MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Joe Ruelle – Mr Dâu Tây: Tiếng Việt giống bánh chưng, mỗi miếng nhỏ đều cực kỳ nhiều calo!

Gần chục năm trước, Joe Ruelle nổi như cồn vì khả năng nói, viết tiếng Việt dí dủm, thậm chí “quái” hơn cả người bản địa. Bẵng đi một thời gian, người ta không còn thấy Joe viết blog hay xuất hiện trong giới showbiz nữa.

Joe Ruelle – Mr Dâu Tây: Tiếng Việt giống bánh chưng, mỗi miếng nhỏ đều cực kỳ nhiều calo! - Ảnh 1.

- Là người nước ngoài từng sinh sống ở Việt Nam nhiều năm, anh nghĩ tại sao người ngoại quốc lại đến chọn Việt Nam là điểm đến để sinh sống?

Nói về người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam tôi muốn làm rõ một điều là trước đây đa phần họ là những người chủ động lựa chọn Việt Nam, còn giờ đây tôi nghĩ đa phần là người được Việt Nam chọn. Một công ty Việt Nam đã tiếp cận họ, một trung tâm dạy tiếng Anh đã tuyển dụng, một chiến dịch quảng bá du lịch đã hiển thị trong kết quả tìm kiếm. Ý của tôi là họ không phải là những người tự hỏi "why Vietnam". Họ là những người tự hỏi "why not Vietnam", sau khi đã được Việt Nam nháy mắt và mở cửa cho. Đó là sự thay đổi tôi cho là rất bình thường khi kinh tế phát triển nhanh như ở Việt Nam.

-Những điểm nào khiến cho Việt Nam được lòng người nước ngoài?

Việt Nam an toàn, kinh tế đang phát triển nhanh, Việt Nam biết nói đùa. Cái thứ ba rất quan trọng. Nhiều nước khác hoặc là không biết nói đùa, hoặc là nói đùa rất kém, hoặc là ngày càng ít biết nói đùa, xã hội ngày càng căng thẳng hơn. Việt Nam tôi không lo.

Joe Ruelle – Mr Dâu Tây: Tiếng Việt giống bánh chưng, mỗi miếng nhỏ đều cực kỳ nhiều calo! - Ảnh 2.

-Nếu chọn ra 3 đặc điểm hay ho nhất của Việt Nam, với Joe sẽ là gì?

Tôi sẽ chọn một điểm duy nhất, một điều tôi gọi là văn hoá "ghi đè" - overwrite. Để tôi cố gắng giải thích nhé.

Đầu tiên, người Việt vốn thích hoạt động trong một không gian "con người với con người". Sở thích này thường được nhắc tới bởi những cụm từ như "tính nhân văn", "tình gia đình", "tình bạn", "sum vầy", nhiều từ khác nữa. Nếu một cái gì đó đang đi quá xa so với không gian thiêng liêng này, một dự án làm việc chẳng hạn, thì yếu tố đang kéo nó đi sẽ được "ghi đè".

Có nghĩa là một ai đó sẽ tìm cách giảm bớt sự ảnh hưởng của yếu tố đó, kéo dự án về không gian "con người với con người" ấy, không cho phép nó đi qua xa vào một rừng trừu tượng, một đầm lầy lý thuyết, một nơi nào đó mà nụ cười mất ý nghĩa, cơm mất ngon. Cách "ghi đè" ấy có thể là một câu ngắn, "thôi mình đi cà phê vỉa hè đi em", hoặc một cách phức tạp và khó giải thích hơn. Tôi rất quý người Việt ở điểm này, mặc dù tôi sợ rằng ⅔ độc giả không hiểu tôi đang nói cái gì (cười).

Joe Ruelle – Mr Dâu Tây: Tiếng Việt giống bánh chưng, mỗi miếng nhỏ đều cực kỳ nhiều calo! - Ảnh 3.

-Người Việt thì muốn đưa con đi du học, làm nhiều cách định cư ở nước ngoài, còn người ngoại quốc thì chọn Việt Nam để phát triển sự nghiệp, hoặc nghỉ hưu. Anh nghĩ sao về xu hướng ngược này?

Bên cạnh những yếu tố rõ như mặt trời trong buổi trưa như sự phát triển kinh tế, thời tiết, vân vân và ngáp ngáp, thì cũng có một sự ngẫu nhiên nào đó. Một số loài cá mập khi ngừng di chuyển sẽ chết vì ngạt thở, do cách hoạt động của khe mang. Nhiều người giống cá mập ở chỗ này, đi đâu cũng được miễn là ...đi. Khi phân tích xu hướng này mình luôn phải tính đến "chất cá mập" này, và sự ngẫu nhiên đằng sau nó. Đơn giản biển đã mở rộng bao gồm Việt Nam rồi, và sẽ có nhiều bạn cá mập hơn.

-Sống ở Việt Nam một thời gian dài, anh hài lòng ở điểm nào, chưa hài lòng điểm nào?

Điều tôi chưa hài lòng nhất là ô nhiễm không khí. Gần đây (nhất là tại Hà Nội) có nhiều sự kiện về "cách mạng công nghiệp 4.0", nhưng chúng ta nên nhớ rằng việc sản xuất điện ở quy mô lớn thuộc về cách mạng công nghiệp 2.0, là thời của than. Ngành điện Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào than, mỗi năm Việt Nam bỏ ra hơn 1 tỷ đô la nhập than, số lượng nhà máy nhiệt điện than dự định sẽ tăng gấp đôi trong tương lai không xa.

Joe Ruelle – Mr Dâu Tây: Tiếng Việt giống bánh chưng, mỗi miếng nhỏ đều cực kỳ nhiều calo! - Ảnh 4.

Việt Nam sẽ ngày càng phụ thuộc hơn, trong khi thế giới nhìn chung đang "cai nghiện" than. Về mặt sức khoẻ một nền kinh tế bị nghiện than không khác gì cơ thể của một con người bị nghiện thuốc lá.

Điều tôi thấy hài lòng nhất là sự ham hiểu biết của người Việt. Kể cả những vấn đề khó xử nhất (bao gồm vấn đề sản xuất điện trên) tôi rất tự tin về khả năng tìm đến giải pháp của người Việt.

-So với hồi mới sang gần 20 năm trước, anh nghĩ điểm thay đổi đáng kể của Việt Nam là gì?

Một sự ngây thơ đã mất đi. Chắc ai cũng đã cảm nhận điều ấy rồi nên tôi sẽ không nói nhiều về nó. Một điểm nữa là thời tiết. Tôi nhớ những mùa đông đầu tiên của tôi ở Hà Nội, đi xe máy không mang găng tay gần như không đi được, cứ một phút là tôi phải dừng lại, cho tay vào túi. Tôi đi qua người bán hạt dẻ ngoài đường là thèm kinh khủng, một phần vì ngon, hai phần vì nóng. Mặc dù tôi không ở Hà Nội thường xuyên như trước nhưng mùa đông này tôi đã về mấy lần, lần nào thời tiết cũng nóng như Sài Gòn.

Joe Ruelle – Mr Dâu Tây: Tiếng Việt giống bánh chưng, mỗi miếng nhỏ đều cực kỳ nhiều calo! - Ảnh 5.

-Đạo diễn Lê Hoàng nhận định anh nói và viết tiếng Việt sõi hơn người Việt, vậy quay trở lại quá khứ một chút, tiếng Việt có gì hay với Joe?

Có một nghiên cứu gần đây đưa ra kết quả là tiếng Việt có "bits per syllable" cao nhất của 20 ngôn ngữ được phân tích. "Bit" có nghĩa là đơn vị nhỏ nhất dùng để biểu diễn thông tin trong máy tính, còn "syllable" có nghĩa là "âm tiết". Theo nghiên cứu đó, tiếng Việt có 8 bits per syllable, so với 4,8 cho tiếng Basque chẳng hạn. Nhìn trung bình với một âm tiết tiếng Việt có thể đưa ra nhiều thông tin hơn đa phần các ngôn ngữ khác. Một âm tiết là "Úc" sẽ bằng 4 âm tiết là "Australia" trong tiếng Anh, 2 âm tiếng "thú vị" là bằng 4 âm tiết "omoshiroi" bằng tiếng Nhật, và rất nhiều ví dụ khác nữa. Tiếng Việt giống bánh chưng ở điểm này: mỗi miếng nhỏ đều có cực kỳ nhiều calo.

-Giờ AI đang làm rất tốt việc dịch thuật, nhiều người cũng lười học ngôn ngữ hơn vì có máy rồi, cá nhân anh nghĩ sao?

Trước hết tôi thấy Google Translate là một dịch vụ tuyệt vời, thậm chí tôi biết hai người yêu nhau và lấy nhau một phần rất lớn là do sự giúp đỡ của Google Translate. Hồi mới gặp không nói được từ nào thuộc ngôn ngữ của nhau. Google Translate là một trong những sản phẩm khiến tôi cảm thấy rất tự hào được đi làm tại Google.

Nhưng nói rằng AI đang làm rất tốt việc dịch thuật có khi AI sẽ đỏ mặt xấu hổ. Chẳng hạn bạn vừa dùng từ "máy". Trường hợp này Google sẽ dịch máy thành "machine", nhưng machine trong tiếng Anh có ý nghĩa rất hẹp so với từ "máy" trong tiếng Việt. Xe máy, máy tính, máy điện thoại, dịch máy, bộ máy sản xuất, v.v. tất cả đều có chữ "máy", nó như nước mắm vậy, bỏ vào đâu vẫn ngon.

Câu "nhiều người cũng lười học ngôn ngữ hơn vì có máy rồi" Google sẽ dịch "Many people are also more lazy to learn languages because they already have the machine" nhưng đó là dịch sai, Google sử dụng từ "machine" là không rõ nghĩa.

Tôi chưa đọc được một thống kê độc lập nào hỗ trợ cho nhận định "nhiều người lười học ngôn ngữ hơn vì có máy rồi". Trái lại, theo quan sát cá nhân, tôi thấy công nghệ mở ra nhiều cơ hội và tạo động cơ cho nhiều người học ngoại ngữ hơn, nhất là khi việc học không còn gói gọn trong định nghĩa một lớp học với không gian, bàn ghế hay bảng đen

Joe Ruelle – Mr Dâu Tây: Tiếng Việt giống bánh chưng, mỗi miếng nhỏ đều cực kỳ nhiều calo! - Ảnh 7.

-Nhiều người vẫn nhớ đến một Dâu Tây viết blog dí dủm nhưng có vẻ Joe không còn viết nữa. Tại sao vậy?

Đơn giản là thời gian. Viết bài "dí dỏm" thực sự mất nhiều thời gian nhất của tất cả các loại bài viết do một blogger có thể lựa chọn, trong đó có bài phân tích kinh tế! Mỗi bài tạm gọi là bài "dí dỏm cao cấp" đều dựa vào một công thức toán học nào đó, mỗi công thức đều rất phức tạp và khó xử. Danh hài nào cũng chỉ là kỹ thuật viên vất vả mà thôi. Chuyện này nhiều bạn độc giả sẽ không hiểu, vì một bài dí dỏm viết tốt luôn để lại cảm giác rằng tác giả đã viết nó một mạch, chỉ trong 3 phút.

Joe Ruelle – Mr Dâu Tây: Tiếng Việt giống bánh chưng, mỗi miếng nhỏ đều cực kỳ nhiều calo! - Ảnh 8.

-Những lần xuất hiện trên truyền thông Việt Nam gần đây của Joe là với tư cách đại diện cho Google nói về công nghệ. Cảm giác của Joe lúc đó như nào? Nó có khác biệt lắm không?

Tôi rất quen với vai trò là đại diện. Đại diện cho người nước ngoài sống tại Việt Nam, đại diện cho công ty nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, nhiều điểm chung lắm!

-Cơ duyên nào khiến Joe đầu quân cho Google?

