MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

80% người dân đồng ý thì được thu hồi đất liệu có phù hợp?

22-09-2022 - 16:24 PM | Bất động sản

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, chưa có bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì chưa có quyết định thu hồi đất, chưa đo đạc để xác định rõ diện tích, giá đền bù, nên việc đặt ra con số 80% là không thực tế

Sáng nay 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Một trong những điểm mới quy định tại Điều 70, nêu cụ thể trường hợp thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có phát triển khu đô thị, nhà ở thương mại và dự án khác, được trên 80% người có đất đồng ý.

Liên quan đến quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp đất chưa bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa được quy định chặt chẽ, còn thiếu tính khả thi. Cụ thể, điểm đ khoản 1 quy định, một trong các điều kiện đặt ra là: Có tối thiểu 80% người bị thu hồi đất đồng ý với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, chưa có bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì chưa có quyết định thu hồi đất, chưa đo đạc để xác định rõ diện tích, giá đền bù, nên việc đặt ra con số 80% là không thực tế, đề nghị nghiên cứu sửa đổi để đảm bảo quy định của Luật được khả thi, dễ dàng áp dụng trong thực tế.

80% người dân đồng ý thì được thu hồi đất liệu có phù hợp? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách.

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị việc mở rộng các trường hợp Nhà nước thu hồi đất lần này cần thể hiện nhằm thể chế hóa chủ trương tạo quỹ đất, bảo đảm sự chủ động của Nhà nước trong việc phân bổ, điều tiết thị trường và đáp ứng nhu cầu đất của các dự án đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, góp phần tăng thu cho ngân sách. Việc mở rộng diện đất đai phải thu hồi áp dụng trên cơ sở chỉ thu hồi khi chứng minh được việc thu hồi đất ngoài mục đích quốc phòng, an ninh vì phát triển kinh tế, xã hội nhưng phải bảo đảm được lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo đảm hài hòa quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Trên cơ sở đó, bà Thanh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại những cái trường hợp thu hồi đất để phục vụ dự án thương mại, dịch vụ theo quy định tại Điểm c, khoản 2, Điều 70 của dự thảo Luật đã đảm bảo điều kiện nêu trên hay chưa?

Bà Thanh ủng hộ quan điểm cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất khi thực hiện thu hồi đất để xây dựng dự án đô thị, nhà ở thương mại. Nên cho phép chủ đầu tư được thỏa thuận với người sử dụng đất trong việc nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; hạn chế thực hiện việc thu hồi đất để tránh khiếu kiện về đất đai.

80% người dân đồng ý thì được thu hồi đất liệu có phù hợp? - Ảnh 2.

Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Việc này nhằm đảm bảo tính chính xác và phù hợp, tránh lạm dụng trong thực tiễn.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, "80% người dân có đất thu hồi đồng ý, còn 20% chưa đồng ý thì áp dụng cơ chế hành chính để thu hồi đất là không được".

Chủ tịch Quốc hội góp ý: "Quy định như vậy là chung chung, không đúng tinh thần Hiến pháp và chủ trương của Trung ương. Do đó, cơ quan soạn thảo cần tách bạch quan hệ dân sự - hành chính".

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 240 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 38 điều và bãi bỏ 8 điều. Dự án Luật này được xem xét, thông qua theo quy trình ba kỳ họp. Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4 khai mạc tháng 10.


Linh Phong

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên