9X Nhật quyết tâm làm rể Việt Nam: Học tiếng Quảng để nói chuyện với người thương và lời cảm ơn của cô giáo Mỹ vì được thấy một Việt Nam mới!
Daisuke Mori, 25 tuổi, có một tình yêu lớn với Việt Nam, nơi anh từng đặt chân đến cách đây 7 năm trước. Cuối năm 2019, anh chính thức gắn một nửa cuộc đời mình với đất nước hình chữ S khi kết hôn với Uông Đỗ Mỹ Lai, một cô gái Quảng Nam.
- 31-01-2020Joe Ruelle – Mr Dâu Tây: Tiếng Việt giống bánh chưng, mỗi miếng nhỏ đều cực kỳ nhiều calo!
Daisuke có thể nói được tiếng Việt, theo giọng Quảng và cuộc trao đổi được diễn ra hoàn toàn bằng ngôn ngữ quê vợ, dù đôi chỗ có phần ngượng ngịu. "Đầu óc của em giờ phân đôi: nửa Việt, nửa Nhật, em đang dần thích nghi", Daisuke hài hước nói.
-Chúc mừng bạn vừa kết hôn tháng 12 vừa qua, cảm xúc của bạn khi trở thành một chàng rể Việt Nam như thế nào?
Trên thực tế, hầu như không có gì thay đổi trong mối quan hệ của bọn em sau khi kết hôn nhưng cảm xúc đã thay đổi một chút. Trước đó, em cảm thấy không chấp nhận văn hóa Việt Nam vì là một người nước ngoài. Tuy nhiên, bây giờ em có "đầu óc" nửa Việt nửa Nhật. Nhưng chỉ hiểu văn hoá là không đủ, em phải chấp nhận nó như một phần của bản thân. Ví dụ ở Nhật, một năm em chỉ gặp bố mẹ 2 -3 lần, chị gái thì 1 lần trong năm, nhưng ở Việt Nam, việc gặp gỡ người thân diễn ra thường xuyên hơn.
-Khi nghe con trai mình sẽ lấy một cô gái Việt, bố mẹ bạn phản ứng như thế nào?
Không có gì đặc biệt. Bố mẹ tin em nên cũng tin vợ em. Mỹ Lai đến từ một đất nước khác nên chắc chắn sẽ có nhiều khác biệt về văn hoá nhưng bố mẹ ít có thành kiến. Họ đã có nhiều kinh nghiệm sống và làm việc ở nước ngoài (bố Daisuke từng làm việc cho Samsung tại Hàn Quốc và mẹ là giảng viên Đại học - pv). Em cũng để bố mẹ và Mỹ Lai có khoảng thời gian gặp và làm quen trong 4 năm vừa qua. Em đoán điều đó giúp bố mẹ nhìn nhận vợ em không chỉ là một cô gái đến từ Việt Nam mà còn tôn trọng cô ấy như một cá nhân.
-Lễ cưới của Daisuke được tổ chức thuần việt, có heo quay, phong bao lì xì đỏ… và bạn mặc áo dài Việt Nam, để chuẩn bị lễ cưới như vậy, với gia đình bạn có khó khăn gì không?
Gia đình bên vợ đã chuẩn bị hầu hết mọi việc, ngay cả những thứ mà lẽ ra phải do bên nhà trai chuẩn bị. Thành công của đám cưới tất cả là nhờ vợ và gia đình đằng gái. Em muốn cảm ơn vì điều đó!
Khi về Nhật Bản, bọn em sẽ làm một bữa tiệc thân mật trong gia đình. Đám cưới thì chỉ tổ chức ở Việt Nam thôi. Tổ chức ở Việt Nam thì vui hơn!
-Quay trở lại trong quá khứ, có bao giờ bạn nghĩ rằng một nửa cuộc đời của bạn sẽ đến từ một đất nước, một nền văn hoá khác không?
Không, ít nhất là cho đến khi em 18 tuổi. Khi em học năm thứ nhất Đại học, em đã đến thăm Việt Nam lần đầu tiên để làm làm tình nguyện. Em có một vài người bạn Việt Nam ở Sài Gòn, họ đã truyền cho em nhiều cảm hứng. Sau đó, em bắt đầu gắn bó dần với Việt Nam. Em cũng không tưởng tượng rằng mình sẽ gắn bó với mảnh đất này dù giấc mơ hồi trung học là trở thành nhà ngoại giao và thực tế em cũng đã tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế.
-Cơ duyên nào đưa bạn đến Việt Nam?
Nó không lãng mạn lắm. Em dần dần quan tâm đến Việt Nam vì một số người bạn đáng ngưỡng mộ mà em có dịp gặp, dù bọn em không phải lúc nào cũng "hoà thuận" vì một số bất đồng văn hoá. Và tất nhiên, vợ em đóng một vai trò lớn trong việc kết nối em với Việt Nam!
-Trước khi đến Việt Nam, bạn hình dung đất nước chúng tôi như thế nào?
So với 10 – 20 năm trước, Việt Nam không quá ấn tượng với người Nhật. Vì vậy em gần như không biết gì về Việt Nam vào thời điểm đó. Khi em học trung học, thỉnh thoảng em được nghe về đất nước này khi nói chuyện với cô giáo người Mỹ qua Skype (ngày bé, Daisuke từng sống ở Mỹ trong một vài năm - pv). Chồng cô phục vụ trong chiến tranh Việt Nam. Nhưng những thông tin đó không quá tích cực.
-Điểm gì ở Việt Nam khiến bạn cảm thấy thích? Nếu mô tả trong 3 từ, đó là những từ gì?
Nóng bỏng, trẻ trung và linh hoạt!
Thứ nhất, "nóng" không chỉ là yếu tố thời tiết, mà nó còn là từ mô tả nhiệt huyết của những người bạn Việt Nam mà em may mắn gặp được.
Thứ hai là trẻ. Độ tuổi trung bình của người Việt Nam là 31 tuổi. Nó trẻ hơn người Nhật 16 tuổi. Nhiều người trẻ có nghĩa là sẽ có nhiều người có nhiều ước mơ khác nhau. Nó thật sự thú vị.
Thứ ba là linh hoạt. Đó là từ em nghĩ có thể mô tả được phong cách và cuộc sống của người Việt. Họ dễ dàng thay đổi những gì mà họ đang làm khi thấy nó sai, họ cũng không cần lập kế hoạch nữa.
-Lần đầu đến Việt Nam, bạn ấn tượng nhất là gì?
Người giỏi. Em có một vài người bạn khi lần đầu tiên đến thăm Sài Gòn 7 năm trước. Đó là Tứ, một người làm kinh doanh rất giỏi. Một cô gái khác là Thảo - bậc thầy tiếng Anh. Bạn ấy đã đạt điểm TOEFL iBT 112 khi 16 tuổi dù chưa bao giờ đi ra nước ngoài! Thảo đã dạy tiếng Anh tại trường đại học ở Hồng Kông cho đến mùa hè năm ngoái. Em rất ấn tượng bởi họ vì họ tài năng, đam mê và cởi mở.
-Kỷ niệm thú vị nhất của bạn ở Việt Nam là gì?
Khi thực tập ở Đà Nẵng trong ngành du lịch, em đã chụp rất nhiều ảnh và đăng chúng lên Facebook. Lúc đó, cô giáo của em ở Mỹ đã gửi em một lá thư với nội dung: "Thank you for sharing all of the pictures on Facebook. We are both enjoying them. I think it helps my husband see a new Vietnam instead of the sad one he remembers from war." (tạm dịch: Cảm ơn vì những chia sẻ của em. Bọn cô đều thích chúng. Cô nghĩ rằng những bức ảnh này sẽ giúp chồng cô nhìn thấy một Việt Nam mới thay vì nỗi buồn mà anh ấy đã nhớ từ cuộc chiến). Điều này đã khích lệ em gắn bó hơn với Việt Nam.
-Bạn từng nói là 3 năm không đến Sài Gòn vì xấu hổ. Tại sao lại cảm thấy xấu hổ?
