Áp thuế cao với inox cán nguội: Nguy cơ độc quyền, bóp chết doanh nghiệp nội
Từ năm 2014 đến nay, Bộ Công Thương đã áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng inox nhậpkhẩu. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ inox lao đao khi giá thành tăng cao, còn hàng nhập giá rẻ tràn vào.
- 17-06-2019Thủ tướng: Phát triển đội ngũ DN để xây dựng nền kinh tế tự cường
- 17-06-2019Hà Nội công khai 194 doanh nghiệp nợ hơn 296 tỷ đồng
- 17-06-2019Người thất nghiệp tăng đều theo các năm
- 17-06-2019Kinh tế ven biển: Hết thời 'hút' đầu tư?
5 năm không đổi mức áp thuế chống bán phá giá
Tháng 9/2014, Bộ Công Thương đã áp mức thuế từ 9,31-37,29% đối với một số mặt hàng thép không gỉ cán nguội nhập khẩu. Từ đó đến nay, Bộ Công Thương đã có 3 lần áp thuế chống phá giá theo các quyết định năm2014, 2016 và 2018. Suốt 5 năm nay, inox nhập khẩu bị áp thuế với nhiều mức khác nhau, từ 3,07% đến 37,29%.
Việc áp thuế chống bán phá giá inox cán nguội khiến nhiều DN trong nước ảnh hưởng.
Cụ thể, mức thuế đối với các nhà sản xuất từ Trung Quốc vẫn là 25,35%. Đối với các nhà sản xuất Indonesia mức thuế giữ nguyên 13,03%. Thép không gỉ cán nguội từ Malaysia cũng sẽ tiếp tục bị áp thuế suất 9,31%; Đài Loan tiếp tục chịu chung thuế suất 13,79%, riêng Yuan Long Stainless Steel Corp. chịu thuế suất 37,29%.Tại đợt rà soát năm 2018, mức thuế chống bán phá giá mới áp dụng từ ngày 20/7/2018 đến ngày 6/10/2019 vẫn giữ nguyên so với mức thuế này áp dụng tại đợt rà soát trước cho nhiều quốc gia, nhà cung cấp.
Suốt thời gian dài “bảo hộ” cho inox sản xuất trong nước đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất sản phẩm từ nguyên liệu inox điêu đứng khi nguyên liệu nhập bị áp giá cao. Còn hàng inox sản xuất trong nước chỉ lại phụ thuộc một vài doanh nghiệp, trong đó có 1 doanh nghiệp của nước ngoài chiếm thị phần áp đảo đó là Posco VST (100% vốn Hàn Quốc). Hầu hết các doanh nghiệp phải mua nguyên liệu từ Posco VST mà không có nhiều lựa chọn khác.
Trong một văn bản gửi cơ quan chức năng, Công ty CP Tập đoàn Sunhouse đề nghị Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ Thương mại và Cục Cạnh tranh bảo vệ người tiêu dùng xem xét lại việc áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng inox (đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất mặt hàng gia dụng).
Công ty này cho hay: Công ty chúng tôi chuyên sản xuất và kinh doanh các mặt hàng gia dụng(nồi, xoong chảo bằng nhôm và inox). Sản lượng inox cuộn dùng để sản xuất các bộ nồi inox, tiêu thụ hàng năm hàng nghìn tấn và chúng tôi thường mua qua các công ty thương mại trong nước như Posco, Bông sen vàng, Hoàng Anh…
“Từ khi có quyết định áp thuế chống bán phá giá, các mặt hàng inox cuộn mà chúng tôi mua để sản xuất các mặt hàng gia dụng inox bị tăng giá khoảng 15-25% dẫn đến giá thành sản phẩm cũng tăng tương ứng”, công ty này cho biết.
Trong khi đó, theo Hiệp định thương mại ASEAN – Trung Quốc trong giai đoạn 2015-2018, thuế nhập khẩu dành cho các mặt hàng gia dụng inox nhập khẩu từ Trung Quốc – đất nước có thế mạnh về sản xuất các mặt hàng gia dụng và giá thành sản xuất rẻ thì chỉ có 0% (nếu có chứng nhận xuất xứ).
“Việc này đã dẫn đến làm mất khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất như chúng tôi với các công ty thương mại nhập khẩu, vô hình chung giết chết các công ty sản xuất như chúng tôi, những công ty đã và đang tạo công ăn, việc làm cho hàng nghìn lao động” – công ty này nhấn mạnh.
Cho nên công ty Sunhouse kiến nghị không áp dụng thuế chống bán phá giá nhập khẩu inox cán nguội cho công ty này nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất nói chung.
