MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bản đồ năng lượng châu Âu thay đổi khi giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga

09-10-2024 - 21:42 PM | Tài chính quốc tế

Mặc dù khí đốt Nga quá cảnh qua Ukraine chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu khí đốt của EU vào năm 2023 nhưng việc dừng các đường ống này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến một số thị trường ở Trung và Đông Âu cũng như Moldova.

Nhiều quan chức châu Âu cho rằng đã đến lúc thay thế các hợp đồng khí đốt với Nga khi một thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD duy trì khí đốt Nga chảy qua Ukraine vào châu Âu hết hạn vào cuối năm nay.

Theo Politico, dữ liệu cho thấy nhìn chung EU có thể tìm kiếm khí đốt ở những nơi khác. Tuy nhiên, với một vài quốc gia, chủ yếu là Áo, Slovakia và Hungary, khả năng này có thể tạo nên tình thế tiến thoái lưỡng nan tốn kém.

Không giống như phần lớn EU, 3 nước này chưa thể từ bỏ hoàn toàn khí đốt Nga. Vì những lý do chính trị và thực tế, mỗi quốc gia vẫn duy trì mối quan hệ về năng lượng với Moscow nhằm đạt được lợi ích về chi phí trong quá trình này. Đường ống dẫn khí qua Ukraine đã đóng vai trò quan trọng. Với việc đường ống đó đang bị cắt giảm, 3 nước này có thể sẽ sớm cần giải pháp thay thế. Mặc dù vẫn còn các lựa chọn nhưng bất kỳ thay đổi nào đều sẽ phải tốn thêm chi phí.

Bản đồ năng lượng châu Âu thay đổi khi giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Politico đã phân tích sự thay đổi của thị trường năng lượng châu Âu kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tiết lộ lý do tại sao họ không còn cần một đường ống từng rất quan trọng nhưng vẫn không thể thoát khỏi những chi phí tài chính khi chấm dứt dòng chảy này.

Bản đồ năng lượng đang thay đổi của châu Âu

Sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2/2022, sự phụ thuộc lớn của châu Âu vào khí đốt Nga đã trở thành vấn đề cấp bách khi Moscow cắt giảm khí đốt qua các đường ống Nord Stream và Yamal - Europe - hai đường ống năng lượng quan trọng với EU. Châu Âu đã nhanh chóng cân bằng lại. Các quốc gia ven biển đã xây dựng năng lực để tiếp nhận khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ những nơi như Mỹ, trong khi các hợp đồng mới đã được ký kết. Đến năm 2023, khí đốt qua đường ống của Nga chỉ chiếm 8% nhập khẩu năng lượng của EU, giảm so với mức hơn 40% vào năm 2021.

Tuy nhiên, một số đường ống vẫn tiếp tục hoạt động, trong đó có đường ống đi qua Ukraine và hoạt động theo hợp đồng trước xung đột. Đối với toàn bộ EU, chỉ khoảng 5% nhập khẩu khí đốt năm 2023 của liên minh đi qua đường ống ở Ukraine. Tuy nhiên, đối với Trung và Đông Âu, đây là đường ống rất quan trọng. Không giáp biển, các quốc gia này không dễ dàng chuyển sang nhập khẩu LNG và vẫn tiếp tục nhập khí đốt của Nga.

Samantha Gross, Giám đốc Sáng kiến An ninh Năng lượng và Khí hậu tại Viện Brookings cho biết: "Đây không phải là một phần lớn trong tổng nguồn cung khí đốt của châu Âu nhưng đây thực sự là nguồn cung quan trọng cho nơi nó đến".

Tròn 2 năm xung đột ở Ukraine nổ ra, Áo đã gây chú ý khi vẫn phụ thuộc vào 98% khí đốt của Nga, phần lớn lượng khí đốt này đi qua Ukraine. Slovakia cũng đã nhận được vài tỷ mét khối khí đốt qua đường ống trong khi Hungary tiếp nhận ít khí đốt của Nga hơn qua Ukraine nhưng lại phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Moscow nói chung.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế tuần trước cảnh báo khả năng đường ống đi qua Ukraine bị dừng hoạt động là một "sự bất ổn chính" với châu Âu trong mùa đông năm nay.

