MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Alibaba bán bảo hiểm online kiểu 'chơi hụi' mùa Covid-19 ở Trung Quốc: Hàng trăm triệu người lạ cùng trả phí điều trị cho một người, chi phí rẻ hơn giá một cốc Starbucks

06-04-2020 - 16:55 PM | Tài chính quốc tế

Nhà điều hành Ant Financial (trực thuộc Alibaba) đã cung cấp thêm bảo hiểm Covid-19 miễn phí với số tiền lên tới 100.000 NDT (tương đương 15.000 USD).

Xiao Li, một phụ nữ Trung Quốc 35 tuổi từng cảm thấy tuyệt vọng khi được chẩn đoán mắc ung thư vú vào tháng 6 năm ngoái. Tuy căn bệnh này có thể chữa được nhưng lại có chi phí điều trị cao hơn khoảng 40% so với thu nhập mà nghề công nhân nhà máy mang lại cho vợ chồng cô.

Tuy nhiên, nhờ có Xiang Hu Bao (có nghĩa là bảo vệ lẫn nhau), hóa đơn y tế của Xiao đã được hơn 104 triệu thành viên của nền tảng bảo hiểm này chi trả. Xiang Hu Bao hoạt động như một tập thể, trong đó thành viên đóng góp số tiền bằng nhau cho các khoản thanh toán lên tới 300.000 NDT (khoảng 45.000 USD) khi một người tham gia bị bệnh nặng (theo danh sách quy định).

Theo thông báo từ công ty, người dùng có thể đăng ký Xiang Hu Bao miễn phí và cũng không phải nộp các khoản trả trước. Đổi lại cho việc quản lý quy trình, Ant Financial sẽ thu 8% phí cho mỗi lần chi trả của người dùng.

Trong năm 2019, mỗi thành viên của Xiang Hu Bao chỉ phải trả 29,17 NDT, thấp hơn giá của một cốc cà phê Starbucks ở Thượng Hải hay một chiếc Big Mac cỡ trung ở London. Năm nay, nhà điều hành Ant Financial (trực thuộc Alibaba) đã cung cấp thêm bảo hiểm Covid-19 miễn phí với số tiền lên tới 100.000 NDT (tương đương 15.000 USD).

Bảo hiểm online kiểu chơi hụi mùa Covid-19: Hàng trăm triệu người lạ cùng trả phí điều trị cho một người, chi phí rẻ hơn giá một cốc Starbucks - Ảnh 1.

Xiang Hu Bao là sản phẩm của Ant Financial.

Các nền tảng bảo hiểm hỗ trợ lẫn nhau hiện đã phát triển thành một ngành công nghiệp mini, với hàng chục công ty với tổng số thành viên ước tính khoảng 300 triệu người, gần bằng toàn bộ dân số nước Mỹ. Hai trong số đó là Waterdrop do tập đoàn Tencent hậu thuẫn với 109,3 triệu thành viên và Ehuzhu với 3,4 triệu thành viên. Việc sử dụng công nghệ để tăng cường bảo hiểm được coi là đang phá vỡ ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe truyền thống ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Ngành bảo hiểm Trung Quốc đã phát triển từ một công ty bảo hiểm do nhà nước kiểm soát thành một thị trường gồm 90 công ty bảo hiểm nhân thọ và 82 công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm tư nhân chỉ chi trả 3,6% hóa đơn y tế ở Trung Quốc vào năm 2015, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ là 39,6%.

Trung Quốc có ba chương trình bảo hiểm y tế công cộng, từ bảo hiểm cho người lao động thành thị năm 1998 đến người dân nông thôn năm 2003 và cho người nội trợ, trẻ em, người già năm 2007. Hệ thống này có thể chi trả 50% đến 70% hóa đơn y tế của bệnh nhân, tăng từ 40% so với trước khi Trung Quốc cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe vào năm 2009.

Đến năm 2025, dự kiến quy mô ngành bảo hiểm ở Trung Quốc sẽ đạt 2.000 tỷ NDT do sự gia tăng của tầng lớp trung lưu (khoảng 500 triệu người) tạo ra nhu cầu rất lớn. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nhu cầu bảo hiểm y tế của người dân lại càng tăng mạnh.

Jessica Tan Sin-yin, đồng CEO của Ping An - công ty bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc theo giá trị thị trường, cho biết dịch Covid-19 đang có tác động tích cực đến các nền tảng chăm sóc sức khỏe dựa trên công nghệ của Trung Quốc.

Ứng dụng Ping An Good Doctor, cung cấp tư vấn y tế trực tuyến, đã tăng gấp 10 lần trong đợt bùng phát dịch lên 1,11 tỷ lượt truy cập trong tháng 1. Công ty đã dành 1% doanh thu của mình để đầu tư vào công nghệ để cắt giảm chi phí và cải thiện dịch vụ.

Đạt 100 triệu thành viên đầu tiên chỉ trong 13 tháng, Ant Financial đang nhắm tới 300 triệu người dùng Xiang Hu Bao trong vòng hai năm tới. Trong khi đó, nền tảng Waterdrop đã thu hút được hơn 109 triệu thành viên kể từ khi ra mắt năm 2016. Các thành viên chỉ phải trả từ 3 NDT đến 9 NDT mỗi người để tham gia và được nhận bảo hiểm ung thư cũng như tai nạn. Được biết, Waterdrop đã chi trả 1,41 tỷ NDT cho 10.300 gia đình trong năm ngoái.

Những sản phẩm như Xiang Hu Bao hay Waterdrop có thể giúp lấp đầy lỗ hổng trong vấn đề bảo đảm y tế cho quốc gia đông dân nhất thế giới do tỷ lệ bệnh hiểm nghèo tăng cao. Tính đến tháng 4 năm ngoái, có tới gần 1/3 thành viên của Xiang Hu Bao đến từ các vùng nông thôn nghèo và một nửa trong số đó là lao động nhập cư.

Một chuyên gia trong ngành nhận định: "Với sự bùng phát của Covid-19, người dân đã nâng cao ý thức về bảo hiểm và bảo vệ sức khỏe. Chính vì vậy, nhiều công ty bảo hiểm đã nhanh chóng chuyển đổi sang hình thức trực tuyến để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Theo dự đoán của tôi, ngành này sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới".

Bảo hiểm online kiểu chơi hụi mùa Covid-19: Hàng trăm triệu người lạ cùng trả phí điều trị cho một người, chi phí rẻ hơn giá một cốc Starbucks - Ảnh 2.

Theo Duni

Trí thức trẻ

Trở lên trên