MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

An ninh mạng ở Việt Nam chỉ được đánh giá cao hơn một vài nước nhỏ, kém phát triển ở châu Á như Afganistan, Mông Cổ

Chỉ số an ninh mạng (Cyber security Index) năm 2017 của Liên hiệp Viễn thông quốc tế cho biết Việt Nam đứng thứ 101/193, thấp hơn cả Indonesia (vị trí thứ 70), Lào (vị trí thứ 77), Campuchia (vị trí thứ 92) và Myanmar (vị trí thứ 100).

Đây là thông tin được đưa ra tại Toạ đàm khoa học: Luật An ninh mạng và tác động đến các ngành công nghệ, truyền thông và nội dung số : Đánh giá kiến nghị và chính sách do Viện Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) – Hội truyền thông số Việt Nam tổ chức chiều nay 21/11.

Chỉ số an ninh mạng được đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau của mỗi quốc gia liên quan đến an toàn mạng, bao gồm khuôn khổ pháp luật, năng lực tổ chức (chiến lược bảo vệ an toàn mạng ở tầm quốc gia) và năng lực kĩ thuật, khả năng xây dựng năng lực (qua các chương trình nghiên cứu, giáo dục và đào tạo) đồng thời hợp tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực này.

Trong 193 nước được đánh giá lần này, Singapore chiếm vị trí số một, vượt qua Mỹ, nước đứng thứ hai trong bảng xếp hạng này. Nếu như Mỹ vượt Singapore về chất lượng khuôn khổ pháp lí cũng như khả năng xây dựng năng lực, thì Singapore lại vượt trội ở hợp tác quốc tế, và vì thế chiếm vị trí thượng phong. Malaysia đứng thứ 3 trong danh sách vượt qua Pháp và Canada, lần lượt đứng ở vị trí thứ 9 và 10, được xem là một điều bất ngờ.

Trong khi đó, Việt nam đứng ở vị trí 101, thấp hơn cả Indonesia (vị trí thứ 70), Lào (vị trí thứ 77), Campuchia (vị trí thứ 92) và Myanmar (vị trí thứ 100). An ninh mạng ở Việt Nam chỉ được đánh giá cao hơn một vài nước nhỏ, kém phát triển ở châu Á như Bhutan, Afganistan hay Mông Cổ.

Khuôn khổ pháp lý hiện tại của Việt Nam là một trong những lí do chính giải thích tại sao Việt Nam đứng ở một thứ hạng vô cùng khiêm tốn như vậy.

Theo báo cáo này, Việt Nam thuộc nhóm các nước mới chỉ bắt đầu chú ý tới việc xây dựng luật liên quan đến tội phạm mạng và đào tạo nhân lực chống tội phạm mạng. Riêng về vấn đề bảo vệ an ninh mạng, Việt Nam được đánh giá cao hơn, và được xếp vào nhóm các nước đã có một số tiến bộ, vì luật đã quy định được một số nguyên tắc cụ thể, đặt khuôn khổ cho việc thực hiện các chương trình và chính sách đảm bảo an ninh môi trường mạng.

Tuy nhiên, về tổng thể, khuôn khổ pháp luật liên quan đến an toàn mạng vẫn bị xếp hạng thấp so với nhiều quốc gia có trình độ phát triển tương đương, do luật còn nhiều thiếu sót, bất cập. Có thể nói, khuôn khổ pháp lý hiện nay tại Việt Nam chưa đủ để đảm bảo một môi trường số thực sự an toàn, lành mạnh cho người sử dụng.

Cụ thể hơn, vấn đề quản lý thông tin trên mạng ở Việt Nam vẫn chưa có khung khổ pháp lý thực sự. Vấn đề này bao gồm hai khía cạnh: an toàn thông tin mạng (thông tin không bị xâm phạm, phá hoại, sửa đổi) và an ninh thông tin mạng (thông tin phải hợp pháp, lành mạnh, chính xác).

Các quy định pháp luật của Việt Nam liên quan đến an toàn thông tin và an ninh thông tin nằm rải rác ở nhiều văn bản luật và dưới luật khác nhau, dẫn đến vừa thiếu luật vừa chồng chéo. Sự thiếu hoàn thiện của hệ thống luật quản lý môi trường luật dẫn đến kết quả người sử dụng mạng ở Việt Nam phải đối mắt với vô vàn nguy cơ khác nhau.

Hiện Việt Nam tồn tại nguy cơ cao về khả năng thông tin cá nhân không được đảm bảo an toàn. Điều này đã được minh chứng qua vụ việc nhiều hành khách đi máy bay bị lộ số điện thoại và ngày giờ xuống máy bay. Sau khi hạ cánh, các nạn nhân này đã ngay lập tức nhận được tin nhắn mời đi xe từ các hãng taxi, thậm chí là từ số điện thoại lạ.

Bên cạnh đó, nguy cơ mất an ninh thông tin mạng cũng rất lớn ở Việt Nam. Đơn cử như người dùng liên tục phải đối mặt với những cơn bão thông tin, trong đó có cả tin giả và các phát ngôn thù ghét cũng như các thông tin kích động bạo lực.

Khung luật Việt Nam liên quan đến vấn đề an ninh thông tin mạng chủ yếu nằm trong khuôn khổ các luật Dân sự, Hình sự, Luật Công nghệ thông tin, Luật an toàn thông tin mạng và một số các văn bản luật và dưới luật khác. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khung luật này vừa thiếu lại vừa thừa, chưa thực sự hoàn thiện. Do đó, Viện IPS khuyến cáo, để bảo vệ tốt hơn người dùng Internet ở Việt Nam, cần sớm cải thiện chất lượng khung luật Việt Nam trong vấn đề này.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên