MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bà mẹ Hà Nội thu nhập 70 triệu/tháng lên mạng xin bí quyết tiết kiệm, nhiều người giật thột: Chị có biết mình đang dạy con vô ơn không?

23-07-2024 - 11:30 AM | Lifestyle

"Sống cho hiện tại liệu có sai không?" - Bà mẹ này thắc mắc.

Đầu tư cho con cái đến đâu là đủ? Sống cho hiện tại liệu có sai không?

Đây là thắc mắc của một bà mẹ ở Hà Nội về chuyện nuôi dạy con cái và chi tiêu trong gia đình. Dù bài đăng của chị nhằm mục đích xin bí quyết tiết kiệm, tuy nhiên cuối cùng lại thổi bùng lên tranh cãi về việc nuôi dạy con.

Người mẹ này cho biết, các con nhà mình đều sinh ra ở bệnh viện quốc tế vì chị sợ viện công, "nếu đẻ viện công thì mình sẽ không có động lực đẻ". Con của chị cũng học trường tư, vì theo quan điểm của chị đây là môi trường giáo dục phù hợp với nhu cầu của gia đình, các con được học tập ít áp lực, có nhiều cơ hội để phát triển sở thích, năng khiếu.

Bà mẹ Hà Nội thu nhập 70 triệu/tháng lên mạng xin bí quyết tiết kiệm, nhiều người giật thột: Chị có biết mình đang dạy con vô ơn không?- Ảnh 1.

Chia sẻ của người mẹ nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Chị không tích luỹ mua nhà mà ở nhà thuê tháng 15 triệu để các con được ở thoải mái, rộng rãi. Chị gần như rất ít nhu cầu mua sắm, tiêu pha cho bản thân, nhưng bị cuồng mua đồ cho con. Các con thích gì chị cũng sẽ mua, hoặc bản thân chị thích mua gì cho các con thì không thể dừng được. Bà mẹ này cũng thích đưa các con đi du lịch, và đã đi là phải ở những nơi sang xịn mịn, vì đơn giản là các con rất thích và đã quen như vậy từ bé. Tuỳ từng thời điểm, có những năm nhà chị tháng nào cũng đi, tuỳ xa gần. Năm ít hơn thì cũng cố đi 3-5 lần là tối thiểu.

"Nói chung mình khá "enjoy" với cuộc sống, mình cũng khá cuồng con, điều mình mong nhất là các con luôn được đủ đầy, hạnh phúc, được vui chơi, trải nghiệm thật nhiều. Vì mình luôn tâm niệm tuổi thơ của các con chỉ có một, và đây cũng là lúc các con cần bố mẹ nhất. Trộm vía thì đến thời điểm này các bé cũng rất ngoan", chị nói.

Bà mẹ Hà Nội thu nhập 70 triệu/tháng lên mạng xin bí quyết tiết kiệm, nhiều người giật thột: Chị có biết mình đang dạy con vô ơn không?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, những năm gần đây thu nhập của chị (khoảng 50-70 triệu/tháng) chỉ đủ để phục vụ cho những nhu cầu nói trên, không có tích luỹ cá nhân. Chị chỉ có 1 khoản tích luỹ từ những năm trước đó, thi thoảng tiêu quá tay sẽ bị "lấn" vào.

Hai vợ chồng chị độc lập kinh tế, chồng có nguồn tích luỹ riêng. Chị luôn nghĩ rằng nếu có vấn đề phát sinh thì chồng sẽ lo. Nhưng chị cũng thắc mắc, liệu như thế có phải mình đang đặt gánh nặng lên vai chồng không? Liệu chị có cần học cách sống tiết kiệm hơn không? Và các con đang quen sướng như thế giờ thay đổi có khổ thân các con không?

Chị cho biết tâm lý mình lúc nào cũng sợ con khổ, luôn có cảm giác xót con khi con thế này thế kia.

"Đừng dạy con thành những đứa trẻ vô ơn"

Nhiều người cho rằng, tiêu xài ra sao, dùng dịch vụ bình thường hay sang xịn mịn là quan điểm sống của mỗi người, không có đúng sai. Nếu nguồn thu nhập của gia đình ổn định lâu dài thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, tạo điều kiện cho các con môi trường tốt nhưng cũng phải giáo dục và tập cho con hiểu là cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng. Đến khi có chuyện khó khăn xảy ra con có chịu khổ được không hay quay ra oán trách cha mẹ không đáp ứng được yêu cầu của mình?

