MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 thách thức đối với kinh tế Việt Nam 2020

Bên cạnh 7 thách thức từ nội tại, kinh tế VIệt Nam còn đối mặt với 3 rủi ro từ bên ngoài...

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo nhận định về kinh tế Việt Nam 2020.


Những thành tựu đáng ghi nhận năm 2019

Theo báo cáo, kinh tế thế giới năm 2019 diễn biến phức tạp, khó lường; với mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với năm trước, chủ yếu do tăng trưởng chậm ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc, sự phục hồi chậm của các nước mới nổi. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và diễn biến khó lường, tiến trình Brexit khó đoán; xung đột địa chính trị tại Trung Đông và khu vực khác. Điểm thuận lợi là giá dầu và giá hầu hết hàng hóa cơ bản năm 2019 trên thế giới chỉ tăng nhẹ, gây áp lực lạm phát không nhiều đối với giá cả trong nước; nhiều nước giảm lãi suất điều hành, nới lỏng tài khóa, hỗ trợ thanh khoản thị trường tài chính–tiền tệ quốc tế dồi dào hơn, khiến mặt bằng lãi suất giảm nhẹ, tăng trưởng kinh tế toàn cầu không bị suy giảm quá mạnh.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam năm 2019 đạt được nhiều kết quả rất khả quan, với các điểm sáng chủ yếu như: GDP duy trì đà tăng trưởng cao (7,02%), vượt mục tiêu (6,6-6,8%) nhờ sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng khá (+8,9%), tiêu dùng nội địa và dịch vụ tăng trưởng vững chắc; lạm phát được kiểm soát tốt với CPI bình quân tăng 2,79%, mức thấp nhất trong 3 năm qua và thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4%; chất lượng tăng trưởng cao hơn; xuất khẩu tăng trưởng khá (+8,1%), xuất siêu ở mức cao nhất trong vòng 9 năm (9,94 tỷ USD); đăng ký và giải ngân vốn FDI tăng khoảng 7%; tình hình phát triển doanh nghiệp diễn biến tích cực cả về số doanh nghiệp thành lập mới, số vốn và số lao động đăng ký; năng lực cạnh tranh quốc gia cải thiện, được các tổ chức quốc tế ghi nhận; nền tảng vĩ mô được củng cố khi cân đối ngân sách diễn biến tích cực hơn, tỷ giá ổn định (VND tăng nhẹ 0,11% so với USD) và lãi suất giảm nhẹ, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng và đạt mức kỷ lục (khoảng 79 tỷ USD); tín dụng tăng trưởng hợp lý hơn (khoảng 13,5%); tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đạt kết quả tích cực, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Những khó khăn, thách thức trong năm 2020

Bên cạnh những thành tựu đạt được năm 2019, tạo tiền đề vững chắc cho đà phát triển tiếp theo. Kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cả từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế. 

Ba rủi ro, thách thức từ bên ngoài, đó là: (i) căng thẳng thương mại giữa các nước lớn vẫn diễn biến phức tạp, khó lường (trong đó, Việt Nam đã nằm trong danh sách các nước bị theo dõi về thao túng tiền tệ); (ii) sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới, nhất là các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, khu vực châu Âu, Nhật Bản…; (iii) rủi ro địa chính trị, biến đổi khí hậu và dịch bệnh diễn biến khó lường. Những rủi ro này có tác động đối với thương mại, đầu tư và áp lực tỷ giá, lạm phát của Việt Nam. 

Đồng thời, nền kinh tế Việt Nam năm 2020 cần vượt qua 7 thách thức, tồn tại từ nội tại.

Thứ nhất, sản xuất công nghiệp đang giảm đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2019 tăng 8,86%, thấp hơn năm 2018 (+10,2%) và 2017 (9,4%), chủ yếu do mức tăng của ngành chế biến, chế tạo chỉ đạt 10,4%, thấp hơn nhiều mức tăng 12,3% năm 2018 và mức tăng 14,4% năm 2017.

Thứ hai, nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Năm 2019, khu vực nông-lâm-ngư nghiệp chỉ tăng 2,01% (thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,76% năm 2018 và mức 2,96% năm 2017), trong đó riêng nông nghiệp chỉ tăng 0,61%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,89% năm 2018 và mức tăng 2,07% năm 2017; chủ yếu là do dịch tả lợn Châu Phi tuy đã được kiểm soát, nhưng do giảm nguồn cung và giá tăng mạnh những tháng gần đây; khiến tiêu thụ bắt đầu giảm và tăng áp lực lạm phát; và do biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp (hạn hán, cháy rừng, xâm nhập mặn lan rộng....) ảnh hưởng tới sản lượng cây trồng; xuất khẩu nông sản khó khăn hơn về thị trường tiêu thụ (một phần do vẫn còn vấn đề thẻ vàng của EU và Trung Quốc khuyến khích tiêu dùng nội địa, siết chặt hơn thương mại tiểu ngạch…).

Thứ ba, tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu DNNN và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Về cổ phần hóa DNNN, theo Bộ Tài chính, năm 2019 mới có 9 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trong giai đoạn 2016-2019, chỉ có 36/128 doanh nghiệp cổ phần hóa (đạt 28% kế hoạch). Về thoái vốn, năm 2019 đã có 13 doanh nghiệp thuộc danh mục ban hành với giá trị 896 tỷ đồng, thu về 1.839 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2017-2019, thoái vốn nhà nước mới thực hiện được tại 92 đơn vị với giá trị 4.704 tỷ đồng, thu về 8.964 tỷ đồng (đạt 7,8% kế hoạch).

Năm 2019, thu chi NSNN có nhiều cải thiện theo hướng bền vững hơn. Theo đó, thu NSNN ước tăng 11,2% so với năm 2018 và vượt khoảng 7% dự toán; trong khi đó, chi NSNN hết năm ước đạt khoảng 85% dự toán, giúp bội chi NSNN ước tính ở mức 3,4% GDP, đạt mục tiêu Chính phủ đề ra (dưới 3,6%GDP).

Chi NSNN chưa đạt dự toán một phần là do giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm.  Hết năm 2019, vốn đầu tư nguồn NSNN thực hiện ước đạt khoảng 89,5% kế hoạch năm và chỉ tăng 5,8% so với cùng kỳ (năm 2018 bằng 92,3% kế hoạch và tăng 12,5%), thấp nhất trong 4 năm, tiếp tục là điểm nghẽn tăng trưởng khi đầu tư công chiếm tới 10,5% tổng giá trị GDP cả nước, khoảng 31% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019.

Thứ tư, cải cách thể chế còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn thị trường: các văn bản hướng dẫn luật, thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, mô hình kinh doanh mới còn chậm ban hành; một số quy định kiểm tra chuyên ngành đối với một số lĩnh vực, ngành nghề còn gây khó khăn cho doanh nghiệp (sản phẩm sữa, dược liệu, dệt may...). Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa tốt (dẫn đến nguy cơ chậm thanh toán nợ nước ngoài, khiến Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s thay đổi triển vọng từ ổn định thành tiêu cực đối với xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam tháng 12/2019 vừa qua).

Báo cáo môi trường kinh doanh 2020 của WB đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa có cải thiện rõ rệt (tăng 1,4 điểm nhưng giảm 1 bậc), trong đó có các chỉ tiêu xếp thứ hạng thấp (khởi sự kinh doanh 115/190, nộp thuế 109/190, thương mại qua biên giới 104/190, giải quyết phá sản 122/190, bảo vệ nhà đầu tư 97/190). Ngoài ra, chi phí giao dịch không chính thức còn cao; còn hiện tượng đùn đẩy, co cụm; cho thấy Chính phủ cần hành động mạnh mẽ hơn nữa, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh một cách thực chất, mạnh mẽ và đồng bộ hơn.

Thứ năm, khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc bên ngoài vẫn còn mỏng trong khi Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở rất lớn (kim ngạch thương mại tương đương 210% GDP), xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào 1 số thị trường chính và dẫn chủ yếu do khối doanh nghiệp FDI dẫn dắt (chiếm đến 69% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam năm 2019); dự trữ ngoại hối dù tăng cao song mới ở mức vừa đủ theo khuyến nghị của IMF (khoảng 79 tỷ USD, tương đương khoảng 3,7 tháng nhập khẩu, so với mức 6-8 tháng nhập khẩu của các nước trong khu vực); tỷ lệ nợ công/GDP ở mức 56,1% - đã giảm nhưng vẫn còn cao so với các nước mới nổi (khoảng 50%GDP), áp lực trả nợ gốc lớn, thâm hụt ngân sách (nếu tính cả trả nợ gốc) còn cao...v.v.

Thứ sáu, một số thị trường xuất hiện dấu hiệu rủi ro: thị trường bất động sản về cơ bản đang trong giai đoạn sàng lọc, lành mạnh hơn; tuy nhiên bắt đầu xuất hiện lệch pha cung-cầu ở một số phân khúc (thiếu nguồn cung ở một số phân khúc như căn hộ, văn phòng cho thuê …do các địa phương thực hiện rà soát, thanh-kiểm tra), khiến giá tăng chưa hợp lý; phân khúc Condotel xuất hiện khó khăn khi cung vượt cầu ở một số địa bàn và pháp lý chậm ban hành. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn trung-dài hạn của doanh nghiệp, nhưng còn thiếu minh bạch, lãi suất phát hành ở một vài doanh nghiệp có nguy cơ phá vỡ mặt bằng lãi suất thị trường, cần hoàn thiện khung pháp lý và quản lý, giám sát cho lành mạnh hơn.

Thứ bảy, một số vấn đề xã hội gây bức xúc, chất lượng nước và môi trường diễn biến xấu đi, nhất là tai nạn giao thông nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường, úng lụt, tắc nghẽn giao thông tại một số thành phố lớn chưa được quan tâm xử lý; đầu tư đa cấp, đạo đức học đường, tín dụng đen có giảm nhưng vẫn còn nhức nhối...v.v. Những vấn đề này nếu không được quan tâm giải quyết, sẽ trở thành điểm nghẽn đối với phát triển kinh tế - xã hội. Kết quả phân tích của WB (công bố tháng 8/2019) cho thấy GDP tại các nước ở khu vực hạ lưu những con sông bị ô nhiễm nặng giảm 0,82 điểm %. Đánh giá của WB (2016) cũng cho thấy, ô nhiễm môi trường và ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã gây thiệt hại đến 5 điểm % GDP hàng năm. Con số này hiện nay có thể lớn hơn khi mà chất lượng môi trường và không khí tại Việt Nam có phần xấu đi.

Lời kết: Việt Nam đã duy trì được đà tăng trưởng cao và nền tảng vĩ mô ổn định trong năm 2019; nhưng còn nhiều rủi ro, thách thức, điểm nghẽn cần quan tâm khắc phục với giải pháp căn cơ và có tầm nhìn, mới có thể đảm bảo hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 mà Quốc Hội đề ra, tạo tiền đề cho giai đoạn 2021-2030 phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo và bao trùm.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV


H. Kim (ghi theo báo cáo của Nhóm tác giả)

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên