MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Bài toán khó' công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ cho rằng chính sách trợ giúp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam như "sữa hiếm" còn "bình" thì treo cao.

Sau 3,5 năm Nghị định Hỗ trợ Doanh nghiệp hỗ trợ có hiệu lực, cả nước có 35 doanh nghiệp trong danh sách được hưởng ưu đãi. Con số được ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cập nhật tại Tọa đàm trực tuyến “Hóa giải thách thức cho Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” do báo Vietnamnet tổ chức ngày 29/6.

Ông Tuấn Anh cho rằng đây không phải con số nhỏ nếu so với việc chỉ có 1 doanh nghiệp sau quyết định hỗ trợ ngành này từ năm 2012.

Bài toán khó công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Ảnh 1.

Công nhân tại một nhà máy của Trường Hải. Ảnh: Thanh Niên.

"Tuy không tương xứng với số lượng doanh nghiệp hiện nay nhưng thể hiện sự thông thoáng, minh bạch trong cấp ưu đãi", Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp nhận định. Nêu ví dụ về việc các doanh nghiệp xơ sợi, điện tử... tăng lên con số 300, tỷ lệ nội địa hóa cao hơn, ông Tuấn Anh cho rằng chính sách hỗ trợ công nghiệp Việt Nam đang thuận lợi.

Đề xuất hỗ trợ về cơ chế

Phản biện quan điểm văn bản hỗ trợ đã đủ của ông Tuấn Anh nêu, ông Phan Đăng Tuất, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, cho rằng "đủ về cấp độ văn bản nhưng hình dáng chưa đủ". Ông Tuất cho rằng Việt Nam cần có những chính sách sắc sảo hơn.

Ví dụ vui việc hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ Việt Nam như người lớn trao giải cho đứa trẻ 1 tuổi chạy đến lấy phần thưởng, ông Tuất cho rằng rất ít đứa bé 1 tuổi đạt được. "Sữa đã hiếm còn treo bình quá cao", ông Tuất ví von.

Không chờ đợi hỗ trợ tiền từ Chính phủ, các doanh nghiệp công nghiệp chế tạo mong muốn có cơ chế để được "chơi".

Bài toán khó công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Phan Đăng Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Ảnh: Vietnamnet.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ nêu ví dụ với chính sách 8 chữ vàng của Hàn Quốc có nghĩa "Cấm tất cả các tập đoàn lớn làm chi tiết nhỏ".

Chỉ thị của Tổng thống Hàn Quốc nêu rõ 6 doanh nghiệp lớn không được làm 1.300 chi tiết. Như vậy, thị trường có 1.300 cơ hội. Sau 3 năm, Hàn Quốc có hàng ngàn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ra đời.

Năm 1957, Nhật Bản đưa 3 đạo luật hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ. "Trong đó, 5 trang nêu rõ Chính phủ chia bao nhiêu vạn yen, 40 người thuộc những Bộ nào, làm những việc gì", ông Tuất nói và cho rằng Chính phủ phải hỗ trợ bằng tất cả nguồn lực, thông tin có thể có mới có được cuộc chơi cho doanh nghiệp.

Theo ông, một số nghị định hỗ trợ sẽ không hiệu quả. Công nghiệp hỗ trợ cần một luật riêng. Bởi các nghị định, chỉ thị cho công nghiệp hỗ trợ hiện vẫn dưới sự điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư...

Thời kỳ đầu, Thái Lan tập trung phát triển ngành chuyên sâu ngành nhựa. Ông Tuất nhận định, chính sách của Chính phủ cần tham gia sâu định hướng, thay đổi tư duy các doanh nghiệp như vậy. Bước đầu doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ chỉ có thể tham gia vào nhóm hỗ trợ thứ 3 cho các tập đoàn công ty lớn với những chi tiết linh kiện chưa quá quan trọng, thay vì tham vọng làm nhà cung ứng cấp 1 những chi tiết mật thiết với sản phẩm hoặc cấp 2 những chi tiết có giá trị lớn.

Ông Tuất cũng nêu một số ví dụ khác về ưu đãi tiền sử dụng đất, áp dụng chế độ thuế tự nguyện chỉ thu cho tới khi các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có lãi.

Hỗ trợ người thắng cuộc

Ông Phạm Tuấn Anh cho biết hiện có các hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp cho các đơn vị này. Bộ Công Thương cũng đang đề xuất với Bộ Tài chính sửa đổi để hỗ trợ một số khoản thuế như ưu đãi linh kiện sản xuất trong nước.

Ông Tuấn Anh cho chia sẻ, Bộ Công Thương đang hỗ trợ cho doanh nghiệp về quản trị, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư và thị trường.

Bài toán khó công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Ảnh 3.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương. Ảnh: Vietnamnet.

Tuy nhiên ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng ưu tiên phản triển thị trường quan trong hơn. Chính phủ có thể dành việc mua sắm công cho các ôtô sản xuất tại Việt Nam thay vì nhập khẩu để tăng cầu, từ đó, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển.

Thay vì hỗ trợ từ ngọn, ông Cung cho rằng cần hỗ trợ nền tảng, môi trường kinh doanh. "Doanh nghiệp chưa đủ môi trường hấp dẫn ổn định để đầu tư dài hạn, quy mô lớn, công nghệ cao", ông Cung nói.

Theo Viện trưởng CIEM, mấy chục năm qua công nghiệp hỗ trợ chưa thành công. "Chúng ta phải làm khác và hiện nay biết cách làm khác rồi". Ông Cung cho rằng cần xây dựng nền tảng chung và nền tảng riêng. Trong đó, nền tảng riêng phải đồng bộ với nền tảng chung, tức cần phải có luật, sau đó phân chia thành các vấn đề như ông Tuất nêu.

Vị chuyên gia khuyến nghị nên tìm cách hỗ trợ người thắng cuộc trên thị trường thay vì tìm những đơn vị được tin rằng có thể thắng cuộc. "Nhà nước có thể định hướng nhưng tư nhân có vai trò quyết định, dẫn dắt bởi thị trường", ông Cung nói.

Trước những ý kiến của hiệp hội và chuyên gia kinh tế, đại diện Bộ Công Thương cho hay cập nhật bổ sung chính sách phù hợp với tình hình hiện nay.

Cụ thể hơn, Bộ sẽ xem xét hỗ trợ cụ thể hơn danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, Bộ xem xét kỹ thị trường cần gì, doanh nghiệp cần hỗ trợ ra sao. "Thủ tục ưu đãi đầu tư hiện đơn giản rồi nhưng cần đơn giản hơn nữa", ông Tuấn Anh nói.

Theo Nam Anh

Người đồng hành

Trở lên trên