Áp dụng lương tối thiểu mới: Có giúp người lao động đỡ khó?
Giá cả tăng cao làm giảm ý nghĩa của tăng lương trong cải thiện cuộc sống người lao động. Ảnh minh họa: Phạm Thanh
Từ ngày 1/7, lương tối thiểu vùng chính thức tăng bình quân 6% so với trước (theo Nghị định 38/2022 của Chính phủ). Đa số doanh nghiệp (DN) đã trả lương cho người lao động (NLĐ) cao hơn mức lương tối thiểu, nên có DN tăng, nơi không. Còn bản thân NLĐ với nỗi đe doạ từ lạm phát cũng không dám chắc cuộc sống sẽ thực vơi bớt khó (?!)
- 29-06-2022CPI quý II tăng gần 3% chủ yếu do giá xăng dầu trong nước tăng 55%
- 23-06-2022ICAEW: Tăng trưởng của Việt Nam dẫn đầu các nước trong khối ASEAN-6 vào năm 2023
- 22-06-2022[Trực quan] Top 10 địa phương điều hành kinh tế tốt nhất đã thay đổi như thế nào trong 16 năm qua?
Thu nhập tăng ít
Anh Nguyễn Văn Quân (công nhân một công ty dược ở Khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam) cho biết, có nghe thông tin công ty sẽ tăng lương cho NLĐ từ tháng 7 này theo lương tối thiểu tăng, mức tăng theo đánh giá xếp loại từng NLĐ. “Thông tin tăng lương chỉ mới nghe nói, công ty chưa có thông báo chính thức”, anh Quân nói. Hiện anh Quân nhận lương 8 triệu đồng/tháng, còn vợ cả tăng ca mỗi ngày làm 12 tiếng được khoảng 10 triệu đồng/tháng. Chi phí thuê nhà hết 2 triệu đồng/tháng, với 2 con nhỏ phải gửi trường tư tổng chi phí khoảng 6 triệu đồng, nếu gửi con học trường công sẽ rẻ hơn nhưng trường không nhận trông thứ 7 khi bố mẹ vẫn đi làm.
Còn theo chị Dương Thị Xuân, công nhân một công ty sản xuất linh kiện xe máy ở Khu công nghiệp Đồng Văn, hiện lương công ty trả cho NLĐ cũng cao hơn lương tối thiểu vùng. Hơn nữa, tháng 6 vừa qua công ty đã thực hiện tăng lương định kỳ, nên hiện không thấy thông tin gì từ phía công ty về việc tăng lương.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên cho biết, hiện nhiều DN trả lương cho NLĐ cao hơn lương tối thiểu, nên khi tăng lương cơ bản thu nhập NLĐ vẫn ít thay đổi. Tuy nhiên, khi lương tối thiểu tăng, chi phí nhân công sẽ tăng lên, khi cơ sở để tính các khoản bảo hiểm, công đoàn... tăng theo lương tối thiểu. Hiện DN này có khoảng 14 đơn vị thành viên, sử dụng hơn 6.000 NLĐ, lương bình quân trên 12 triệu đồng/người/tháng. Từ tháng 7 này, riêng chi phí các khoản bảo hiểm sẽ tăng thêm khoảng 1,6 tỷ đồng/tháng. Trong khi đó, các DN dệt may đang đối mặt nhiều nguy cơ, khi khách hàng có xu hướng kéo dài thời gian thanh toán; thị trường Mỹ, châu Âu giảm sức mua khi người dân thắt chặt chi tiêu do lạm phát.
Giám sát doanh nghiệp, địa phương thực hiện
Để triển khai mức lương tối thiểu vùng mới từ tháng 7 này, Bộ LĐ-TB&XH và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng vừa có văn bản đề nghị chính quyền địa phương, hệ thống công đoàn cùng vào cuộc giám sát.
Từ ngày 1/7, Nghị định 38/2022 của Chính phủ về lương tối thiểu vùng chính thức có hiệu lực, với mức tăng bình quân 6% so với trước đó. Cụ thể, lương tối thiểu Vùng I tăng lên 4,68 triệu đồng/tháng và 22,5 nghìn đồng/giờ; Vùng II tăng lên 4,16 triệu đồng/tháng và 20 nghìn đồng/giờ; Vùng III tăng lên 3,64 triệu đồng/tháng và 17,5 nghìn đồng/giờ; Vùng IV tăng lên 3,25 triệu đồng/tháng và 15,6 nghìn đồng/giờ.
Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, hiện đơn vị sử dụng hơn 7.500 NLĐ, lương bình quân khoảng 8,4 triệu đồng/người/tháng, quỹ lương khoảng 80 tỷ đồng/tháng. Do mức lương NLĐ đã cao hơn lương tối thiểu, lại tính lương theo sản phẩm, nên thu nhập NLĐ cơ bản vẫn không biến động. Tuy nhiên, lương tối thiểu tăng, chi phí công đoàn, bảo hiểm sẽ tăng thêm khoảng 6 tỷ đồng/năm. Lãnh đạo May 10 cho rằng, tăng lương tối thiểu sẽ tác động nhiều nhất tới nhóm DN tính lương theo giờ làm việc, giờ tăng ca, sẽ phải tăng khung lương giờ làm căn cứ trả lương.
Ông Đào Quang Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội đánh giá: Lâu nay vẫn vòng luẩn quẩn tăng lương - tăng giá, nên điều quan trọng là khi tăng lương phải giữ được lạm phát, ổn định được giá cả. Nếu không, tăng lương cũng không giúp cải thiện được cuộc sống NLĐ, đặc biệt sau 2 năm COVID-19, bao nhiêu tiết kiệm của NLĐ đã dùng hết. Do đó, nhà nước cần có giải pháp để ổn định giá cả để việc tăng lương mang lại ý nghĩa cải thiện cuộc sống NLĐ, tránh việc lương tăng lên nhưng mức sống lại giảm đi vì giá cả. Thực tế giá cả ngoài chợ, giá xăng dầu đã tăng cao thời gian qua, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều vậy, rất khó khăn với NLĐ. Sau lần tăng lương này, cũng rất khó để tăng lương tiếp trong năm 2023 tới, vì DN cũng lao đao sau 2 năm ảnh hưởng dịch COVID-19.
Tiền Phong