MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ATM và những nỗi lo

12-06-2016 - 08:31 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngoài những trục trặc phiền hà về mặt kỹ thuật, còn có nỗi lo ngay ngáy chuyện cướp giật quanh các trụ ATM.

Bị lấy cả chục triệu đồng vì kẹt thẻ ATM Vì sao ATM dễ dàng bị tin tặc khống chế? Tội phạm nước ngoài làm giả thẻ ATM 5 bước để tránh bị mất tiền khi sử dụng ATM

Máy rút tiền ATM là một trong vài phát minh gần đây thiết thực giúp con người hiện đại tiết kiệm được thời gian và công sức đi đến các ngân hàng giao dịch như trước kia. Ở Việt Nam, đối tượng phục vụ của ATM chủ yếu là công nhân, sinh viên, học sinh, tiểu thương và những dịch vụ có giao dịch tài chính khiêm tốn. Vì vậy các trụ ATM thường được đặt ở đô thị để phục vụ thị dân có thu nhập thấp.

Tiện thì có tiện nhưng...

Hiện nay hầu hết công nhân các nhà máy, các khu công nghiệp đều lãnh lương qua thẻ ATM. Tới kỳ lương, vào giờ tan ca tại các trụ ATM, hình ảnh hàng dài người lũ lượt xếp hàng chờ đến lượt rút tiền để về thanh toán đủ thứ chi phí, nợ nần trong tháng. Nhưng có khi xếp hàng cả mấy chục phút, đến lượt mình thì ATM thông báo hết tiền, lại chạy sang cây ATM khác khá mệt mỏi.

Cũng đỡ là mấy năm gần đây, các ngân hàng liên kết hệ thống rút tiền liên thông - thẻ ATM ngân hàng này có thể rút tiền từ máy ATM ngân hàng khác. Dĩ nhiên rút liên thông thì phải tốn phí.

Còn với các bạn sinh viên, học sinh từ các nơi về TP trọ học, với số tiền ít ỏi hằng tháng cha mẹ gửi cho để lo chi phí ăn ở, học hành, các bạn chỉ dám rút tiền mỗi lần một ít, để dành khi cần kíp và cũng sợ rút hết một lần sẽ tiêu thâm hụt, cuối kỳ không còn tiền thì khổ. Có bạn sinh viên than: “Em chỉ dám rút mỗi lần vài trăm thôi nhưng lỡ cây ATM của “ngân hàng mình” hết tiền, rút ATM ngân hàng khác phải mất toi 3.000 đồng”. Tiền phí tuy nhỏ nhưng tỉ lệ không nhỏ khi số tiền rút rất khiêm tốn.

Bản thân tôi có lần bị “tổ trác”. Đó là lần tình cờ gặp hai người bạn, một nhà giáo về hưu và một nhà thơ. Sau một chầu cà phê bạn trả, đến lượt tôi mời các bạn một chầu bia ở quán bờ kè đường Hoàng Sa, quận 1. Mặc dù trong túi chỉ còn mấy chục dành để đổ xăng nhưng yên tâm là có cái thẻ ATM nên tôi còn a lô mời thêm một người bạn chung nữa. Trà tam rượu tứ mà. Đến gần tàn cuộc, bia đã ngà ngà, tôi bảo mấy ông cứ lai rai, chờ tôi đi rút tiền. Chạy loanh quanh ba, bốn con đường không thấy cây ATM nào của “ngân hàng mình”. Lúc đó tôi không biết rằng có thể rút ATM ngân hàng khác có trừ phí. May mà có anh bảo vệ một ATM ngân hàng khác bảo: “Anh cứ rút thoải mái bằng thẻ nào cũng được. Rút tối đa 2 triệu, chỉ bị trừ phí ba ngàn thôi”. Hú vía. Còn mấy ông bạn tôi chờ sốt ruột, khi tôi trở lại kể cho mấy ông bạn già nghe, được một bữa cười vui đáo để.

... Có khi ngậm đắng nuốt cay

Cái gì cũng có mặt trái nên dù khá tiện dụng nhưng ATM cũng đem đến không ít sự bực mình và nỗi lo cho người sử dụng. Đầu tiên có thể kể đến chuyện bực mình mà người sử dụng ATM thường gặp phải vào những ngày cuối tuần là điệp khúc: “Máy hết tiền. Xin quý khách thông cảm”. Hoặc thỉnh thoảng lại gặp “Máy hư chờ sửa. Xin quý khách đến ATM khác”.

Cũng là một loại sự cố kỹ thuật của ATM nhưng trầm trọng hơn, đó là tình trạng bị máy nuốt thẻ. Bấy giờ chủ thẻ phải báo ngân hàng cho nhân viên kỹ thuật đến tháo máy lấy thẻ ra. Tôi đã từng chứng kiến trường hợp một chị bị nuốt thẻ ATM - khi đưa thẻ vào máy không rút được tiền mà bấm Cancel thẻ vẫn nằm im trong máy, trong lúc chủ thẻ đang cần tiền gấp để trả nợ hay đi mua sắm gì đó. Chị bảo “thật tức ói máu”! Nhưng ngậm đắng nuốt cay nhất là bị mất sạch tiền trong tài khoản thẻ mà mình chưa hề rút! Phải tốn biết bao thời gian tới lui làm việc với ngân hàng để truy ra số tiền mất, rất nhiêu khê. Có khi phải nhờ đến sự can thiệp của công an có nghiệp vụ chuyên môn hỗ trợ thì may ra mới lấy lại được tiền.

Theo PH.Đ.NGUYÊN CHƯƠNG

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên