MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"AI, ChatGPT không cướp công việc, chúng tạo thêm việc làm cho con người"

15-06-2023 - 14:47 PM | Kinh tế số

Không ít cá nhân cho rằng trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ cướp đi công ăn việc làm, đẩy nhiều người vào cảnh thất nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá đó chỉ là nỗi lo sợ thái quá.

"AI, ChatGPT không cướp công việc, chúng tạo thêm việc làm cho con người" - Ảnh 1.

Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao về Cách mạng Công nghiệp 4.0 năm 2023, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết hiện AI có thể ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề tại Việt Nam.

Ví dụ với các doanh nghiệp công nghệ tương tự Qualcomm, AI giúp tối ưu nguồn lực, tiết kiệm chi phí vận hành. Các công việc cơ bản như tiếp thị, chăm sóc khách hàng, cho đến phức tạp như lập trình, xây dựng sản phẩm đều hiệu quả hơn khi kết hợp AI.

“Ngay từ việc chuyển đổi một đoạn nội dung ở dạng văn bản (text) sang dạng số hóa (audio, video) đã giúp công việc của nhân viên bán hàng, tiếp thị dễ dàng hơn nhiều. Thậm chí, AI hiện đủ khả năng viết code giống với chuyên gia IT, do đó, người làm ở bộ phận quan trọng như phát triển sản phẩm, kỹ sư lập trình cũng hưởng lợi nhờ AI”, ông Thiều Phương Nam nói.

Vì phát triển quá mạnh và ảnh hưởng tới đa ngành nghề, nhiều người lao động lo ngại AI nhanh chóng cướp đi việc làm của họ. Trên thực tế, tháng 5 vừa qua, một báo cáo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới chỉ ra 25% việc làm sẽ bị tác động tiêu cực bởi AI trong 5 năm tới.

Trước đó, vào tháng 3, tờ Forbes trích dẫn nghiên cứu của ngân hàng đầu tư nổi tiếng Goldman Sachs về việc có ít nhất 300 triệu việc làm bị mất hoặc giảm thu nhập do công nghệ AI. Goldman Sachs dự đoán dù GDP toàn cầu sẽ tăng hàng năm thêm 7%, nhưng các chủ doanh nghiệp sẽ ưu tiên tăng năng suất, giảm chi phí nhờ công nghệ mới như AI, vì vậy khiến người lao động chịu thiệt thòi.

"AI, ChatGPT không cướp công việc, chúng tạo thêm việc làm cho con người" - Ảnh 2.

Ông Thiều Phương, Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Campuchia và Lào đánh giá AI có thể ứng dụng trong đa dạng lĩnh vực, ngành nghề.

Liệu có xảy ra thất nghiệp hàng loạt, mất việc tràn lan vì AI?

Theo Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, Viện Khoa học và Công nghệ, VINASA, các thống kê về tỷ lệ mất việc làm do AI có thể trở thành hiện thực, tuy nhiên sẽ ở mức độ nhẹ nhàng hơn và diễn ra trong thời gian ngắn.

“Khi cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bùng nổ vào thế kỷ 18, đầu máy hơi nước ra đời, nhiều người cũng lo sợ máy móc cướp hết công việc của con người. Nhưng đến hiện tại, điều đó vẫn chưa xảy ra. Ở những cuộc cách mạng công nghiệp về sau, tình trạng thất nghiệp có xuất hiện nhưng cũng không kéo dài”, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang nhận xét.

Cùng quan điểm với Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, ông Dương Lê Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh AI, FPT Smart Clound cho rằng rất khó để dẫn đến thất nghiệp tràn lan vì bùng nổ công nghệ AI. Đồng thời, ông chia sẻ hai nguyên nhân chính về việc AI nên được xem là công cụ hỗ trợ người lao động hơn là kẻ cạnh tranh công việc với người lao động.

Thứ nhất, AI không thể đảm nhiệm tất cả các công việc của con người. Con người hoàn toàn có thể thay đổi để thích nghi với môi trường ứng dụng AI.

“Ví dụ với FPT, định hướng của chúng tôi khi triển khai AI đó là câu chuyện người và máy cùng kết hợp, không phải cố gắng dùng AI thay thế hoàn toàn con người”, ông Lê Dương Minh Đức nói.

Ông Lê Dương Minh Đức lấy ví dụ về ứng dụng AI trong chăm sóc khách hàng, các cuộc gọi gợi nhớ dịch vụ. Đây là lợi thế của AI do công việc lặp đi lặp lại và cần tính chuẩn xác.

“Với một doanh nghiệp lớn, nhiệm vụ phục vụ mọi khách hàng ở mọi lúc là bất khả thi. Thậm chí, chúng tôi còn có khái niệm “drop call” cho trường hợp này. Tỷ lệ “drop call” là tỷ lệ những cuộc gọi của khách hàng mà bạn không thể hoặc không kịp đón nhận”.

Thông thường, AI giúp giải quyết vấn đề “drop call”. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp gặp sự cố bất ngờ hoặc khủng hoảng truyền thông, số lượng cũng như độ phức tạp của các cuộc gọi khách hàng sẽ tăng mạnh. Lúc này, AI lại đóng vai trò công cụ hỗ trợ, xử lý nội dung đơn giản. Nhờ vậy, nguồn nhân lực còn lại của doanh nghiệp có thể tập trung vào các vấn đề khó.

Thứ hai, các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây đã tạo thêm nhiều việc làm mới. AI cũng như vậy.

“Trái với suy nghĩ của nhiều người, thống kê cung cấp bởi các đơn vị đầu ngành cho thấy AI tạo ra nhiều công việc hơn so với số việc làm bị nó lấy đi”, ông Lê Dương Minh Đức chia sẻ.

Cụ thể, theo công ty tư vấn PwC, xét riêng ở Anh Quốc, AI sẽ thay thế 38% công việc vận chuyển và 30% công việc sản xuất. Tuy nhiên, ở những lĩnh vực còn lại, AI đang tạo ra nhiều công việc hơn và giúp thị trường việc làm cân bằng.

Ví dụ, đối với Y tế, một lĩnh vực cần nhân lực đào tạo chuyên sâu, chỉ có 12% số công việc bị AI lấy đi. Ngược lại, có đến 34% công việc mới sẽ xuất hiện. Theo Forbes, lĩnh vực công nghệ thông tin vốn có sự tăng trưởng nóng về số lượng việc làm trong thập kỷ qua, đã tiếp tục tăng tốc khi AI Chatbot và ChatGPT tạo tiếng vang.

“Về bản chất, chuyển đổi số gắn liền với việc thu thập, lưu trữ, truy xuất dữ liệu một cách nhanh chóng. Đây cũng là những đặc điểm của AI. Do đó, bất cứ ngành nghề nào phải sử dụng dữ liệu cũng sẽ tạo cơ hội việc làm liên quan tới AI”, Giáo sư Hồ Tú Bảo, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán nói.

Giáo sư Hồ Tú Bảo đánh giá, ở Việt Nam, ngành Tài chính sở hữu nhiều dữ liệu và hoạt động rất nhiều trên không gian số. Vì vậy, tài chính có thể là ngành đi đầu trong ứng dụng AI, hai ngành có triển vọng tiếp theo là giáo dục và y tế.

"AI, ChatGPT không cướp công việc, chúng tạo thêm việc làm cho con người" - Ảnh 3.

Giáo sư Hồ Tú Bảo, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán đánh giá ở cần sử dụng dữ liệu, ở đó sẽ có các công việc liên quan tới AI.

AI và chuyển đổi số gây sức ép khiến người lao động phải nâng cao kỹ năng

Cũng theo Giáo sư Hồ Tú Bảo, AI và chuyển đổi số đang là cuộc chạy đua giữa các nước. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra ào ạt trong 5 - 10 năm tiếp theo, vì vậy Chính phủ Việt Nam sẽ có phương pháp để nhanh chóng tham gia cuộc đua này.

Kế hoạch sẽ chia làm các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đầu tiên, những người hiện đang trong độ tuổi lao động, chưa nghỉ hưu sẽ được rèn luyện để có kỹ năng làm việc cùng AI. Những người này được đào tạo nhằm phục vụ mục tiêu ngắn hạn, giúp ngay lập tức ứng dụng AI vào các ngành nghề. Vì vậy, họ chịu áp lực phải học thêm kỹ năng sớm nhất.

Tiếp theo, thế hệ sinh viên sắp đi làm, học sinh THPT cũng được tiếp cận với AI để chuẩn bị cho mục tiêu dài hạn.

“Tôi cho rằng, nguồn nhân lực trong tương lai sẽ gồm hai bộ phận chính: nhóm những người trực tiếp sáng tạo, hoàn thiện công cụ tích hợp Ai và nhóm những người sử dụng công cụ này trong các ngành nghề. Cả hai sẽ có nhiệm vụ khác nhau và phải có kiến thức về công nghệ AI thật sớm”, Giáo sư Hồ Tú Bảo chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào và Campuchia, những người đứng đầu doanh nghiệp, nơi sử dụng các lao động cũng chịu áp lực riêng.

“Những đơn vị chủ động ứng dụng AI sớm thường là doanh nghiệp có sẵn nền tảng công nghệ. Vì vậy, họ không cần phức tạp đến mức phải tái đào tạo hoặc sa thải nhân viên để cơ cấu lại từ đầu. Việc họ sẽ làm là xây dựng quy định, quy chế, giúp nhân viên quen với sử dụng AI trong công việc”, ông Thiều Phương Nam nói.

Ông Thiều Phương Nam cho rằng bên cạnh mặt tích cực, AI cũng sở hữu những điều tiêu cực như nguy cơ rò rỉ thông tin, vi phạm bảo mật… Do đó, thay vì sa thải và tuyển mới nhân viên, giới chủ doanh nghiệp sẽ phải xây dựng quy chế vận hành phù hợp khiến nhân viên dễ làm quen, gia tăng ưu điểm và hạn chế nhược điểm của AI.

Trường Giang

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên