7 nhóm ngành dự báo sẽ tuyển dụng lượng lớn nhân sự trong quý 4/2021
Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, ông Đỗ Minh Sự dự kiến, sẽ có khoảng 60.000 lao động cần được tuyển dụng ở các doanh nghiệp tại TPHCM trong quý 4/2021.
- 23-10-2021Cơ chế đặc thù 'thiếu bóng dáng kinh tế biển'
- 23-10-2021Rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội để nhiều người hưởng lương hưu
- 23-10-2021Thủ tướng yêu cầu xem xét giải pháp giảm chi phí điện, xăng dầu
Mới đây, Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã tổ chức tọa đàm với chủ đề "Các giải pháp đào tạo nhân lực có kỹ năng nghề góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng lao động, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội".
Tại toạ đàm, trích dẫn dữ liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, TS. Trương Anh Dũng cho biết, tốc độ phát triển công nghệ trong giai đoạn đại dịch Covid-19 đang tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực việc làm, đặc biệt là những nhu cầu nâng cao kỹ năng của người lao động.
Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ thất nghiệp, số lao động rời thị trường tăng cao, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đến khi nền kinh tế từng bước phục hồi, thì doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán thiếu hụt lao động.
Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, ông Đỗ Minh Sự chia sẻ, làn sóng Covid-19 lần thứ tư đã khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Theo thống kê, ngay sau khi chấm dứt giãn cách, số doanh nghiệp trên địa bàn bắt đầu khôi phục lại hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức trên 60%.
Trong đó, có hơn 100 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 9.000 lao động ở các ngành nghề. Ông Sự dự kiến, sẽ có khoảng 60.000 lao động cần được tuyển dụng ở các doanh nghiệp tại TPHCM trong quý 4/2021.
Trong đó, khoảng 95% là ở doanh nghiệp ngoài nhà nước; 4% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn nhất là may mặc, da giày, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo, điện tử, bao bì, giao thông vận tải.
Cụ thể, ở ngành điện tử, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam cho hay, Việt Nam đang là địa điểm thu hút nhiều "ông lớn" về công nghiệp điện tử trên thế giới, và hiện có 6 công ty điện tử lớn nhất đã xuất hiện ở Việt Nam.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ lao động thiếu hụt trong ngành Điện tử lên tới 55,6%. Do đó, bà Hương nhấn mạnh, Việt Nam cần phải sẵn sàng nguồn nhân lực lao động để cung ứng cho ngành Điện tử hiện giờ đang thiếu.
"Samsung đang mở những đợt tuyển rất lớn, từ sinh viên trường Bách khoa đến những trường công nghệ khác nhưng sau khi sơ tuyển vẫn phải đào tạo tiếp mới có thể làm được việc" – bà Đỗ Thị Thúy Hương thông tin.
Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh dự báo, các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn nhất là may mặc, da giày, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo, điện tử, bao bì, giao thông vận tải.
Làm thế nào để thu hút người lao động quay trở lại làm việc?
Để có thể giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động ở các doanh nghiệp, theo các chuyên gia, việc thu hút người lao động quay trở lại doanh nghiệp làm việc là vô cùng cần thiết. Ông Đỗ Minh Sự chia sẻ, hiện TP.HCM đang chuẩn bị kế hoạch xây dựng 1 triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân có thu nhập thấp để giải quyết nhu cầu về nhà ở.
Bên cạnh đó, thành phố dự kiến sẽ hỗ trợ đưa đón người lao động di chuyển an toàn khi trở lại làm việc và đảm bảo những đối tượng này đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.
Đồng thời, TPHCM cũng đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ thu hút người lao động quay trở lại các tỉnh, thành bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Ví dụ, hỗ trợ kinh phí thuê nhà, chi phí vận chuyển, chi phí xét nghiệm tầm soát Covid-19; chỉ đạo các tỉnh, thành bị đại dịch hỗ trợ ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 đủ 2 mũi cho những người lao động quay trở lại làm việc.
Còn theo ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, hiện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng 2 phương án bổ sung lực lượng lao động.
Phương án 1 là đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Theo đó, đưa 500.000 học sinh, sinh viên cơ bản (năm 1, năm 2); 500.000 học sinh sinh viên thành thạo (năm 2 hoặc năm 3) vào làm việc tại doanh nghiệp. Trong đó, riêng khu vực trọng điểm Đông Nam Bộ có khoảng gần 200.000 học sinh, sinh viên thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể tham gia tại doanh nghiệp.
Phương án 2 là tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, học sinh, sinh viên sẽ được vừa học vừa làm tại doanh nghiệp để đảm bảo nâng cao tay nghề.
Ông Vũ Xuân Hùng nhận xét, hai phương án trên vừa có thể huy động được học sinh, sinh viên tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh Covid-19 đang cần người lao động, vừa đảm bảo được mục tiêu nâng cao tay nghề cho học sinh, sinh viên.