Ai sẽ là người cầm trịch lãi suất?
Các áp lực lên lãi suất như là lạm phát, tỷ giá hay nợ công là không quá lớn...
- 28-03-2017Lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng
- 27-03-2017Thêm nhiều ngân hàng hạ lãi suất huy động
- 28-03-2017Giao lưu trực tuyến: Ngân hàng Nhà nước cần làm gì để ổn định lãi suất?
- 27-03-2017Người vay tiền phập phồng lo lãi suất tăng
- 26-03-2017Giữa 'bão' lãi suất, gửi tiền vào đâu lợi nhất?
-
Trong năm tới, cả yếu tố chi phí đẩy lẫn cầu kéo có thể không lớn.
-
Tôi nghĩ khi đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 là 6-6,5%, Chính phủ và Quốc hội đã khá thận trọng, thực tế khả năng tăng trưởng trên 7% là hoàn toàn có thể
Những ngày gần đây, làn sóng nâng lãi suất tiền gửi của một số ngân hàng thông qua sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức siêu lãi suất lên đến trên dưới 9%/năm đã làm tăng kỳ vọng về lãi suất huy động năm 2017. Nhiều câu hỏi được đặt ra như: lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ biến động thế nào, sẽ tác động ra sao tới nền kinh tế cũng như các lĩnh vực “nóng” như bất động sản, chứng khoán…?
Trước tiên, có thể khẳng định rằng lãi suất thực (lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát) ở Việt Nam đã bị neo ở mức tương đối cao trước khi có làn sóng nâng lãi suất tiền gửi vừa qua. Theo các số liệu của Ngân hàng thế giới, vào năm 2013 lãi suất cho vay thực tại Việt Nam đã ở mức trên 5%, còn vào năm 2015 là 7,3% - mức cao trong khoảng 20 năm trở lại đây, chỉ kém mức đỉnh hơn 10% của năm 1996.
Sự gia tăng của lãi suất thực tại Việt Nam chủ yếu do lãi suất danh nghĩa giảm chậm trong khi lạm phát lại giảm tương đối nhanh, nếu không tính các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục bằng biện pháp hành chính. Hơn nữa, một phần trong mức giảm lãi suất đến từ việc các NHTM tăng huy động vốn ngắn hạn để giảm chi phí huy động. Tuy nhiên, điều này dẫn đến rủi ro về kỳ hạn giữa các khoản huy động ngắn hạn và các khoản cho vay trung-dài hạn. Khi NHNN yêu cầu giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn được pháp cho vay dài hạn để đảm bảo an toàn, các NHTM buộc phải nâng lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi dài hạn để tăng huy động vốn dài hạn.
Một nguyên nhân khác dẫn đến lãi suất chịu áp lực tăng trong năm 2017 là do huy động vốn trong năm 2016 đã tăng quá nhanh, đạt đến 18,38% và cao hơn nhiều mức 13,59 của năm 2015. Nếu so với tốc độ tăng thu nhập của cả nền kinh tế, được đo bằng mức tăng trưởng GDP danh nghĩa là 7,3% trong năm 2016, có thể thấy rằng trong năm 2016 người gửi tiền tiết kiệm đã phần nào ứng trước tiền gửi của năm 2017 và vì vậy huy động vốn trong năm 2017 sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, nợ xấu mới là nguyên nhân chính dẫn đến lãi suất danh nghĩa giảm chậm trong vài năm gần đây. Trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay có một bộ phận được gọi là “xác sống”, bao gồm các doanh nghiệp, các ngân hàng và các dự án yếu kém. Bộ phận này huy động vốn bằng mọi giá để trả nợ cũ, duy trì thanh khoản, nuôi các dự án dang dở, và cố gắng để không bị phá sản. Nói cách khác, các “xác sống” đang cạnh tranh vốn quyết liệt với khu vực còn lại dẫn đến khu vực được gọi là lành mạnh hơn này bị thiếu vốn, đẩy lãi suất lên cao trong khi một phần tiền vẫn chảy về các dự án, các doanh nghiệp và ngân hàng không có triển vọng.
Rõ ràng là khi lãi suất huy động lên tới 9%, lãi suất cho vay sẽ phải cao hơn và điều này không có lợi cho toàn bộ nền kinh tế nói chung, và các doanh nghiệp nói riêng, đặc biệt là các doanh nghiệp thâm dụng vốn. Nhiều doanh nghiệp sẽ hạn chế đầu tư khi mức lãi suất thực lên đến trên 7% trong khi mức tăng trưởng thực của nền kinh tế chỉ khoảng hơn 6%.
Về xu hướng, lãi suất trong thời gian tới chủ yếu sẽ phụ thuộc vào cách thức NHNN xử lý các ngân hàng yếu kém như thế nào, đặc biệt là nhóm ngân hàng 0 đồng, vì nếu không quyết liệt xử lý thì sức ép lãi suất sẽ khó thể giảm đi.
Các sức ép khác lên lãi suất khả năng sẽ không quá lớn. Kinh tế 2 tháng đầu năm chưa khả quan khi chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2,4%. Nhiều dự báo GDP năm nay chỉ tăng khoảng 6,3%. Lạm phát tháng 12/2017 so với cùng kỳ năm 2016, theo dự báo của tôi, có thể sẽ chỉ vào khoảng 1% nếu không tính giá dịch vụ y tế. Trên thực tế lạm phát cơ bản so với cùng kỳ năm trước cũng đang có xu hướng giảm, hiện ở mức 1,5%. Nếu các cơ quan quản lý điều chỉnh giá dịch vụ y tế vào những tháng cuối năm 2017, mục tiêu lạm phát trung bình 4% là hoàn toàn khả thi.
Tỷ giá là yếu tố khó dự đoán hơn. Tuy nhiên, những diễn biến trên thị trường tiền tệ thế giới trước và sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất ngày 15/3 vừa qua cho thấy, đồng USD không dễ vượt đỉnh cao đã đạt được vào cuối năm 2016. Việc Fed phát thông điệp rằng cơ quan này có thể tạm thời chịu đựng lạm phát vượt quá 2% cho thấy, nếu các số liệu lạm phát thực tế tại Mỹ chưa vượt mức 2% thì khả năng trong năm 2017 sẽ chỉ có thêm một lần tăng lãi suất nữa. Vì vậy, nếu đồng USD chưa vượt đỉnh và Fed chưa tăng lãi suất, khả năng NHNN có thể sẽ theo đuổi chính sách ổn định tỷ giá ở mức như hiện nay cho tới cuối năm 2017. Nếu tỷ giá ổn định, NHNN sẽ không phải thắt chặt tiền tệ để chống đầu cơ.
Còn một yếu tố khác là nợ công. Năm nay, Chính phủ dự định chỉ bội chi 178,3 nghìn tỷ, thấp hơn mức 254 nghìn tỷ năm 2016. Hơn nữa, các khoản vay đảo nợ cũng bắt đầu giảm khi kỳ hạn vay dài hơn. Đây là những yếu tố có tác động giảm sức ép lên lãi suất.
Về tổng thể, chúng ta có thể lạc quan về lãi suất nếu NHNN quyết tâm xử lý triệt để các NHTM yếu kém, đặc biệt là các ngân hàng đã mua với giá 0 đồng.