"Mặc dù khí đốt Nga quá cảnh qua Ukraine chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu khí đốt của EU vào năm 2023 nhưng việc dừng các đường ống dẫn khí quá cảnh này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến một số thị trường ở Trung và Đông Âu cũng như Moldova", cơ quan này cho hay.

Bản đồ năng lượng châu Âu thay đổi khi giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga- Ảnh 2.

Hưởng lợi từ khí đốt của Nga

Hiện tại, các nước EU phụ thuộc vào đường ống qua Ukraine về cơ bản đang nhận được khí đốt Nga với giá rẻ nhất có thể mà không phụ thuộc vào những bên trung gian bán lại với giá cao hơn. Tuy nhiên, nếu lượng khí đốt đó bị cắt giảm thì thay vì ở đầu đường ống, các nước này sẽ ở cuối đường ống. Việc bị đẩy xuống cuối đường ống sẽ là một bất tiện lớn. Châu Âu sẽ cần những hợp đồng mới, những tuyến đường mới được thiết kế cho LNG theo đường biển hoặc khí đốt theo đường ống từ các quốc gia khác để thay thế nguồn nhập khẩu bị mất từ Nga. Dù theo cách nào thì chi phí cũng sẽ rất lớn.

"Nếu khí đốt đó đi vào châu Âu là LNG thì gần như chắc chắn nó sẽ đắt hơn khí đốt của Nga. Lý do quan trọng khiến châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga qua đường ống ngay từ đầu là vì giá rẻ", ông Gross nói.

Đó là "vấn đề về giả cả hơn là vấn đề về khối lượng", Christoph Halser, một nhà phân tích khí đốt và LNG của RystadEnergy cho biết.

Các giải pháp được đề xuất

Slovakia và Áo đã tìm thấy các nguồn khí đốt thay thế thông qua các thỏa thuận với những nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Hungary có thể sẽ trì hoãn việc cắt giảm khí đốt Nga và tiếp tục phụ thuộc vào nguồn cung từ nước này qua Serbia. Tất cả các phương án thay thế đều đi cùng cái giá nhất định, dù là LNG đắt hơn hay trong trường hợp của Hungary là dựa vào một đường ống duy nhất. Tuy nhiên, dù theo cách nào thì khí đốt vẫn tiếp tục chảy.

Trong khi việc đóng cửa đường ống đi qua Ukraine được cảm nhận rõ nhất ở Trung và Đông Âu thì toàn bộ châu Âu có thể cảm thấy "hiệu ứng lan tỏa", ông Gross nói. Khi cơ sở hạ tầng khí đốt hiện tại hoạt động nhiều hơn, thị trường sẽ trở nên thắt chặt hơn và ít có khả năng xảy ra sai sót nếu có vấn đề về nguồn cung,

Đường ống dẫn khí qua Ukraine cũng có thể sẽ tiếp tục bơm khí đốt. Trong khi Kiev từ chối đàm phán gia hạn trực tiếp với Moscow thì các cuộc đàm phán đang được tiến hành với Azerbaijan để tiếp quản các hợp đồng.

Tuy nhiên, vẫn còn câu hỏi về việc liệu Azerbaijan có thể sản xuất đủ khí đốt để thay thế tất cả các mặt hàng xuất khẩu trước đây của Nga hay không - hay liệu nước này chỉ đóng vai trò trung gian, đổi tên "khí đốt Nga" thành "khí đốt Azerbaijan" trước khi vận chuyển nó qua đường ống đi qua Ukraine.

"Rất khó có khả năng bất kỳ loại khí đốt nào được bán dưới dạng có nguồn gốc từ Azerbaijan thực sự từ Azerbaijan", Aura Săbăduș, một chuyên gia về thị trường khí đốt tại công ty tình báo hàng hóa ICIS cho biết. Theo chuyên gia này: "Azerbaijan không có khả năng sản xuất để đáp ứng nhu cầu ở Nam, Trung và Đông Âu cũng như khó có thể được Nga cho phép sử dụng mạng lưới đường ống của mình để trung chuyển khí đốt. Dù vậy, thậm chí cả trong kịch bản đó, giá khí đốt có thể sẽ tăng nhẹ, và dĩ nhiên Nga vẫn sẽ hưởng lợi”.

Bản đồ năng lượng châu Âu thay đổi khi giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga- Ảnh 3.

Theo Kiều Anh

VOV

Trở lên trên