Áp lực nhiều phía bủa vây giá dầu
Giá dầu biến động sau khi lưỡng đảng Mỹ đạt thỏa thuận nâng trần nợ công và xuất hiện thông tin trái chiều về nguồn cung dầu trong cuộc họp của OPEC cuối tuần này.
- 25-05-2023Áp trần giá dầu Nga: thành công hay thất bại?
- 04-05-2023Hạn hán ở Tây Ban Nha đẩy giá dầu ô liu lên mức cao nhất trong 26 năm
- 27-04-2023Chuyện lạ gì đây: FED căng mình chống lạm phát nhưng khi giá dầu giảm một nửa, nền kinh tế lớn nhất thế giới lại “lo ngay ngáy”
Giá dầu thô Brent trong phiên giao dịch hôm 30-5 (giờ địa phương) có lúc giảm còn 76,48 USD/thùng trong khi giá dầu WTI có thời điểm giảm còn 72,25 USD/thùng.
Nhà phân tích thị trường Priyanka Sachdeva tại Tổ chức Tài chính Phillip Nova (Singapore) cho rằng những tuyên bố mâu thuẫn từ các thành viên Đảng Cộng hòa và nhà lập pháp khiến giới đầu tư "tiến thoái lưỡng nan".
Thời hạn Mỹ đối mặt nguy cơ vỡ nợ là ngày 5-6, một ngày trước thời điểm diễn ra cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất bên ngoài gồm Nga, được gọi là OPEC+.
Theo hãng tin Reuters, nhóm này sẽ quyết định về việc liệu có tiếp tục giảm sản lượng mạnh hơn hay không trong bối cảnh thị trường chịu sức ép do giá dầu giảm thời gian gần đây.
Hồi đầu tháng 4, Ả Rập Saudi và các thành viên trong OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu thêm khoảng 1,2 triệu thùng/ngày, nâng tổng khối lượng cắt giảm của OPEC+ lên 3,66 triệu thùng/ngày.
Thiết bị dầu mỏ được trưng bày trong triển lãm ở thủ đô Tehran - Iran hôm 17-5. Ảnh: REUTERS
Trong diễn biến liên quan, OPEC hôm 29-5 hoan nghênh sự trở lại thị trường dầu mỏ của Iran sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Iran là một thành viên OPEC nhưng hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của nước này chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi.
Trong tháng 3, Ả Rập Saudi và Iran tuyên bố khôi phục quan hệ ngoại giao sau nhiều năm căng thẳng trong một thỏa thuận do Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu đứng thứ 2 thế giới - làm trung gian.
Trong chuyến thăm đầu tiên tới Iran, Tổng Thư ký OPEC Haitham Al Ghais bày tỏ tin tưởng Tehran là thành viên có trách nhiệm trong OPEC và có khả năng tạo ra khối lượng sản xuất đáng kể trong khoảng thời gian ngắn.
Khi được hỏi về việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của OPEC và tác động đối với giá dầu, ông Al Ghais cho hay: "Trong OPEC, chúng tôi không nhắm mục tiêu theo một mức giá nhất định. Mọi hành động, mọi quyết định của chúng tôi đều được đưa ra để có được sự cân bằng tốt giữa nhu cầu dầu và nguồn cung dầu toàn cầu".
Người Lao động