Thực ra tôi đã hoạt động trong lĩnh vực công nghệ từ lâu. Chẳng hạn thương hiệu Cốc Cốc là tên thương hiệu do chính tôi nghĩ ra hồi năm 2007 (tôi làm tư vấn cho team ấy) còn tôi vào Google là năm 2015. Google là môi trường làm việc khá tuyệt vời, ai cũng biết rồi, nên tôi đã quyết định chuyển sang Singapore để phát triển sự nghiệp. Sau này tôi sẽ về Việt Nam mở startup, còn đi làm ở Google cũng rất có ích đối với những người sau này sẽ làm kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ.

Joe Ruelle – Mr Dâu Tây: Tiếng Việt giống bánh chưng, mỗi miếng nhỏ đều cực kỳ nhiều calo! - Ảnh 9.

-Có một điểm là khi quay trở lại Việt Nam tham dự các sự kiện với vai trò là chuyên gia của Google, Joe thường sử dụng tiếng Anh. Tại sao vậy?

Chắc 80% các sự kiện tôi tham gia, trong đó nhiều sự kiện của VECOM, Google Developer Group... tôi nói tiếng Việt thôi, thậm chí tôi còn dùng tiếng Việt nhiều hơn so với nhiều bạn đồng nghiệp là người Việt Nam "original". Có thể bạn đã tham ra một trong các sự kiện mà tôi nói tiếng Anh. Điều đó thường là do bản chất của sự kiện thôi.

-Trước đây khi là ở Việt Nam, Joe là người cởi mở trước truyền thông. Còn như hiện tại với facebook có tick xanh của anh, những bài đăng gần nhất là từ 2016. Việc trở nên kín tiếng hơn trước với Joe như thế nào?

Chuyện tick xanh này cũng vui. Hồi mới ra chức năng đó vào năm 2013 thì phải, tôi đã quen với một nhân viên của Facebook đang làm việc tại Mỹ, và bạn ấy đã cấp tick xanh cho tôi theo dạng là early user.

Vì tôi là một trong những người đầu tiên tại Việt Nam đã có tick này nên rất nhiều người của công chúng đã liên hệ với tôi, nhờ tôi hướng dẫn cách xin "cái xanh xanh đó", tôi tự nhiên trở thành đại lý tick xanh!

Kể cả Sơn Tùng, lúc đó chưa nổi tiếng như bây giờ, cũng đã viết message cho tôi, nói "chú Joe ơi cho cháu hỏi làm sao mình có thể xác nhận với dấu mark màu xanh trang cá nhân hoặc fanpage Facebook được ạ?". Khi đó tôi tự nhiên cảm thấy mình là người già thật, các bạn showbiz thế hệ mới bắt đầu gọi tôi bằng chú rồi, có khi đến lúc tôi nên về vườn, trồng hoa.

Joe Ruelle – Mr Dâu Tây: Tiếng Việt giống bánh chưng, mỗi miếng nhỏ đều cực kỳ nhiều calo! - Ảnh 10.

-Joe từng chia sẻ là rất thích lấy vợ Việt, không biết ở thời điểm hiện tại, tình duyên đó có đang thuận lợi?

Hồi đó tôi chia sẻ như vậy chắc chỉ là một dạng marketing cá nhân thôi. Mà rõ ràng đó là dự án marketing hiệu quả bởi vì đến bây giờ bạn vẫn còn nhớ! Người của công chúng thường có một dạng nhận xét mà có một "nói vậy thôi chứ ai cũng biết…" vô hình ở cuối.

Ví dụ, "tôi rất thích lấy vợ Việt Nam" (nói vậy thôi chứ ai cũng biết lấy người mình yêu là được rồi). "Tôi cực kỳ thích nhất mì ăn liền ABC" (nói vậy thôi chứ ai cũng biết mình đã nhận tiền của thương hiệu ấy). "Tôi ghét đàn ông miền Tây" (nói vậy thôi chứ ai cũng biết tôi đang muốn tạo scandal để được lên báo). Chắc khoảng 30% câu trả lời phỏng vấn sẽ có một "nói vậy thôi chứ ai cũng biết" nào đó không nói ở cuối.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Phương Ánh
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Phương Ánh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên