6 thói quen đơn giản đến bất ngờ nhưng lại là bí quyết sống thọ của người Nhật
Muốn có sức khỏe tốt và sống thọ hơn thì chúng ta cần phải xây dựng lối sống lành mạnh, bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhặt.
- 15-11-20236 thói quen phổ biến “bào mỏng” dạ dày lúc nào không hay, nhiều người vẫn vô tư làm hàng ngày
- 15-11-20234 thói quen buổi sáng là “bảo bối” để người dân vùng xanh sống thọ tới 100 tuổi, điều đầu tiên xa lạ với nhiều người
- 14-11-20233 thói quen dùng bình nóng lạnh chẳng khác nào “tự đặt mình vào hố bom”, khiến tiền điện mùa đông “tăng chóng mặt”
Hàng chục năm qua, Nhật Bản nổi tiếng là một trong những đất nước có người dân sống thọ nhất thế giới. Vào năm 2022, tuổi thọ trung bình của phụ nữ Nhật Bản là 87.09 tuổi và ở nam giới là 81.05 tuổi. Các dữ liệu mới được Bộ Y tế, Lao động và An sinh Xã hội Nhật Bản công bố tháng 9/2023 cho thấy số người sống thọ trên 100 tuổi ở nước này đã tăng lên mức kỷ lục.
Cụ thể, có khoảng 92.139 người, trong đó phụ nữ chiếm 88.5%. Tức là số người sống thọ trên 100 tuổi tăng 1.613 người so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu năm thứ 53 liên tiếp dữ liệu này tăng. Cũng có nghĩa, trung bình cứ 100.000 người tại Nhật Bản thì có 73.74 người từ 100 tuổi trở lên.
Để làm được điều này, không thể không nhắc tới sự đóng góp lớn của những thói quen tốt của người dân Nhật Bản. Trong đó có 6 thói quen rất đơn giản, không hề tốn kém mà bất cứ ai cũng có thể học theo:
1. Ngủ trưa mỗi ngày
Trong một ngày bận rộn, ngủ trưa mang đến cho người Nhật một cơ hội ngắn ngủi để nghỉ ngơi và phục hồi năng lượng. Đối với người Nhật, ngủ trưa không chỉ là một thói quen mà còn là một phong cách sống. Họ làm việc hết mình nhưng cũng không tiếc thời gian buổi trưa để thư giãn và nâng cao hiệu quả làm việc vào buổi chiều, thậm chí là tăng ca buổi tối.
Ngoài ra, ngủ trưa cũng rất tốt cho sức khỏe. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngủ trưa có thể làm giảm huyết áp, giảm gánh nặng cho tim và cải thiện khả năng miễn dịch. Đối với người cao tuổi, ngủ trưa còn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, chỉ nên ngủ 15 - 30 phút mỗi ngày và không ngủ ngay sau khi ăn trưa nhé!
2. Chế độ ăn nhạt, giữ tối đa dinh dưỡng
Chế độ ăn uống của người Nhật rất chú trọng đến việc cân bằng dinh dưỡng và ăn nhẹ nhàng. Họ tiêu thụ một lượng lớn rau, trái cây và thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt trong mỗi bữa ăn. Những thực phẩm này rất giàu chất xơ và vitamin, có thể thúc đẩy nhu động ruột và tăng cường khả năng miễn dịch của con người. Đồng thời, chúng cũng ít calo và chất béo, không gây ra các vấn đề sức khỏe như béo phì, bệnh tim mạch.
Ngoài ra, người Nhật cũng chú trọng đến phương pháp nấu ăn trong chế độ ăn uống. Bên cạnh ăn ít muối, đường để cơ thể nhẹ nhàng, họ có xu hướng sử dụng các phương pháp nấu ăn lành mạnh như hấp, luộc, rang hơn là các phương pháp nấu ăn không lành mạnh như chiên, áp chảo. Không chỉ giữ lại tối đa dinh dưỡng mà còn hạn chế sản sinh chất độc hại. Cũng dùng dụng cụ ăn uống nhỏ, chia nhiều bữa và chỉ ăn no tới 80%.
3. Yêu trà
Uống trà là thói quen tốt để kéo dài tuổi thọ của người Nhật. Quan niệm này đã ăn sâu vào văn hóa Nhật Bản. Trà đạo Nhật Bản có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, so với văn hóa uống trà của Trung Quốc, trà đạo Nhật Bản chú trọng hơn đến tinh thần và nội hàm của trà. Đặc biệt, người Nhật ở mọi lứa tuổi đều rất yêu trà chứ không chỉ có người lớn tuổi như nhiều quốc gia khác. Đặc biệt là trà xanh.
Trà rất giàu polyphenol, chất dinh dưỡng này có tác dụng chống oxy hóa mạnh, có thể loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể một cách hiệu quả, cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể, chống lão hóa và thậm chí ngăn ngừa một số bệnh. Người Nhật cũng truyền tai nhau thói quen uống trà như một bí quyết sống thọ.
4. Ăn chậm, nhai kỹ
Ngoài việc lựa chọn thực phẩm, cách ăn của người Nhật cũng hướng đến việc làm sao để tốt cho sức khỏe, sống lâu hơn. Ăn chậm và nhai kỹ là điểm quan trọng nhất trong khi ăn uống.
Bởi nếu ăn quá nhanh, nhai không kỹ sẽ gây hại cho hệ thống tiêu hóa, tăng nguy cơ nuốt phải dị vật và nhiều bệnh tật khác. Ăn nhanh trong một thời gian dài còn có thể khiến dây thần kinh vị giác vẫn ở trạng thái hưng phấn, ảnh hưởng xấu đến vị giác. Đồng thời làm tăng insulin và dễ mắc bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, ăn nhanh còn khó kiểm soát lượng thức ăn nạp vào. Từ đó dễ gây thừa cân, béo phì - đây đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật và làm giảm tuổi thọ.
5. Uống nước đúng thời điểm
Một việc đơn giản, cần thiết như uống nước nếu biết tận dụng cũng có thể trở thành bí quyết gìn giữ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Từ lâu, người Nhật Bản nổi tiếng sống lâu cũng là nhờ uống nước đúng thời điểm, đúng cách.
Đầu tiên, họ không thường chờ khi khát mới bắt đầu uống nước mà sẽ uống nước chủ động vào nhiều thời điểm trong ngày. Đặc biệt là không quên uống 1 cốc vào 2 "khung giờ vàng" trong ngày. Đầu tiên là 30 phút trước khi đi ngủ ban đêm và thứ hai là sáng sớm khi vừa mới ngủ dậy, bụng còn rỗng.
Thói quen này rất tốt cho tuần hoàn máu, tim mạch, não bộ, bài tiết và thải độc cho cơ thể. Tuy nhiên cần nhớ đó phải là nước lọc, tốt nhất là nước đun sôi để nguội hoặc nước ấm nhẹ. Nhiệt độ nước tốt nhất không quá 45 độ C và nên uống từ từ từng ngụm nhỏ để đạt hiệu quả tốt nhất. Ngoài ra, khi uống sẽ uống chậm từng ngụm nhỏ.
6. Chăm vận động
Ở Nhật Bản, người ta thường tin rằng tập thể dục có thể thúc đẩy tuần hoàn máu, cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể, tăng cường sức mạnh cơ bắp và mật độ xương. Đây là những yếu tố then chốt để kéo dài tuổi thọ nên người Nhật đầu tư và nhiệt tình tập thể dục rất cao.
Các môn thể thao truyền thống của Nhật Bản như judo, kendo, karate… đều nhấn mạnh đến sự phối hợp và tính linh hoạt của cơ thể. Những môn thể thao này không chỉ rèn luyện các bộ phận khác nhau của cơ thể mà còn cải thiện chức năng tim phổi và sức bền. Một điều gây bất ngờ là ngay cả những người trẻ, người ít khi tập thể dục ở Nhật cũng sẽ biết và tập luyện các bộ môn này ở mức độ nhất định.
Điều đáng học hỏi trong tăng cường vận động ở Nhật là họ có thể không quá chăm thể dục thể thao bài bản nhưng lại rất thích đi bộ và đạp xe. Ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như khi đi làm và về nhà, người Nhật thường chọn đi bộ hoặc đi xe đạp thay vì sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Những hành động nhỏ tưởng chừng như không đáng kể nhưng lại có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền, mang lại lợi ích to lớn cho cơ thể và sức khỏe.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Sohu, Top 1 Health
Phụ nữ mới