Băn khoăn tuổi nghỉ hưu: Bao nhiêu công nhân trực tiếp cầm được sổ hưu?
Nếu giảm thời gian đóng BHXH thì phải giảm cả tuổi nghỉ hưu.
- 07-05-2023Băn khoăn tuổi nghỉ hưu: Công nhân làm gì có của để dành?
- 03-05-2023Quy định tuổi nghỉ hưu hay số năm đóng BHXH tối thiểu?
- 21-03-2023Tuổi nghỉ hưu, lương hưu năm 2023 tăng như thế nào?
Trong Dự thảo BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu.
Trong chương trình đối thoại tháng về chủ đề BHXH ở TP HCM, nhiều cán bộ Công đoàn thẳng thắn chỉ ra lý do người lao động rút BHXH là do tuổi nghỉ hưu quá cao. Thực tế, rất nhiều người lao động đủ năm đóng BHXH nhưng chưa đủ tuổi nhận lương hưu và phải chờ lĩnh lương hưu quá lâu nên tranh thủ nghỉ việc để rút BHXH một lần.
Bạn đọc Đoàn Tuấn Khải đặt vấn đề: "38-42 tuổi nếu lĩnh lương có đủ sống không? Nếu người lao động còn sức khỏe, có việc làm phù hợp chẳng ai lại muốn lĩnh 45% lương đâu. Chẳng qua là hết cách rồi người lao động mới phải chịu thôi". Một bạn đọc tên Lan viết: "Chúng tôi là nhân viên kế toán khối doanh nghiệp nước ngoài. Tầm 45-50 tuổi là thấy oải rồi, mắt nhìn số má nhiều cũng mờ dần, tính chất công việc ngồi nhiều cũng khiến xương cốt suy giảm, công thêm áp lực công việc nhiều, chạy theo deadline cũng bở hơi, chưa kể các công ty nước ngoài luôn muốn nhân viên cập nhật công nghệ đổi mới trong công việc. Không biết đến 50 tuổi có đủ sức khoẻ mà cống hiến không, chắc chẳng công ty nào muốn nhận người mắt mờ, chân tay chậm nữa, chắc tìm lý do tiễn về chờ hưu sớm thôi". Bạn đọc Văn Tuấn chia sẻ: "Hãy nhìn vào thực tế đi, chẳng có công ty y nào nhận người 45 đến 62 tuổi cả. Công nhân tuổi nghỉ hưu nam 55, nữ 50 là được".
Theo nhiều bạn đọc, thực tế ngày nay có nhiều người lao động không muốn nghỉ hưu khi công việc của họ tốt, nhưng cũng có nhiều người lao động muốn được nghỉ hưu sớm do mệt mỏi, và cũng có nhiều người muốn làm việc tới hết 60 tuổi mới nghỉ. Do vậy hãy để người lao động tự chọn tuổi nghỉ hưu phù hợp với hoàn cảnh sức khỏe và kinh tế cho dù lương hưu của họ là bao nhiêu phù hợp với BHXH họ đã đóng là được.
Bạn đọc Võ Đình Vinh bày tỏ: "BHXH cần công bằng hơn. BHXH thì của nhà nước quản lý chung. Còn người tham BHXHthì chia ra làm hai loại. Loại 1 làm ở cơ quan thuộc công chức nhà nước, loại 2 làm ở ngoài nhà nước. Cách tính hưởng lương hưu hai loại này cũng khác nhau". Đồng quan điểm, bạn đọc Huy Hoàng góp ý: "Theo tôi nên xây dựng quy định tuổi nghỉ hưu cho từng đối tượng khác nhau, công nhân, lao động chân tay tuổi nghỉ hưu từ 50-55 tuổi". Bạn đọc Phan Nghĩa Đại chia sẻ:"Trên diễn đàn báo chí nào cũng thấy nêu cần trở lại tuổi hưu cũ (nam 60,nữ 55) gần cả chục hiệp hội ngành nghề kiến nghị, chưa thấy thống kê được bao nhiêu ngàn lao động đã nghỉ chờ tới tuổi hưu. Vậy mà mãi chẳng tìm ra giải pháp".
Theo bạn đọc Nguyễn Văn Dũng, ngành BHXH nên đặt mình vào người lao động thì mới thấy nổi khổ của họ. Tuổi 45 trở lên thì chân tay yếu hẳn rồi, sao có thể chờ 10-15 năm nữa để nhận lương hưu. Bạn đọc Nguyễn Như chất vấn: Thử hỏi công nhân như chúng tôi làm ca kíp 12 tiếng một ngày, trong điều kiện khói bụi, tiếng ồn lớn, liệu có trụ nổi đến 50 tuổi để cầm sổ hưu. Cơ quan soạn thảo nói giảm năm đóng BHXH tạo điều kiện cho người thăm gia muộn và không liên tục, thử hỏi có doanh nghiệp nào muốn nhận người khi đã có tuổi?.
Theo bạn đọc Lê Văn Sinh, nếu giảm thời gian đóng bhxh thì phải giảm cả tuổi nghỉ hưu. Chẳng hạn đủ 15 năm đóng bhxh và 55 tuổi với nam và 50 tuổi với nữ là được nghỉ hưu, còn ai có sức khỏe thì làm tiếp đóng tiếp thì hưởng thêm. Đó là phương án ưu việu nhất. Theo nhiều bạn đọc, nếu có quy định, có chính sách bảo đảm được việc làm cho người lao động đến 62 tuổi thì hãy quy định tuổi lĩnh lương hưu là 62 tuổi. Còn nếu không có chính sách bảo đảm được công việc thì không nên quy định cứng tuổi nghỉ hưu. Làm việc và nghỉ ngơi là quyền tự do của mỗi cá nhân.
nld.com.vn