Điều này là do tiếng Việt của em kém. Em học tiếng Việt được 4 tháng tại Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh nhưng lúc đó nói tiếng Việt rất khó. Vì vậy em cảm thấy xấu hổ và nghĩ rằng không thể gặp lại những người bạn ở Sài Gòn một lần nữa. Giờ thì khác, em thấy không cần phải giả vờ vậy. Người Sài Gòn rất khoan dung và em có thể coi đó là thách thức để vượt qua.
-Có vẻ việc phát âm là trở ngại khi học tiếng Việt? Và việc bạn phát âm theo tiếng Quảng phải chăng là vì đó là giọng nói của người bạn thương?
Đúng vậy, phát âm là khó nhất. Nó luôn luôn là thứ rất khó khăn. Tiếng Việt là ngôn ngữ không hề giống tiếng Anh hay tiếng Nhật. Tuy nhiên em phần nào đã chinh phục được việc phát âm. Giờ là lúc em cần bổ sung thêm vốn từ vựng. Và tất nhiên, em cũng phải học giọng Quảng Nam để giao tiếp với gia đình vợ. Hội An không phải là Hội An. Nó là Hội Oan.
-Bạn từng nói sẽ về Việt Nam sống và kéo theo cả vợ về. Kế hoạch này tiến hành như thế nào rồi?
Bọn em vẫn đang tìm kiếm thông tin trong khi xem xét một số lựa chọn tại Việt Nam. Bọn em hy vọng sẽ chuyển đến Việt Nam ít nhất trong một vài năm. Quy tắc thị trường ở Việt Nam và Nhật Bản khác nhau. Do vậy, để làm quen với môi trường làm việc và phong tục ở Việt Nam, bắt đầu sớm thì tốt hơn, em đoán vậy.
-Nhiều người Việt Nam đang cho rằng không khí, môi trường, vấn đề an toàn thực phẩm ở đây là thảm hoạ. Họ cũng cho rằng những nơi như Nhật Bản là thiên đường vì môi trường, thức ăn sạch sẽ. Bạn nghĩ sao về điều này?
Đúng rồi. Mối quan tâm của bọn em khi sống ở Việt Nam là ô nhiễm không khí, giao thông, bảo hiểm, y tế và giáo dục. Bọn em phải chuẩn bị rất kỹ cho vấn đề này khi bắt đầu sống ở một nơi nào đó.
-Việc chuyển từ một nước phát triển sang sống ở một nước đang phát triển thì có phải điều chỉnh nhiều thói quen hay không?
Có nhiều chứ. Ví dụ về công việc, em hiểu rằng đồng nghiệp Việt Nam cư xử khác biệt khi họ làm việc. Và điều quan trọng nhất là phải có sự khoan dung đối với sự không chắc chắn. Ở Nhật Bản, mọi người có thể mong đợi rằng hầu hết mọi thứ đều được giải thích trước khi thực hiện, nhưng ở Việt Nam, điều đó lại không đúng. Tính linh hoạt mới là thứ quan trọng!
Cảm ơn bạn!
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Amazing Vietnam
Xem tất cả >>- Chủ tịch CMG.ASIA Randy Dobson: Việt Nam là một thị trường tuyệt vời, nhưng cũng rất phức tạp!
- Người nước ngoài đầu tiên viết tiểu thuyết bằng tiếng Việt: “Việt Nam đủ ‘hợp tính hợp nết’ về ngôn ngữ, văn hóa, cuộc sống để tôi muốn ở lại”
- “Đánh rơi trái tim” ở Hà Nội 25 năm trước, người phụ nữ gốc Anh tâm sự: “Nhiều người Việt không thể hiểu nổi, vì sao tôi sang đây và muốn sống trọn đời”
- Food blogger 9X Hàn Quốc coi Việt Nam như quê hương thứ hai: Đồ ăn Việt món nào cũng ngon, lại còn tốt cho sức khỏe nữa!
- Joe Ruelle – Mr Dâu Tây: Tiếng Việt giống bánh chưng, mỗi miếng nhỏ đều cực kỳ nhiều calo!