Amazon tuyên bố tiết kiệm 4.500 năm làm việc nhờ 1 sản phẩm AI, từ Microsoft đến Google phải run sợ?
Liệu sản phẩm AI này của Amazon có thực sự đáng sợ?
- 30-08-2024Nước mắt nhân viên Amazon: Mang tiếng làm việc cho công ty tốt nhất thế giới nhưng bị sa thải lén lút, chỉ ước được đối xử tử tế hơn
- 28-08-2024Amazon bị tố chỉ đạo nhân viên bán hàng 'nói xấu' Google, nhưng cách Google phản bác lại mới gây chú ý
- 27-08-2024CEO Amazon tiết lộ: 79% đoạn code do AI tạo có thể dùng ngay mà không cần sửa, 2 năm tới lập trình viên sẽ 'hết sạch' việc để làm
Amazon Q, một trong những sản phẩm AI mới quan trọng nhất của Amazon, đã chính thức ra mắt vào cuối tháng 4. Sau 4 tháng ra mắt, Q đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, theo những chia sẻ được ghi lại từ kênh Slack nội bộ.
Nhân sự Amazon Web Services (AWS) cho biết Q thiếu một số tính năng so với các sản phẩm cạnh tranh. Chi phí cũng khá đắt so với người dùng, thậm chí gặp khó khăn trong quá trình tích hợp với các phần mềm khác. Tệ nhất là Q có thể mất khách hàng vào tay Copilot của Microsoft.
“Quan điểm của tôi là Q chỉ phù hợp cho các bản demo”, một nhân viên nói.
Những khó khăn ban đầu của Q cho thấy những thách thức mà các nhà sản xuất phần mềm kinh doanh phải đối mặt trong thời đại AI. Tin đồn, sự cường điệu và tham vọng đã thúc đẩy sự cạnh tranh gay gắt buộc các công ty công nghệ phải vội vã ra mắt sản phẩm mới, thường với các tính năng chưa hoàn thiện. Các đối thủ cạnh tranh của Amazon, chẳng hạn như Microsoft và Google, cũng gặp những vấn đề tương tự.
Đối với Amazon, đây là một thách thức. Công ty kỳ vọng doanh thu từ các dịch vụ AI trong năm nay sẽ đạt vài tỷ USD, song chip của AWS cạnh tranh với GPU của Nvidia lại đang ghi nhận tốc độ ứng dụng khá chậm.
Trong nội bộ, nhân viên của Amazon lo ngại rằng những thiếu sót của Q sẽ khiến khách hàng chuyển sang sử dụng Copilot của Microsoft. Một khiếu nại phổ biến nhất của người dùng là Q không có khả năng xử lý hình ảnh nhúng trong tệp PDF. Các câu trả lời của Q theo đó thường không chất lượng bằng Microsoft Copilot.
Ngoài ra, Q không hỗ trợ khả năng đa phương thức hoặc khả năng xử lý cả tệp văn bản và hình ảnh. Một khách hàng đã chuyển sang Copilot sau khi phát hiện ra rằng Q không thể tạo chiến dịch tiếp thị, bao gồm cả hình ảnh và văn bản. Số khác thì phàn nàn về chi phí tích hợp dữ liệu cao.
“Liệu sản phẩm này đã sẵn sàng để áp dụng trên diện rộng chưa?”, một nhân viên lo lắng.
Một số nhân viên đã cảnh báo trước khi Q ra mắt, rằng việc phát hành vội vã có thể gây ra nhiều hệ lụy. Trong email gửi BI, người phát ngôn của AWS Patrick Neighorn cho biết các cuộc thảo luận cởi mở là một phần trong văn hóa của Amazon nhằm khuyến khích nhân viên tự đánh giá sản phẩm, công việc của mình. Q nằm trong số đó.
“Việc tự phê bình giúp chúng tôi giành được lòng tin của khách hàng và chúng tôi coi trọng phản hồi của người xây dựng”, Neighorn viết. “Chúng tôi đã thấy những khách hàng lớn như Bayer, Smartsheet và National Australia Bank sử dụng Amazon Q. Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng Amazon Q trên khắp các lĩnh vực kinh doanh của mình”.
Theo Neighorn, người phát ngôn của AWS, Amazon Q được xét giá rõ ràng và khách hàng có thể sử dụng AWS Pricing Calculator để tính phí Amazon Q.
“Amazon Q chỉ mới ra mắt vào tháng 4 và chúng tôi tiếp tục bổ sung các tính năng mới dựa trên phản hồi của khách hàng”, Neighorn cho biết.
Theo BI, một bộ phận trong nhóm bán hàng của AWS, khoảng hơn 3.000 người, đã không đạt được mục tiêu bán hàng cho Q. Dữ liệu, được theo dõi bởi nhóm lãnh đạo cấp cao nhất của Amazon, cho thấy doanh số của Q không đạt được mục tiêu trên tất cả các khu vực, đáng chú ý nhất là thị trường Bắc Mỹ. Amazon cũng đang gặp khó khăn trong việc theo dõi tình hình bán hàng của sản phẩm AI mới này.
Đáp lại, người phát ngôn của AWS, Neighorn, cho biết dữ liệu bán hàng nội bộ mà BI thu được xuất phát từ những số liệu sơ bộ không chính xác.
“Khách hàng rất hào hứng với Amazon Q, sản phẩm này được họ đón nhận nhanh chóng kể từ khi ra mắt cách đây 4 tháng và hiện đã gần đạt được mục tiêu bán hàng đầy tham vọng của chúng tôi”.
Theo một thông điệp nội bộ mà BI xem được, đầu năm nay, CEO của AWS Matt Garman đã hướng dẫn đội ngũ bán hàng với khoảng 6.500 nhân viên tham gia khóa đào tạo bắt buộc kéo dài nửa ngày về Amazon Q. Khóa đào tạo được thiết kế để xây dựng sự tự tin và các kỹ năng cần thiết để bán Q. Theo Neighorn, đào tạo bán hàng là thông lệ chuẩn đối với các công ty công nghệ.
CEO Garman kỳ vọng lớn vào các sản phẩm trợ lý AI như Amazon Q. Trong một cuộc nói chuyện nội bộ vào tháng 6, ông cho biết các kỹ sư phần mềm có thể phải sớm ngừng viết mã vì những tiến bộ trong các công cụ AI.
Hiện tại, CEO Andy Jassy có thể là nhân viên bán hàng lớn nhất của Amazon Q. Tháng trước, ông đã viết trên LinkedIn rằng việc Amazon sử dụng Q nội bộ đã giúp công ty đạt được hiệu quả đáng kể, cụ thể là tiết kiệm được 4.500 năm làm việc của nhà phát triển.
“Đây là bước ngoặt đối với chúng tôi”, ông Jassy nói.
Theo các chuyên gia, rủi ro lớn nhất đối với Amazon lúc này đến từ tỷ lệ cạnh tranh khốc liệt. Microsoft được cho là đã đi đầu trong việc tích hợp AI tạo sinh vào các dịch vụ doanh nghiệp đa dạng nhờ vào quan hệ đối tác với Open AI, trong khi Alphabet, nhà quảng cáo lớn nhất thế giới và là chủ sở hữu của YouTube, một lần nữa cố gắng tạo ra nhiều đột phá trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử. Walmart, công ty thống trị thị trường tạp hóa trị giá 2 nghìn tỷ USD của Mỹ cũng đang chuyển sang quảng cáo và ra mắt dịch vụ đăng ký giống như Prime. Nếu muốn tránh khủng hoảng ‘tuổi trung niên’, Amazon sẽ phải chứng minh rằng mình xứng đáng.
Được biết trước Q, Amazon đã cho ra mắt rất nhiều sản phẩm. Một số thành công. Một số mang lại cho gã khổng lồ này khoản lỗ khá ê chề.
Chẳng hạn Astro, sản phẩm có thể hoạt động như một quản gia thông minh ra mắt vào năm 2021, không tạo ra dòng lợi nhuận ổn định. Với mức giá 1.600 USD, công nghệ này đã tiêu tốn hơn 1 tỷ USD của Amazon nhằm nghiên cứu và phát triển. Hiện Astro for Business đã bị khai tử.
Theo: Business Insider, The Economist
Nhịp sống thị trường