt Nam đã sản xuất được thép cán nóng với sản lượng ngày một tăng, chiếm tỷ trọng cao, nhưng mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thị trường trong nước.
Theo VSA, nhu cầu về thép, nhất là thép HRC ở Việt Nam vào khoảng 12 – 13 triệu tấn mỗi năm. Trong khi đó, công suất của những nhà máy sản xuất ở trong nước hiện chỉ đạt khoảng 9 triệu tấn. Hơn nữa, giá thép nhập khẩu lại rẻ hơn. Điển hình là giá nhập khẩu thép từ Trung Quốc có giá bình quân là 560 USD/tấn (trong tháng 6), thấp hơn so với các quốc gia khác từ 45 – 108 USD/tấn.
Theo đánh giá của VSA, do thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam khiến thị phần bán hàng thép HRC của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Cụ thể, thị phần bán hàng HRC của các doanh nghiệp trong nước như Formosa và Hòa Phát đã giảm từ 42% năm 2022 xuống còn 30% vào năm 2023. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước hiện này không khai thác được hết công suất thiết kế vì phải cạnh tranh với sản phẩm giá rẻ nhập khẩu với dấu hiệu bán phá giá.
Trên thực tế, sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất thep HRC của Việt Nam chỉ đạt 6,7 triệu tấn, tương ứng với 79% công suất thiết kế. Trong khi đó, vào năm 2023, lượng nhập khẩu của loại thép này lên tới 9,6 triệu tấn, tức là gấp 1,5 lần so với sản xuất trong nước.
Hay mới đây nhất, lượng thép HRC nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 gấp 1,7 lần so với sản xuất trong nước. Theo VSA, đây là một thực trạng đáng báo động.
VSA cho biết, lượng sản xuất thép của các quốc gia láng giềng của Việt Nam như Thái Lan, Indonesia hiện chỉ đáp ứng được 43% và 37% về nhu cầu tiêu thụ. Kể từ năm 2019, hai nước này đã có thuế chống bán phá giá, bên cạnh thuế nhập khẩu MFN đang duy trì.
Trong khi đó, Việt Nam dù có năng lực sản xuất thép HRC đáp ứng 70% nhu cầu tiêu thụ nhưng không có thuế nhập khẩu MFN và hàng rào thuế quan khác nhằm bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước. Điều này khiến thị trường trong nước đang trở thành "chỗ trũng" cho hàng nhập khẩu tới từ các quốc gia lân cận.
Chính vì vậy, VSA cho rằng các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp kịp thời nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.
Theo tính toán Hiệp hội Thép thế giới (WSA), nhu cầu về tiêu thụ thép trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng khoảng 1,7% lên 1,793 tỷ tấn trong năm 2024 và tăng 1,2% lên 1,815 tỷ tấn trong năm 2025.
Bài tham khảo nguồn: Customs, VSA, WSA
Đời sống Pháp luật