MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Australia chi 186 tỷ USD cho quốc phòng để chuẩn bị trước "một thế giới nguy hiểm"

02-07-2020 - 13:22 PM | Tài chính quốc tế

Chính phủ Australia sẽ chi 186 tỷ USD cho quân đội nước này trong thập kỷ tới, trong đó bao gồm chi phí mua tên lửa tầm xa, nhằm tăng cường phòng thủ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Phát biểu tại Học viện Quốc phòng Australia tại Canberra, Thủ tướng Scott Morrison cho biết quốc gia này đang phải đối mặt với tình hình quốc tế khó khăn nhất kể từ thời điểm dẫn đến Thế chiến 2. "Chúng ta cần chuẩn bị cho một thế giới hậu Covid-19, nơi mà nghèo hơn nhưng lại nguy hiểm và mất trật tự hơn", ông Morrison nói.

Trong khi tránh liên kết trực tiếp việc tăng chi tiêu cho quốc phòng của Australia với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc, ông Morrison nêu tên một số khu vực đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như căng thẳng ở khu vực biên giới Hymalaya với Ấn Độ, biển Đông và biển Hoa Đông.

Thủ tướng Morrison nhận định rằng "nguy cơ từ những tính toán sai lầm và thậm chí là xung đột" đang gia tăng trong khu vực gọi là Ấn Độ - Thái BÌnh Dương và là "trọng tâm chống lại sự thống trị toàn cầu trong thời đại của chúng ta".

Trước động thái mới của Chính phủ, ông Rory Medcalf, người đứng đầu Đại học An ninh Quốc gia thuộc trường Đại học Quốc gia Australia, nói rằng chiến lược mới nhằm chuẩn bị cho tương lai bị chi phối bởi một Trung Quốc đang ngày càng hung hăng và một đối tác Mỹ ngày càng ít đáng tin cậy.

Cụ thể, Australia sẽ tăng chi tiêu cho quốc phòng thêm 40% trong 10 năm tới. Việc tăng mạnh ngân sách giúp tăng khả năng tự vệ của Australia thông qua các lực lượng hải quân và không quân được trang bị tốt hơn. Australia cũng xây thêm kho dự trữ đạn dược và khả năng tích trữ nhiên liệu.

Australia chi 186 tỷ USD cho quốc phòng để chuẩn bị trước một thế giới nguy hiểm - Ảnh 1.

Thủ tướng Australia Scott Morrison vừa tuyên bố chi 186 tỷ USD cho quốc phòng trong thập niên tới.

Ước tính, 800 triệu USD sẽ được Hải quân dành cho việc mua tên lửa chống hạm tầm xa AGM-158C của Mỹ. Đây là loại tên lửa có tầm bắn lên tới 370 km. Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ triển khai mạng lưới vệ tinh của riêng mình, giảm thiểu sự phụ thuộc vào Mỹ đồng thời tăng cường hệ thống radar của mình ở miền đông đất nước.

"Điều đó có nghĩa rằng Chính phủ Australia sẽ giám sát sự gia tăng hiện diện quân sự của Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi phía đông đất nước tại Nam Thái Bình Dương", ông Medcalf, cố vấn Sách trắng Quốc phòng năm 2016 của Australia, cho biết.

Tháng trước, Australia cũng đã ký 2 hiệp định quân sự song phương với Ấn Độ, động thái nhằm "làm sâu sắc thêm mối quan hệ quốc phòng" giữa 2 nước. Các thỏa thuận này diễn ra khi Trung Quốc có cách tiếp cận ngày càng hung hăng trong khu vực, tuyên bố chung của 2 quốc gia nêu rõ.

Hiện tại, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đang ở mức căng thẳng mới. Việc quốc gia Châu Đại dương kêu gọi điều tra toàn diện về virus corona đã dẫn tới các hành động đáp trả của Trung Quốc, bao gồm đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu của nước này. Tuy nhiên, không có dấu hiệu cho thấy Australia sẵn sàng nhượng bộ.

Trở lại với việc tăng cường khả năng quân sự của Australia, một số chuyên gia cho rằng điều này có thể gây mất ổn tình hình trong khu vực, đặc biệt là với các nước láng giềng xung quanh. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có thể tiến hành các biện pháp đáp trả khác nhằm vào quốc gia châu Đại dương này.

Tham khảo: CNN

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên