Bậc thầy y học cổ truyền Trung Quốc thọ 103 tuổi, thích dùng 2 món, làm 5 việc để tăng tuổi thọ
Bác sĩ Lộ Chí Chính sống thọ 103 tuổi, được mệnh danh là bậc thầy Y học cổ truyền Trung Quốc từng chia sẻ 7 bí quyết giúp ông tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.
- 05-02-2024Bác sĩ Y học cổ truyền Trung Quốc 90 tuổi vẫn làm việc: Thường ăn 1 món, chăm làm 3 việc để trường thọ
- 06-11-20236 thực phẩm được y học cổ truyền Ấn Độ mệnh danh là "hương vị cuộc sống", nuôi dưỡng não cực tốt
- 06-07-2023Bậc thầy y học cổ truyền sống thọ 103 tuổi: Bí quyết từ sở thích ăn 3 loại cá rất quen thuộc
Bác sĩ Lộ Chí Chính (1920-2023), sống thọ 103 tuổi, được mệnh danh là bậc thầy Y học cổ truyền Trung Quốc, ông là chuyên gia y học lâm sàng, tham gia nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị nhiều vấn đề sức khỏe như dạ dày, xương khớp, tim mạch, bệnh hô hấp, tiểu đường,... Ông từng làm việc tại Bệnh viện Quảng An Môn thuộc Viện Khoa học Y học Trung Quốc.
Được biết, thời điểm bác sĩ Lộ ngoài 80 tuổi, ông vẫn sở hữu sức khỏe dồi dào. Ông thậm chí còn tiếp tục làm việc ở tuyến đầu, chẩn đoán và điều trị cho nhiều bệnh nhân dù đã cao tuổi.
Trong một buổi chia sẻ vào vài năm trước, bác sĩ Lộ cho biết bí quyết chăm sóc sức khỏe của ông rất đơn giản, cũng chẳng tốn kém, hầu hết ai cũng có thể làm được. Bác sĩ Lộ cho biết ông thường xuyên dùng 2 món và làm 5 việc để tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.
Bác sĩ Lộ thích dùng 2 món
1. Thích ăn gừng
Bác sĩ Lộ từng chia sẻ gừng là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, ông đã duy trì thói quen ăn 2-3 lát gừng ngâm giấm vào mỗi sáng trong suốt hơn 40 năm.
Bác sĩ Lộ cho biết ông thường cắt lát gừng và ngâm trong giấm gạo hoặc giấm balsamic trong một tuần, sau đó mỗi ngày ăn vài lát vào buổi sáng.
Các nghiên cứu và chuyên gia y tế trên thế giới cũng nhận định rằng gừng là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Theo đó, gingerol - hợp chất trong gừng - có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả.
Trên thực tế, một bản đánh giá dựa trên 9 nghiên cứu khác nhau về gừng cho thấy sử dụng 1-3g gừng mỗi ngày trong 12 tuần làm giảm mức độ protein phản ứng C (CRP) trong cơ thể - một dấu hiệu của tình trạng viêm.
Ăn vài lát gừng mỗi ngày có thể giúp củng cố hệ miễn dịch bằng cách giảm tình trạng viêm mạn tính.
Nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ gừng với liều lượng 2–6 gam hàng ngày có thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tim mạch. Thêm gừng vào chế độ ăn uống có thể giúp hạ huyết áp; giúp ngăn ngừa các cơn đau tim; giúp giảm cholesterol và phòng ngừa hình thành cục máu đông; cải thiện lưu thông máu.
Một nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng gừng có thể giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể bằng cách tăng sinh nhiệt của cơ thể giúp đốt cháy chất béo; tăng cường phân hủy chất béo; ức chế lưu trữ chất béo; ức chế quá trình hấp thu chất béo và giúp kiểm soát sự thèm ăn.
Gừng cũng giúp cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 và béo phì bằng cách giảm mức insulin lúc đói, giảm huyết sắc tố A1C (Hemoglobin A1C là dấu hiệu cho biết lượng đường trong máu trong 2-3 tháng) và giảm chất béo trung tính.
2. Thích uống trà
Bác sĩ Lộ từng chia sẻ ông duy trì thói quen uống 3 tách trà mỗi ngày. Ông thường uống trà xanh vào buổi sáng, trà ô long vào buổi chiều và trà Phổ nhĩ vào buổi tối.
Tuy nhiên vị chuyên gia cũng lưu ý rằng khi sử dụng trà, trà không được pha quá đặc, vì trà đặc chứa nhiều axit tannic và không phù hợp với người già.
Trà chứa polyphenol, caffeine, theanine và các chất có lợi cho sức khoẻ khác. Đây là hợp chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như giảm viêm và giúp chống lại bệnh ung thư.
Đặc biệt, trà xanh có chứa catechin gọi là EGCG. Catechin là chất chống oxy hóa tự nhiên giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào do các gốc tự do trong cơ thể gây ra, từ đó giúp phòng ngừa bệnh mạn tính hiệu quả và kéo dài tuổi thọ.
Bác sĩ Lộ thường làm thêm 5 việc để tăng cường sức khỏe
1. Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh
Bác sĩ Lộ rất chú trọng đến chế độ ăn uống. Ông thường ăn món ít gia vị, dầu mỡ, ăn đa dạng dinh dưỡng. Ông không kiêng hoàn toàn thịt mà ăn sự kết hợp ăn cân bằng cả thịt, cá và rau củ quả.
Chuyên gia Lộ cũng thường xuyên ăn ngũ cốc nguyên hạt 2 lần/tuần để bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Bác sĩ Lộ cũng chú trọng đến thói quen khi ăn, mỗi bữa ông chỉ ăn vừa đủ no, không ăn quá nhiều. Vị chuyên gia cho rằng ăn quá no sẽ dễ làm tổn thương lá lách và dạ dày, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
2. Chú trọng rèn luyện cơ thể
Bác sĩ Lộ từng chia sẻ hàng ngày ông đều tập các bài tập giãn cơ và xương khớp.
Ví dụ trong khoảng thời gian nghỉ giữa các ca khám bệnh, chuyên gia Lộ cũng sẽ tranh thủ vận động cơ thể, vươn vai giãn cơ. Những lúc rảnh rỗi, bác sĩ Lộ cũng sẽ ra ngoài đi dạo để tăng cường sức khỏe.
3. Chải đầu kết hợp massage 2 lần/ngày
Bác sĩ Lộ duy trì thói quen chải đầu kết hợp massage da đầu 2 lần/ngày vào buổi sáng sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ vào buổi tối, mỗi lần 10 phút.
Chuyên gia Lộ cho biết việc chải đầu giúp thúc đẩy quá trình lưu thông máu, có thể giúp đầu óc tỉnh táo vào buổi sáng. Ngoài ra, thói quen chải đầu vào buổi tối có thể giúp thư giãn, có lợi cho giấc ngủ.
4. Ngâm chân trước khi đi ngủ
Bác sĩ Lộ có thói quen ngâm chân nước ấm trước khi đi ngủ. Ông thường thêm một số vị thuốc bắc hoặc ngải cứu, nghệ tây vào nước để ngâm chân.
Chuyên gia Lộ cho rằng ngâm chân trước khi đi ngủ có thể làm dịu nội tạng, điều hòa hệ tuần hoàn, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, giải tỏa căng thẳng và giúp dễ ngủ hơn.
5. Xoa bụng
Bụng là nơi tập trung nhiều cơ quan quan trọng của cơ thể như gan, thận, dạ dày, ruột, túi mật cùng nhiều kinh mạch khác nhau. Theo Đông y, thường xuyên xoa bụng có thể thúc đẩy khí huyết lưu thông, bồi bổ ngũ tạng. Xoa bụng cũng giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn, giảm đầy hơi, chướng bụng, phòng ngừa táo bón, giúp cơ thể nhanh chóng đào thải các chất độc hại ra bên ngoài.
Bác sĩ Lộ từng chia sẻ phương pháp xoa bụng mà ông áp dụng trong nhiều năm. Trước tiên ông sẽ xoa lòng bàn tay vào nhau cho ấm, sau đó đặt tay phải vào rốn, lấy rốn làm trung tâm bắt đầu dùng 2 tay xoa bụng theo chiều kim đồng hồ, massage dần dần ra toàn bộ vùng bụng, sau đó massage thu hẹp vào gần phía rốn.
Đời sống & pháp luật