MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp lực cuộc sống và những nỗi sợ hãi ngày càng tăng, bạn chọn chiến đấu hay bỏ chạy?

25-11-2019 - 02:07 AM | Sống

Mục đích quan trọng nhất của nỗi sợ hãi, là giúp chúng ta giữ bản thân trong vùng an toàn. Nó đại diện cho phản ứng “chiến-hay-chạy” của chúng ta trước các tình huống nguy hiểm, nâng cao nhận thức và thúc đẩy các giác quan hoạt động tối đa tại những thời điểm quan trọng nhất. Đây là lý do tại sao, trái với quan điểm của hầu hết mọi người, sợ hãi không nhất thiết là một điều xấu.

Tuy nhiên, nỗi sợ hãi cũng có thể kìm hãm và có những ảnh hưởng tiêu cực đối với cuộc sống của chúng ta. Nó có thể làm rạn nứt các mối quan hệ, ngăn chúng ta thử sức với những trải nghiệm mới và cản trở các cơ hội phát triển của bản thân.

Dưới đây là 5 cách tốt nhất có thể giúp bạn tăng cường lòng can đảm, và ngăn chặn nỗi sợ hãi chiếm lấy cuộc sống của mình:

1. Đặt tên, hiểu và chấp nhận nỗi sợ hãi của bạn

Đối mặt và chiến đấu với nỗi sợ hãi là một điều thực sự khó khăn, cho nên bạn đừng cố gắng đối phó với nó một cách nhanh chóng. Bởi vì, việc tạo quá nhiều áp lực cho bản thân có thể phản tác dụng. Do đó, để gia tăng sự dũng cảm hãy trang bị cho bản thân câu thần chú này: "Tôi có thể dễ dàng đối phó với nỗi sợ của mình".

Áp lực cuộc sống và những nỗi sợ hãi ngày càng tăng, bạn chọn chiến đấu hay bỏ chạy: 5 cách để đẩy mạnh lòng can đảm ai cũng cần phải biết - Ảnh 1.

Những bước đầu tiên bạn phải thực hiện là nhận ra nỗi sợ hãi của bạn là gì. Sau đó, bạn cần hiểu lý do tại sao nỗi sợ đó lại xuất hiện, và chấp nhận sự tồn tại của nó. Bạn cần phải học cách tha thứ cho bản thân vì không có ai là chưa từng sợ hãi cả, và sẵn sàng đối phó với nỗi sợ của mình ở bất kì tình huống nào.

2. Phân biệt những nỗi sợ của bạn

Như đã đề cập ở trên, nỗi sợ hãi giúp con người nhanh chóng rút lui và giữ bản thân ở trạng thái an toàn khi có nguy hiểm xảy ra. Đặc biệt, nó còn đóng vai trò chủ yếu trong việc duy trì tuổi thọ của con người càng lâu càng tốt. Điều này khá là hữu ích, và đã được khoa học chứng minh.

Có rất nhiều mức độ sợ hãi mà cơ thể và tâm trí của chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống. Bất kỳ nỗi sợ nào có liên quan đến các nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, cuộc sống của chúng ta thường là nỗi sợ hợp lý, chẳng hạn như, sợ độ cao, động vật hoang dã, mất bạn bè hoặc bị đuổi việc và thất nghiệp. Mặt khác, những nỗi sợ hãi vô lý như sợ chú hề, chim hoặc ma, sẽ chỉ khiến cho cuộc sống của bạn trở nên khó khăn và trì trệ hơn.

Trong bất kỳ tình huống nào, phân biệt được các loại nỗi sợ hãi chính là một bước quan trọng trong việc kiểm soát nỗi sợ của bạn.

"Sợ hãi xuất phát từ sự không chắc chắn. Khi chúng ta đã hoàn toàn chắc chắn nỗi sợ của mình là gì, thì dù nó có phức tạp đến đâu, chúng ta cũng sẽ không dễ dàng bị ảnh hưởng", nhà phát minh William Congreve nói.

3. Kiểm soát, né tránh hoặc thay đổi nỗi sợ của bạn

Áp lực cuộc sống và những nỗi sợ hãi ngày càng tăng, bạn chọn chiến đấu hay bỏ chạy: 5 cách để đẩy mạnh lòng can đảm ai cũng cần phải biết - Ảnh 2.

Bạn có thể kiểm soát nỗi sợ hãi bằng cách kiểm soát các tình huống khi chúng xảy ra. Bởi vì, đôi khi nỗi sợ hãi có thể đề xuất hướng hành động tốt nhất phù hợp với nhu cầu và sở thích của chúng ta. Nếu bạn luôn cảm thấy không thoải mái khi ở trong đám đông, hãy bắt đầu tập phát biểu trước nhiều người hoặc dành thời gian trò chuyện với những người có tính cạnh tranh cao. Thậm chí, bạn có thể xem xét các vị trí làm việc không cần phải tham gia quá nhiều vào những sự kiện của công ty.

Mặc dù việc tránh những tình huống khiến bạn sợ hãi không phải là điều tốt nhất bạn có thể làm. Nhưng đôi khi phương pháp này hoạt động rất hiệu quả. Bạn không cần cố phải đi ngược với cảm xúc của bản thân mỗi khi cảm thấy khó chịu. Đôi khi, nỗi sợ hãi có thể là một hướng đi thay thế để khiến bạn cảm thấy tốt hơn.

4. Buông bỏ sự cầu toàn

Một số nỗi sợ không liên quan gì đến sức khỏe thể chất, nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với các giá trị cảm xúc và tinh thần chúng ta. Nếu không được quản lý, những nỗi sợ hãi đó có thể ngăn cản chúng ta có cơ hội tìm kiếm những mối quan hệ mới, công việc bản thân mong muốn, hoặc chia sẻ kinh nghiệm quý giá với thế giới xung quanh mình. Những nỗi sợ hãi này thường xuất phát từ nhu cầu phải làm mọi thứ một cách hoàn hảo, mà không được phép phạm bất kì một lỗi nào.

Cầu toàn là một tính cách, mà tính cách ấy luôn đặt ra những tiêu chuẩn và đòi hỏi rất cao trong mọi việc từ những việc nhỏ nhất đối với bản thân và người khác. Người cầu toàn luôn mong muốn sự hoàn hảo từ những việc mình làm và người khác làm. Điều này thường mang theo nhiều điều xấu hơn là tốt. Và nó có thể là nguyên nhân gây ra những nỗi sợ khác nhau, góp phần cản trở con đường thành công của chúng ta trong tương lai. Hãy từ bỏ việc cố gắng biến những việc bạn làm và mọi người xung quanh trở nên hoàn hảo đi, vì điều đó sẽ chỉ kìm hãm sự phát triển của bạn mà thôi.

"Mọi thứ bạn muốn đều ở phía bên kia nỗi sợ", Jack Canfield, nhà kinh doanh người Mỹ nói.

5. Biến nỗi sợ hãi thành cơ hội thử thách bản thân bạn

Áp lực cuộc sống và những nỗi sợ hãi ngày càng tăng, bạn chọn chiến đấu hay bỏ chạy: 5 cách để đẩy mạnh lòng can đảm ai cũng cần phải biết - Ảnh 3.

Có hai cách để giải quyết những điều không chắc chắn trong cuộc sống. Bạn có thể để nó biến thành nỗi sợ kiểm soát bạn. Hoặc nắm bắt nó như một khía cạnh tuyệt vời của cuộc sống, và coi nó như một cuộc phiêu lưu của riêng mình. Hãy trở thành người bạn tốt nhất của chính bạn và tạo cho mình động lực cần có để sống mỗi ngày một cách trọn vẹn nhất.

Nỗi sợ hãi có thể làm cho bạn trở nên mạnh mẽ, chu đáo và kiên cường hơn. Hoặc nó có thể khiến bạn suy sụp và hạn chế những khả năng, cơ hội mà cuộc sống có thể mang đến cho bạn. Sự lựa chọn này hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Tuy nhiên, vượt qua nỗi sợ hãi và biến nó thành một đặc điểm nổi bật của riêng bạn, thực tế thường nói dễ hơn làm.

May mắn thay, có rất nhiều biện pháp có thể giúp bạn quản lý nỗi sợ hãi thay vì để nó ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của mình. Hãy thử các phương pháp đã được đề xuất ở trên, mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn của bạn, sẵn sàng trải nghiệm và tận hưởng cuộc sống của bạn một cách trọn vẹn nhất.

Hải Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên