MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bãi bỏ điều kiện khuyến khích mua bán nợ

28-07-2018 - 20:55 PM | Tài chính - ngân hàng

Dù không lấy ý kiến doanh nghiệp trong việc rà soát, sửa đổi điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng cuối tuần qua, Phòng Thương mại mại-Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vẫn có văn bản gửi NHNN đề nghị bổ sung quy định bỏ hoàn toàn các điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ mua bán nợ tại Nghị định 69/2016/NĐ-CP vào bản dự thảo nghị định sửa đổi các ĐKKD mà NHNN đang dự thảo.

Lý do trong bối cảnh Chính phủ đang thúc đẩy cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa về ĐKKD và danh mục tại Luật Đầu tư là danh mục ngành nghề mà Chính phủ có thể quy định ĐKKD chứ không phải bắt buộc phải quy định về ĐKKD.

Đặt DDKKD là chưa phù hợp

Một cán bộ của Ban Pháp chế (VCCI), cho biết, tại thời điểm xây dựng Nghị định 69, VCCI đã nhiều lần có ý kiến về việc không nên xác định dịch vụ mua bán nợ là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Bởi lẽ, theo Điều 7.1 Luật Đầu tư 2014, ĐKKD được áp dụng đối với các ngành nghề nhất định “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng”.

Đối với “dịch vụ mua bán nợ”, ban soạn thảo chưa chỉ ra được mối liên quan nào giữa hoạt động kinh doanh này với những mục tiêu công cộng cần phải bảo vệ thông qua các điều kiện kinh doanh như liệt kê tại Luật Đầu tư (cả dịch vụ mua bán nợ hoặc một số hoạt động nào đó trong dịch vụ mua bán nợ).

Mua bán nợ là giao dịch trong đó các quyền và nghĩa vụ đối với một khoản nợ được chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác. “Nợ” trong trường hợp này bao gồm tất cả các khoản nợ hình thành trong các giao dịch khác nhau, và vì thế trong giao dịch mua bán nợ, đây chỉ là một loại “hàng hóa” để mua bán thông thường. Chủ thể của giao dịch mua bán nợ trong trường hợp này có thể là bất kỳ chủ thể kinh doanh nào (trừ các chủ thể chuyên nghiệp như các tổ chức tín dụng, các công ty chứng khoán…đã được loại trừ).

Toàn bộ giao dịch không làm thay đổi nghĩa vụ trả nợ hay khoản nợ, mà chỉ thay đổi chủ thể thực hiện nghĩa vụ đó. Như vậy, cả chủ thể giao dịch lẫn đối tượng giao dịch đều không có ảnh hưởng nào tới các lợi ích công cộng được liệt kê trong Điều 7.1 Luật Đầu tư.

Trường hợp một chủ thể chuyên kinh doanh hoạt động mua bán nợ (thực hiện thường xuyên, liên tục các giao dịch mua bán nợ) thì hoạt động của chủ thể này cũng chỉ là gia tăng tần suất các giao dịch, còn trong tổng thể thì tác động của các hoạt động mua bán nợ của các chủ thể chuyên kinh doanh hoạt động mua bán nợ đối với các lợi ích công cộng cũng không thay đổi.

Ngoài ra, cần chú ý rằng trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư thì ngành nghề kinh doanh liên quan là “dịch vụ mua bán nợ” chứ không phải hoạt động mua bán nợ (kể cả khi hoạt động này được thực hiện với tần suất cao, bởi chủ thể chuyên trực tiếp thực hiện việc mua bán nợ – ở đây không có “dịch vụ” nào được cung cấp, mà chỉ có việc mua bán trực tiếp giữa các chủ thể).

Liên quan tới giao dịch mua bán nợ, có thể có một số hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp như: dịch vụ môi giới mua bán nợ, dịch vụ sàn giao dịch mua bán nợ và dịch vụ tư vấn mua bán nợ… Các hoạt động này giúp cho việc thúc đẩy và tăng hiệu quả của các hoạt động mua bán nợ, và là hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp của các chủ thể nhất định nhằm thu lợi nhuận. Và vì vậy đây có thể coi là ngành nghề kinh doanh “dịch vụ mua bán nợ”.

Tuy nhiên, bản thân các dịch vụ này chỉ giúp hỗ trợ cho giao dịch mua bán nợ, và khi giao dịch mua bán nợ không ảnh hưởng gì tới lợi ích công cộng thì các dịch vụ hỗ trợ giao dịch mua bán nợ cũng không có khả năng tác động tới các lợi ích công cộng.

Từ các lập luận trên, theo VCCI, việc coi “dịch vụ mua bán nợ” là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện dường như là chưa phù hợp với tinh thần của Luật Đầu tư năm 2014, đặc biệt liên quan tới hoạt động mua bán nợ.

Nên hạn chế hay khuyến khích hoạt động mua bán nợ?

“Nợ” là loại hàng hóa đặc biệt và không phải ai cũng muốn mua vì thực tế chỉ ra rằng, đòi nợ chưa khi nào là dễ dàng. Vì vậy, việc một chủ thể đứng ra chấp nhận mua một khoản nợ, chấp nhận những rủi ro về mình (có thể không đòi được nợ, phát sinh những tranh chấp từ khoản nợ) thì tại sao lại phải ràng buộc quá nhiều điều kiện để họ có thể mua được khoản nợ đó? Hơn nữa, dưới góc độ thị trường cần các chủ thể mua những khoản nợ để khơi thông các dòng vốn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung.

Theo VCCI, hiện Chính phủ đang thúc đẩy cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa về ĐKKD thì nên bỏ hoàn toàn quy định ĐKKD tại Nghị định 69. Trường hợp hiểu rằng danh mục tại Luật Đầu tư là danh mục bắt buộc phải quy định ĐKKD thì cần kiến nghị loại bỏ hoạt động này ra khỏi danh mục và sửa đổi các quy định về ĐKKD đối với dịch vụ này theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Cụ thể, đó là bỏ điều kiện “có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 100 tỷ đồng”. Bởi lẽ, hoạt động dịch vụ này không có tính đặc thù về vốn pháp định. Hơn nữa, điều kiện về vốn với mức vốn quá lớn như vậy là cản trở rất lớn đối với các doanh nghiệp muốn tham gia vào lĩnh vực này.

Điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch nợ cũng tương tự như trên, đề nghị bỏ các điều kiện về “có mức vốn điều lệ, vốn đầu tư tối thiểu là 500 tỷ đồng”; “Đã hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ ít nhất 1 năm và mức doanh thu hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ của năm liền kề trước năm thực hiện kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch tối thiểu là 500 tỷ đồng”…

Theo Quang Minh

Sài Gòn Đầu Tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên