8 quy tắc giúp bạn tránh ngộ độc thực phẩm vào mùa hè
Thời tiết nóng và ẩm vào mùa hè làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm lên gấp nhiều lần. Hãy tuân thủ các quy tắc sau đây để bảo vệ chính bạn và gia đình.
- 19-04-20216 món dễ bị ôi thiu và dễ gây ngộ độc bậc nhất trong mùa hè: Các gia đình ăn mỗi ngày nhưng chưa biết cách bảo quản đúng
- 12-04-2021Sự thật về lời đồn "ăn cam sau khi uống thuốc gây ngộ độc"
- 10-04-20213 loại củ quả càng bảo quản trong tủ lạnh càng nhanh hỏng, thậm chí ăn vào còn có thể gây ngộ độc
Ướp chua thịt: Dùng giấm hoặc nước cốt chanh để ướp thịt sẽ giúp làm chậm sự phát triển của vi khuẩn trên thịt nhờ có tính axit của các gia vị này.
Chú ý đến nhiệt độ khi nướng thịt: Bạn không thể dựa vào màu sắc hay độ mềm của thịt để biết được thịt đã chín hay chưa. Nhiều loại thịt chuyển màu nâu vàng trước khi đạt đến nhiệt độ an toàn để diệt khuẩn, trong khi nhiều loại thịt dù đã nấu chín kỹ vẫn có màu hồng đỏ khi cắt ra. Bạn nên dựa vào nhiệt độ để nhận biết độ chín của thịt bằng cách dùng nhiệt kế đo nhiệt độ thức ăn. Thịt được coi là chín khi đạt đến nhiệt độ 72 độ C.
Rửa rau thật kỹ: Các loại rau xanh được coi là những thực phẩm có khả năng gây ngộ độc cao nhất vào mùa hè. Lý do là những lá rau bị rách hoặc thái nhỏ dễ nhiễm vi khuẩn hơn, và một lượng lớn các lá rau bó chung lại với nhau sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn lan truyền chéo. Do đó, bạn cần rửa rau thật kỹ trước khi chế biến.
Chú ý đến nhiệt độ an toàn để bảo quản thực phẩm: Vi khuẩn sinh sôi mạnh nhất ở khoảng nhiệt độ từ 4-60 độ C, do đó bạn cần cẩn thận, tránh để thực phẩm ở dễ ôi thiu khoảng nhiệt này.
Thường xuyên rửa bát đĩa: Hãy rửa sạch mọi chiếc bát, đĩa và dụng cụ làm bếp sau khi bạn đã cầm nắm, hoặc sau khi chúng đã tiếp xúc với thực phẩm tươi sống. Bạn nên dùng nước nóng và xà phòng để vệ sinh các dụng cụ bếp này sau mỗi bước chuẩn bị.
Rã đông thực phẩm đúng cách: Các biện pháp rã đông thông thường, như để thịt ở nhiệt độ phòng hoặc ngâm thịt vào nước nóng, thực chất đều không an toàn. Đó là bởi khi các thực phẩm này đạt đến nhiệt độ trên 4 độ C, vi khuẩn sẽ bắt đầu sinh sôi. Bạn nên rã đông bằng cách để thịt ở ngăn mát tủ lạnh hoặc ngâm thịt trong nước lạnh (lưu ý thay nước sau mỗi 30 phút để đảm bảo nước luôn lạnh).
Kiểm tra các lon và hũ đựng thực phẩm: Các loại thực phẩm chế biến sẵn đóng trong lon hoặc hũ thường giữ được lâu hơn nhờ môi trường vô trùng được tạo ra trong quá trình sản xuất chúng. Tuy nhiên, nếu lon hoặc hũ đựng thực phẩm bị phồng lên, đó có thể là dấu hiệu cho thấy thực phẩm chưa được xử lý triệt để hoặc có thể đã nhiễm khuẩn.
Kiểm tra bao bì các thực phẩm đông lạnh: Bạn nên tránh mua các thực phẩm đông lạnh có bao bì bị rách, bởi bất kỳ vết rách nào hay dấu hiệu thực phẩm bị nát vỡ nào đều có thể cho thấy thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn. Bạn cũng nên tránh mua thực phẩm đựng trong bao bì có đóng tuyết hoặc đá bên trong, vì đó là dấu hiệu cho thấy thực phẩm đã được rã đông rồi làm đông lại, hoặc thực phẩm đó đã để rất lâu./.
VOV