“Nếu áp thuế chống bán phá giá thì cho phép các doanh nghiệp sản xuất được hoàn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào đã nhập khẩu nếu chứng minh được sản lượng sản xuất đầu ra”, Sunhouse kiến nghị.
Không nên tiếp tục áp thuế chống bán phá giá với inox nhập khẩu
Nhìn nhận câu chuyện áp thuế chống bán phá giá với inox nhập khẩu, Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung Tâm trọng tài quốc tế Việt Nam phân tích: Theo quy định tại khoản 1, điều 68 về “Nguyên tắc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại” và Điều 77 về biện pháp chống bán phá giá, Luật Quản lý ngoại thương 2017, việc áp dụng thuế chống bán phá giá là nhằm bảo vệ, ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Như vậy, đây là một biện pháp cần thiết để bảo vệ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, tác động phụ của nó lại trở thành vấn đề lớn, cần phải hết sức cân nhắc để tránh ảnh hưởng xấu đến sản xuất và cạnh tranh trong nước.
Điều đáng nói, ngành sản xuất inox trong nước lại đang có dấu hiệu độc quyền, cho nên việc bảo vệ sản xuất cho 1 doanh nghiệp có thể gây thiệt hại cho rất nhiều doanh nghiệp sản xuất khác. Nếu không cẩn thận thì trở thành lợi bất cập hại, thua thiệt cho sản xuất trong nước nhiều hơn là được.
“Hàng trăm doanh nghiệp sử dụng inox để sản xuất gần như không có lựa chọn trong việc nhập khẩu inox, mà phải mua của nhà sản xuất độc quyền trong nước. Điều này khiến tình trạng giá cả tăng cao, chất lượng không bảo đảm và nhiều điều kiện giao dịch bất lợi khác cho các doanh nghiệp phải mua inox vì không có sự cạnh tranh”, ông Đức băn khoăn.
Cũng theo Luật sư Đức, bên cạnh những cái được, đã đến lúc cần xem xét, nhìn thẳng vào sự thật, ngành inox đã và sẽ bị thiệt hại như thế nào kể từ khi áp dụng và nếu tiếp tục áp dụng thuế chống phá giá? Bên cạnh mục tiêu “nhằm bảo vệ, ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại của ngành sản xuất trong nước” thì đã đến lúc xem lại chính quy định đồng thời tại khoản 1 Điều 68 của Luật Quản lý ngoại thương nêu trên là, việc áp dụng thuế chống phá giá phải “trong phạm vi, mức độ cần thiết, hợp lý, có thời hạn”.
Đặc biệt sự bất hợp lý ở chỗ, trong khi inox là nguyên liệu để sản xuất hiện nay đang bị áp thuế nhập khẩu từ 6,64% - 37,29% thì sắp tới, hàng hóa bằng inox lại được hưởng thuế suất thấp. Cụ thể là thuế nhập khẩu đổi với một số hàng hóa bằng inox (mã hàng 73.24) như chậu rửa, bồn rửa, bồn tắm từ năm 2020 trở đi chỉ có 5% theo Nghị định số 153/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ về “Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2018-2022”.
Như vậy, không những các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm inox trong nước không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, mà người tiêu dùng hàng sản xuất trong nước cũng bị thiệt hại.
“Việc áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm inox đã kéo dài gần 5 năm nay, do đó cần phải được xem xét chấm dứt trong đợt rà soát định kỳ sắp tới của Bộ Công Thương”, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Một chuyên gia trong ngành thép cho rằng việc áp thuế bảo hộ với inox cán nguội trong một thời gian dài rất vô lý trong bối cảnh Việt Nam hội nhập thế giới, loạt FTA được ký kết. Trong khi thuế sản phẩm về 0% thì Việt Nam lại đánh thuế vào nguyên liệu sản xuất. Như vậy, vô tình triệt tiêu hết sản xuất trong nước.
“Nhu cầu inox cán nguội cực kỳ lớn trong bối cảnh đô thị hoá dữ dội như hiện nay, không chỉ dùng trong gia dụng còn ứng dụng trong công nghiệp, sản xuất, bất động sản…Với 12 FTA đã và đang ký hiện nay thì thị trường sẽ rộng mở không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu mạnh ra thế giới. Không có chuyện thừa cung”, vị này cho rằng cần phải dỡ bỏ hàng rào thuế bảo hộ inox cán nguội hoặc mở cửa cho nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành này để doanh nghiệp có nhiều lựa chọn, giá cạnh tranh.
Vietnamnet