Bảng Anh tăng mạnh, Yen Nhật và Bitcoin tiếp tục đi lên, vàng giảm cùng chứng khoán
USD giảm giá so với hầu hết các loại tiền tệ chủ chốt do bị áp lực bởi khả năng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể thay đổi chính sách và kết thúc kiểm soát đường cong lợi suất, là tiền đề để chuyển sang áp dụng lập trường chính sách tiền tệ thắt chặt hơn.
- 17-01-2023Bao giờ lãi suất hạ nhiệt?
- 17-01-2023Giá vàng đồng loạt quay đầu giảm
Đồng bảng Anh tăng giá mạnh nhất so với USD trong phiên vừa qua, đạt mức cao nhất trong vòng 5 tuần, sau khi dữ liệu cho thấy tốc độ tăng lương tăng nhanh trở lại ở Anh -vấn đề được Ngân hàng Anh theo dõi chặt chẽ để xác định sẽ tăng lãi suất đến mức nào.
Tuy nhiên, thị trường nhìn chung vẫn tập trung vào BOJ. Trong khi các ngân hàng trung ương khác đã tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, BOJ vẫn giữ lãi suất dài hạn quanh mức 0. Song gần đây, kỳ vọng của thị trường về sự thay đổi chính sách của ngân hàng này đã đẩy đồng yen Nhật tăng giá so với USD trong vài tuần qua. Kể từ ngày 6/1 đến nay yen đã tăng giá gần 5% so với đồng bạc xanh. Hoạt động mua đầu cơ tiền yen diễn ra mạnh mẽ khi thị trường tin rằng đã đến lúc Nhật Bản thay đổi hoặc chấm dứt kiểm soát đường cong lợi suất (YCC), đẩy lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản tăng vượt mức trần do BOJ đặt ra (là 0,5%), và số lượng mua trái phiếu đã tăng một cách đáng kinh ngạc.
Nếu ngân hàng trung ương Nhật Bản nới lỏng kiểm soát đường cong lợi suất, có khả năng lợi suất của Nhật Bản sẽ tăng hơn nữa.
Theo chính sách YCC, BOJ đặt mục tiêu một số lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức 0,5% trên hoặc dưới 0, nhằm đạt được mục tiêu lạm phát 2% trên cơ sở bền vững.
BOJ dự kiến sẽ đưa ra quyết định chính sách quan trọng vào thứ Tư (18/1) sau cuộc họp kéo dài hai ngày. Dữ liệu quyền chọn ngoại hối cho thấy thị trường đang dự đoán BOJ sẽ có những động thái mạnh trong cuộc họp này, với chỉ số biến động dự kiến tăng lên mức cao nhất trong 6 năm.
Amo Sahota, giám đốc điều hành của công ty tư vấn ngoại hối Klarity FX ở San Francisco, cho biết: "Thị trường đang chờ đợi xem liệu BOJ có vượt qua được những vấn đề khó khăn của mình hay không". "Nếu họ làm như vậy, thì tỷ giá đô la/yen sẽ hướng tới mức 126. Nhưng tôi nghĩ rằng họ (BOJ) sẽ giữ ổn định chính sách trong kỳ họp này, song đưa ra những cảnh báo về sự thay đổi và chờ đợi thêm một thời gian."
Kết thúc phiên 17/1, USD giảm 0,2% so với đồng yen xuống 128,24 JPY/USD.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt –tăng 0,1% lên 102,35.
Kể từ cuối tuần giao dịch đầu tiên của năm mới đến nay, chỉ số Dollar index đã giảm gần 3%, chịu áp lực bởi dữ liệu của Mỹ cho thấy tốc độ tăng giá tiêu dùng đang chậm lại, cho thấy Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tiếp tục nới lỏng tốc độ tăng lãi suất.
Joe Perry, nhà phân tích thị trường cao cấp của FOREX.com và City Index ở New York, cho biết: "Lạm phát đang đi đúng hướng đối với Fed và kết quả là việc đa số những người tham gia thị trường dự đoán lãi suất sẽ được tăng 25 điểm cơ bản". "Thị trường đang ở trạng thái chờ đợi thời điểm Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất."
Một dữ liệu mới nữa xác định lạm phát đang chậm lại, đó là chỉ số "Empire State" tại New York – được Fed xem là "phong vũ biểu"về hoạt động kinh doanh - đã giảm trong tháng 1 xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2020 do các đơn đặt hàng sụt giảm và tăng trưởng việc làm bị đình trệ. Chỉ số "Empire State" của Fed New York về các điều kiện kinh doanh hiện tại đã giảm mạnh xuống -32,9 trong tháng này, từ mức -11,2 trong tháng 12. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đã dự báo chỉ số này ở mức -9,0.
So với đồng franc Thụy Sĩ, đồng đô la giảm 0,5% xuống 0,9220 CHF.
Đô la Úc và đô la New Zealand tăng so với đồng bạc xanh, với mức tăng lần lượt 0,5% lên 0,6991 USD/AUD và tăng 0,8% lên 0,6433 USD NZD.
Đồng euro giảm 0,3% so với đồng đô la xuống còn 1,0793 USD/EUR, bị suy yếu bởi một báo cáo của Bloomberg News viết rằng mặc dù có khả năng Fed tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong tháng 2, nhưng triển vọng sẽ tăng 25 điểm cơ bản trong tháng 3.
Đồng bảng Anh tăng 0,7% so với đồng đô la lên 1,2278 USD vào lúc đóng cửa giao dịch, sau khi có lúc tăng lên mức cao nhất trong 5 tuần, là 1,2299 đô la. Đồng bảng Anh được hỗ trợ bởi dữ liệu cho thấy tăng trưởng tiền lương của Vương quốc Anh đã tăng tốc trong ba tháng tính đến tháng 11, trong khi số việc làm tăng nhanh hơn dự kiến, là 27.000.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc giảm giá từ mức cao nhất trong 6 tháng so với đô la, do dữ liệu tăng trưởng kinh tế yếu kém trong khi nhu cầu đối với đồng bạc xanh tăng lên trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Trên thị trường giao ngay, đồng nhân dân tệ giảm 255 pip xuống 6,7605 CNY/USD.
Cập nhật tỷ giá các tiền tệ chủ chốt.
Thị trường chứng khoán biến động trong phiên vừa qua khi các nhà đầu tư tập trung vào báo cáo thu nhập hàng quý, sau khi Goldman đã báo cáo lợi nhuận quý IV giảm 69% so với dự kiến. Chỉ số Dow Jones giảm 391,76 điểm, tương đương 1,14%, xuống 33.910,85. Chỉ số S&P 500 mất 8,12 điểm, tương đương 0,20%, xuống 3.990,97, chỉ riêng Nasdaq Composite tăng 15,96 điểm, tương đương 0,14%, lên 11.095,11. Trong khi đó, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,40% và thước đo chứng khoán của MSCI trên toàn cầu giảm 0,02%.
Tiền điện tử tiếp tục khởi sắc, với Bitcoin kết thúc phiên 17/1 ở mức 21.205 USD, sau đó tăng tiếp lên gần 21.400 USD. Bitcoin đã tăng vọt hơn 20% chỉ trong một tuần qua, chuẩn bị kết thúc tháng 1 tốt nhất kể từ tháng 10/2021.
Giá Bitcoin ngày 17/1.
Giá vàng giảm từ mức cao nhất hơn 8 tháng đạt được trong phiên trước đó do hy vọng rằng Fed sẽ áp dụng cách tiếp cận ít tích cực hơn đối với việc tăng lãi suất trong thời gian tới.
Vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 0,7% xuống 1.904,87 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 4 vào thứ Hai; vàng kỳ hạn tháng 2 giảm 0,6% ở mức 1.909,9 USD.
David Meger, giám đốc bộ phận giao dịch kim loại của High Ridge Futures cho biết: "Chúng tôi đang xem đây là một đợt giảm giá nhẹ trong xu hướng đi ngang hướng tăng lên của mặt hàng vàng. Chúng tôi tin rằng sự kết hợp giữa đồng đô la yếu đi và lo ngại lạm phát nghiêm trọng tiếp tục là môi trường hỗ trợ tích cực cho vàng".
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Nhịp sống thị trường