Sự nuông chiều quá đáng của cha mẹ sẽ tạo ra những đứa trẻ vô ơn. Nếu mẹ đáp ứng hết tất cả yêu cầu của con, đến một lúc nào đó không còn sức chạy theo những đòi hỏi của con nữa, con sẽ trách bố mẹ. Ai cũng yêu con, thương con, nhưng hãy tạo cho con tính tự lập và sống không lãng phí.

Nhiều người cho biết, họ chỉ đáp ứng các nhu cầu cơ bản cho các con trong sinh hoạt hằng ngày, thi thoảng sẽ cho con hưởng thụ 1 chút nhưng cũng trong giới hạn nhất định. Bởi, họ quan niệm rằng con cần phải biết cuộc sống cũng cần khổ cực mới kiếm được tiền và biết trân quý những gì cha mẹ phải bỏ sức ra mới có được. Cuộc đời thì luôn có những khó khăn, thử thách. Nếu chiều theo yêu cầu của con quá, sợ con sẽ mất khả năng đương đầu với những khó khăn sau này.

Một phụ huynh kể, họ sinh ra trong gia đình khá giả, cũng có thể gọi là giàu có. Bố mẹ từ bé cũng không để con thiếu gì nhưng đồng thời luôn dạy con tiết kiệm và quản lý tài chính. Vì thế, mặc dù thừa tiền nhưng thời thanh niên thích trải nghiệm, có lúc họ tiêu tiền thoải mái nhưng cũng có lúc tiết kiệm từng đồng ăn gói xôi, di du lịch bụi.

"Mình cảm ơn cả lúc sung sướng lẫn "nghèo khó" mà mình từng trải qua để có mình của ngày hôm nay. Mình tự tin không phải nhờ gia đình mà nhờ chính bản thân mình. Dù đen đủi nhà có phá sản không còn xu nào mình vẫn tự tin ở bản thân có thể làm lại. Theo mình cách dạy con tốt nhất là không để con thấy rằng "mọi thứ con không cần nỗ lực cũng sẽ có" và  mọi thứ dù con nỗ lực cũng sẽ không bao giờ có", người này nói.

Chưa kể, nhiều người cho rằng, rủi ro lớn nhất khi không có tiết kiệm là sức khoẻ có vấn đề, đặc biệt gặp bệnh nan y hay tai nạn! Khi có con, nuôi con là 1 chặng đường dài. Đồng ý là dành thời gian cho con, cho con trải nghiệm nhưng cũng cần dạy con cách thích nghi, vào bầu thì tròn - vào hộp thì vuông. Đời đâu phải toàn ngày nắng. Tiếp tục vậy sẽ làm con bạn nghĩ cuộc sống sung sướng của chúng nó là bình thường, và trách nhiệm của ba mẹ là cho chúng nó tiếp tục sống "bình thường".

Người ta vẫn thường nói, đau khổ nhất không phải sinh ra với đôi mắt mù loà, mà là đang nhìn sáng rõ đột nhiên mù, vì khi đó con người mới thấm nhất mình mất đi những gì. Khi thu nhập giảm, không thể tiếp tục sống như thế, không loại trừ khả năng con cái sẽ thấy đau khổ khi phải chịu đựng căn phòng nhỏ, lớp học ồn ào đầy mùi mồ hôi và ẩm mốc, khoác lên mình bộ quần áo rẻ tiền, và đó là lúc chúng nó oán trách các bạn, những ông bố bà mẹ đáng ra phải tiếp tục cố gắng để chúng nó được sống "bình thường" như trước.

Tuổi trung niên của con còn là tuổi già của bố mẹ, là tuổi thơ của các cháu, nếu cứ vui chơi tận hưởng, không biết đến môi trường áp lực thì sau này có chống đỡ nổi sự khắc nghiệt của cuộc đời không? Tìm cách cân bằng cả sự thoải mái lẫn rèn luyện cho con mới là sáng suốt.

Trước góp ý của nhiều người, bà mẹ này cho biết, về lý thuyết thì chị chưa biết dạy con thích nghi như thế nào. "Đời có thể không toàn ngày nắng, nhưng hiện tại thì chưa đến ngày mưa", chị nói.

Theo Hiếu Đan

Phụ nữ mới

Trở lên trên