MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ánh sáng điện ở châu Âu có tắt nếu Niger ngăn cản Pháp khai thác uranium?

05-09-2023 - 17:00 PM | Tài chính quốc tế

Hãng thông tấn DW (Đức) đã hỏi các chuyên gia ở Niger và châu Âu về tình hình chuỗi cung ứng năng lượng sau cuộc đảo chính quân sự tại nước này.

Theo DW, kho báu lớn nhất của Niger nằm dưới lòng đất: Uranium là mặt hàng quan trọng nhất ở bang Sahel của nước này. Tuy nhiên, trong bối cảnh lực lượng đảo chính mới nắm quyền được hơn một tháng ở Niger, làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung uranium cho thị trường toàn cầu đang gặp nguy hiểm.

Pháp - cường quốc mà Niger từng là thuộc địa - đang ở trong tình thế đặc biệt khó khăn. Khoảng 2/3 điện năng của nước này đến từ các nhà máy điện hạt nhân chạy bằng uranium có nguồn gốc từ Niger. Pháp cũng xuất khẩu điện sang các nước khác ở châu Âu không có nhà máy điện hạt nhân.

Hợp tác 'bất bình đẳng'

Sau cuộc đảo chính ở Niger vào ngày 26/7, cả hợp tác kinh tế và quan hệ đối tác quân sự giữa Niger với Pháp đều đang gặp nguy hiểm.

Chính quyền quân sự mới của Niger dưới sự chỉ huy của Tướng Abdourahamane Tiani phát đi tín hiệu rằng “họ đã chán Pháp”.

Khi lên nắm quyền, chính quyền quân sự đã ra lệnh ngừng xuất khẩu uranium và sau đó yêu cầu phái viên Pháp phải rời đi sau 48 tiếng. Tuy nhiên, Đại sứ Pháp Sylvain Itte vẫn ở lại thủ đô Niamey của Niger bất chấp lệnh trục xuất.

Theo DW, chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không muốn từ bỏ ảnh hưởng hoặc nguồn cung cấp nguyên liệu thô, nhưng ở Niger có rất ít sự khoan dung.

Mahaman Laouan Gaya - cựu Bộ trưởng năng lượng Nigeria, cựu Tổng thư ký Tổ chức các nhà sản xuất dầu mỏ châu Phi (APPO) - cho biết: “Mọi người ở Niger đều cảm thấy mối quan hệ hợp tác này rất bất bình đẳng.”

Trong một email gửi tới DW, Gaya đã trích dẫn những gì ông nói là có sự bất bình đẳng rất lớn. Ông viết rằng, Niger đã xuất khẩu uranium trị giá 3,5 tỷ euro sang Pháp vào năm 2010 nhưng chỉ nhận lại được 459 triệu euro.

Gaya nói: “ Nếu Niger quyết định không xuất khẩu uranium sang Pháp, điều đó sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho Pháp nhưng ít ảnh hưởng đến nền kinh tế Niger.”

Ông nói thêm, khoảng 90% dân số Niger không có điện sử dụng và thu nhập như vậy có nghĩa là Niger nhận được quá ít từ xuất khẩu.

Việc khai thác uranium đã dừng lại?

Theo DW, trong nhiều thập kỷ, tập đoàn hạt nhân Orano của Pháp (trước đây là Areva) đã khai thác uranium ở Niger. Vật liệu này được sử dụng chủ yếu để sản xuất thanh nhiên liệu cho 56 nhà máy điện hạt nhân của Pháp.

Một phát ngôn viên của Orano gần đây nói với hãng tin AFP rằng: “Cuộc khủng hoảng hiện tại không có tác động ngắn hạn đến khả năng cung cấp của Orano.”

Trong khi đó, Hama Amadou - cựu thủ tướng và là lãnh đạo phe đối lập tại Niger - nói với đài truyền hình Voxafrica rằng, công ty khai thác mỏ vẫn đang khai thác quặng uranate - nguyên liệu sản xuất uranium.

AFP dẫn lời Amadou cho biết: “Tôi không nghĩ chính quyền mới đã hủy bỏ các hợp đồng khai thác uranium giữa Pháp và Niger."

Ánh sáng điện ở châu Âu có tắt nếu Niger ngăn cản Pháp khai thác uranium? - Ảnh 2.

Trụ sở đặt tại Niamey (thủ đô của Niger) của nhà sản xuất uranium Somair thuộc sở hữu của Pháp. Ảnh: IMAGO

Mỏ uranium của Niger nằm trong tay người Pháp

Somair khai thác mỏ uranium lớn nhất ở sa mạc Sahara, nằm ở ngoại ô thành phố Arlit (Niger). Công ty này được sở hữu 63% bởi tập đoàn Orano thuộc sở hữu nhà nước của Pháp. 37% còn lại thuộc sở hữu của Sopamin - một công ty nhà nước của Niger.

Năm 2021, mỏ Somair chiếm hơn 90% lượng uranium xuất khẩu của Niger. Pháp và chính phủ bị lật đổ của cựu Tổng thống Niger Mohamed Bazoum cũng đã đồng ý khởi động lại một dự án mỏ khác.

Và vào tháng 5, Orano đã ký hợp đồng mới với chính phủ Niger, kéo dài việc khai thác uranium của Pháp ở Niger cho đến năm 2040.

Seidick Abba - nhà báo người Niger - cho biết, cuộc đảo chính không làm thay đổi các thỏa thuận thương mại giữa các tập đoàn.

Abba nói với DW: “Uranium vẫn sẽ được vận chuyển từ mỏ gần Arlit đến Pháp thông qua thành phố Cotonou ở Benin. Hợp đồng không trao cho Niger quyền dừng các chuyến hàng.”

Châu Âu còn có các nhà cung cấp khác

Theo dữ liệu của Cơ quan Cung ứng Euratom của EU (ESA), năm ngoái, Pháp đã nhập khẩu khoảng 1/5 lượng uranium từ Niger. Các quốc gia Trung Á như Kazakhstan và Uzbekistan cũng cung cấp một lượng uranium đáng kể cho Pháp.

Alex Vines của tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại London cho biết, gần đây nhất là vào năm 2022, Niger là nhà cung cấp uranium lớn thứ ba của Pháp.

Nhưng chuyên gia Vines nhận định, sự phụ thuộc đang được đánh giá quá cao. Ông Vines nói: “Pháp có quan hệ kinh doanh với các nước như Kazakhstan, Australia, Namibia. Nước này có thể dễ dàng đa dạng hóa nguồn cung uranium của mình.”

Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, chỉ 5% lượng uranium bán trên thị trường toàn cầu vào năm 2022 là đến từ Niger.

Năm 2022, sự thống trị điện hạt nhân của Pháp ở châu Âu được thể hiện rõ khi giá năng lượng tăng lên khi nhiều nhà máy điện hết nước làm mát.

Châu Âu đang tìm kiếm nguồn cung uranium thay thế. Theo DW, Kazakhstan đã phát đi tín hiệu rằng một số lượng lớn uranium có thể được chuyển đến châu Âu nếu cần.

Những nghi ngờ và lo lắng về việc liệu châu Âu có thể phải tắt đèn vì xung đột ở Niger hay không đã được người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Adalbert Jahnz xua tan. Ông cho biết, EU có đủ trữ lượng uranium tự nhiên để giảm thiểu rủi ro nguồn cung ngắn hạn.

Theo Hữu Hiển

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên