MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Ngành gỗ nặng gánh lo

19-07-2018 - 10:22 AM | Thị trường

Đồ gỗ Trung Quốc núp bóng Việt Nam để xuất sang thị trường Mỹ sẽ dẫn đến nhiều rủi ro; nếu Mỹ áp dụng các biện pháp phòng vệ đối với đồ gỗ Việt Nam, điều đó sẽ tác động rất lớn đến toàn ngành.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc với gói đánh thuế mới đây của Mỹ lên đến 200 tỉ USD, trong đó mặt hàng đồ gỗ phải chịu thuế 10%, mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam.

Cơ hội tăng bán hàng vào Mỹ

Việt Nam đã trở thành trung tâm chế biến gỗ của châu Á và là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới. Sáu tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 4,1 tỉ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến cả năm ngành gỗ có thể xuất khẩu đạt 9 tỉ USD (năm 2017 ngành gỗ xuất khẩu đạt 8 tỉ USD).

Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, do thiếu nguồn cung trong nước, hằng năm Việt Nam phải nhập một lượng lớn gỗ nguyên liệu. Những tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp (DN) đã nhập gần 1,1 tỉ USD gỗ nguyên liệu, trong đó nhập khẩu từ Mỹ khá lớn và có xu hướng gia tăng. "Sử dụng gỗ nguyên liệu của Mỹ, sau đó sản xuất và xuất đồ gỗ sang Mỹ sẽ không bị đánh thuế" - ông Khanh cho biết.

Áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Ngành gỗ nặng gánh lo - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đang có nhiều cơ hội tăng bán hàng vào Mỹ

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam đã xuất sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều nhất là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 2017, kim ngạch từ 4 thị trường này đạt trên 5,8 tỉ USD, chiếm gần 76% trong tổng lượng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ tất cả các thị trường. Riêng đối với các mặt hàng đồ gỗ, thặng dư thương mại của Việt Nam từ Mỹ đạt trên 2 tỉ USD. Từ đầu năm đến nay, giá trị xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ đang tăng trưởng tốt, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản. Đến thời điểm này, những tín hiệu xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn ổn định.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, cho biết Trung Quốc với khoảng 5.500 nhà sản xuất, giá trị sản xuất ngành đồ gỗ của Trung Quốc đạt 125 tỉ USD/năm, trong đó đồ gỗ chiếm 64% sản lượng. Trung Quốc bị ảnh hưởng bất lợi bởi cuộc chiến thương mại thì cơ hội sẽ san sẻ cho các nước khác, trong đó có Việt Nam. Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu các loại ván nhân tạo từ Trung Quốc như vơ-nia, ván dăm, ván ép, ván sợi với kim ngạch khoảng 250.000-300.000 USD. Nếu nhu cầu sản xuất ở Trung Quốc giảm thì nguồn nguyên liệu và ván nhân tạo xuất sang Việt Nam có khả năng tăng với giá cả dễ chịu hơn.

Về rủi ro thị trường, theo ông Hạnh, hằng năm Trung Quốc nhập từ Việt Nam một lượng lớn dăm gỗ để sản xuất ván nhân tạo và bột giấy, khoảng 650 triệu USD và đồ gỗ khoảng 48 triệu USD năm 2017. Một khi có sự biến động bất lợi, xuất khẩu dăm gỗ sẽ bị tụt giảm về lượng và giá do cầu của Trung Quốc giảm. Các nước khác vì thế sẽ lợi dụng cơ hội để ép giá.

Lo bị vạ lây

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại với Mỹ, tận dụng nguồn lao động giá rẻ, ưu đãi trong phát triển công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam, gần đây một số DN Trung Quốc có dấu hiệu dịch chuyển đầu tư vào ngành gỗ của Việt Nam.

Nhiều DN lo lắng sắp tới ngành đồ gỗ xuất khẩu sẽ là rất khó khăn, đặc biệt những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc. Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Đồ gỗ nội thất Bình Dương kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Đồ gỗ nội thất Hiệp Long, cho biết chỉ riêng tỉnh Bình Dương đã có 30-40 DN chế biến gỗ của Trung Quốc hoạt động. Sắp tới DN Trung Quốc sẽ đầu tư vào các tỉnh phía Bắc nhiều hơn do giá thuê đất và nhân công thấp hơn phía Nam.

Cũng theo ông Thanh, nếu DN Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam nhằm thay đổi xuất xứ, chứng từ để xuất khẩu sẽ là mối nguy lớn. Song song đó, nguy cơ các nhà sản xuất đồ gỗ nội thất Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam đầu tư, xây dựng và lắp đặt nhà máy sản xuất nhằm tranh thủ thị trường Việt Nam để có chứng nhận xuất xứ mới cho sản phẩm. Với sự tham gia của các nhà sản xuất Trung Quốc, xuất khẩu đồ gỗ xuất xứ Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng đột biến gây ảnh hưởng đến các nhà sản xuất đồ gỗ tại Mỹ. Nếu tình trạng này xảy ra, phía Mỹ sẽ chú ý đến mặt hàng gỗ và dẫn đến bị áp thuế chống bán phá giá, gây thiệt hại lớn đến DN trong nước.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cảnh báo thặng dư thương mại trong mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu sang Mỹ tăng cao cùng với luồng đầu tư từ Trung Quốc vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam sẽ có thể tạo ra những mối quan tâm đặc biệt từ các cơ quan quản lý Mỹ.

Nỗ lực nắm bắt cơ hội

Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, để hạn chế rủi ro từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ của các hàng hóa xuất khẩu để tránh bị vạ lây; theo dõi các danh mục hàng hóa bị áp thuế của Mỹ và Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội và hạn chế rủi ro. DN cần bình tĩnh, nỗ lực trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh và giảm giá thành để nắm bắt cơ hội tăng thị phần tại Mỹ.

Theo Nguyễn Hải

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên