Bánh Trung thu nhái thương hiệu bán giá rẻ liệu có an toàn thực phẩm?
Trên thị trường bánh Trung thu năm nay, bên cạnh những thương hiệu lớn, có hàng chục nhãn mác khác ăn theo, giá cả cũng “một trời một vực”.
- 23-08-2016Bánh Trung thu hand-made: Nên lựa chọn từ nguồn thân cận
- 19-08-2016Thị trường Bánh trung thu: Vắng như “chùa bà đanh“
- 16-08-2016Không còn bánh kẹo, cổ phiếu KDC vẫn tăng mạnh khi mùa trung thu đang về
TP HCM có hơn 50 cơ sở sản xuất bánh Trung thu. Các loại bánh có thương hiệu lớn thì người tiêu dùng khá yên tâm về chất lượng, song không phải ai cũng có đủ điều kiện chọn bánh này.
Thường thì người lao động có thu nhập thấp vẫn chọn bánh của các cơ sở nhỏ với giá vừa túi tiền. Nhưng nhiều cơ sở sản xuất giá rẻ có nguyên liệu đầu vào không rõ ràng, đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những ngày này, tại các chợ nhỏ ở đường Tân Kỳ, Tân Quý, Lê Văn Qưới (quận Bình Tân), nơi có đông công nhân ở trọ, người tiêu dùng dễ dàng mua những chiếc bánh Trung thu giá từ 25.000 – 30.000 đồng/cái. Tại đây, bên cạnh những thương hiệu lớn như: Kinh Đô, Như Lan, Đồng Khánh… thì có hàng chục thương hiệu khác như: Như Hưng Đồng Khánh, Lệ Hoa Đồng Khánh, Như Ý Đồng Khánh.... Giá cả cũng khác biệt so với thương hiệu lớn.
Chị Phó Lệ Phương, một người dân tại TPHCM cho biết: “Bánh nhái giá 20.000-30.000 đồng/cái tôi sợ không dám ăn vì sợ mất an toàn. Nhưng nhiều người thấy rẻ vẫn mua về ăn”.
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng trong mùa Trung thu năm nay, từ tháng 7, Sở Công thương TP HCM đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành. Qua kiểm tra, đoàn đã lập biên bản một số cơ sở sản xuất ở quận 6, quận 8 vì vi phạm về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, như: khu vực sản không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các nguyên liệu đầu vào như trứng, đậu, mứt.... không hóa đơn chứng từ rõ ràng.
Tại cơ sở sản xuất bánh Trung thu Như Hưng Đồng Khánh, ở phường 8, quận 8, đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản cơ sở sản xuất vi phạm về: nơi sản xuất chung với nơi ở, nguyên liệu đầu vào không có hóa đơn chứng từ và lao động không quần áo bảo hộ lao động.... Cơ sở sản xuất này khai thường lấy nguyên liệu đầu vào để làm nhân bánh từ chợ Bình Tây, quận 6, nhưng không chứng minh được hóa đơn, chứng từ. Còn tiểu thương bán nguyên liệu ở chợ Bình Tây cũng trả lời rất mập mờ về nguồn gốc nguyên liệu.
Một số cơ sở vi phạm cho biết, họ mua nguyên liệu ở chợ Bình Tây, tiểu thương giao hàng và ký sổ, đến hết mùa thì thanh toán, chứ ít quan tâm đến hóa đơn chứng từ hay giấy công bố chất lượng sản phẩm.
Bà Mai Thị Phương Châu, chủ cơ sở sản xuất Như Hưng Đồng Khánh cho biết: “Tại vì mọi năm tôi cũng yêu cầu họ giao hóa đơn cho, bây giờ họ chưa giao. Mỗi năm mỗi khác, bây giờ đoàn kiểm tra yêu cầu có hóa đơn chứng từ, thiếu cái gì thì tôi bổ sung, khắc phục”.
Chợ Bình Tây là chợ bán sỉ, đây là đầu mối mà các cơ sở sản xuất bánh Trung thu nhỏ, lẻ thường lấy nguyên liệu. Đáng nói là có một số quầy sạp còn bán cả nhân bánh làm sẵn với giá rất rẻ, khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg. Chính vì vậy, một số cơ sở làm bánh bán giá rất rẻ, giá bán sỉ từ 18.000 – 20.000 đồng/cái.
Theo chủ một số cơ sở sản xuất bánh thì nhiều cơ sở lấy thương hiệu na ná như các thương hiệu lớn, làm người tiêu dùng dễ hiểu lầm, nhưng chất lượng thì khác một trời một vực và giá cả rất thấp. Điều đó làm cho các cơ sở làm ăn chân chính rất khó cạnh tranh.
Ông Lê Văn Hy, chủ cơ sở sản xuất bánh Trung thu Đông Hưng Viên ở đường Bãi Sậy, quận 6 cho hay: “Giá của họ rẻ hơn mình một nửa, mặt hàng của họ trà trộn với bánh có thương hiệu như Kinh Đô chẳng hạn. Trên thị trường họ bán có thể rẻ hơn 30%, nếu họ làm nguyên liệu đầu vào chất lượng đàng hoàng thì không thể rẻ như vậy và không thể làm được. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra nguyên liệu đầu vào của các cơ sở này để chúng tôi cạnh tranh lành mạnh hơn”.
Hiện nay, các đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Công thương thành phố đang tăng cường kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm bánh Trung thu, nhất là tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Sở sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Chánh thanh tra Sở Công thương TP HCM, Phó trưởng trưởng đoàn kiểm tra liên ngành cho biết: “Đối với các cơ sở sản xuất, chúng tôi tập trung kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, kiểm nghiệm sản phẩm, bao bì sử dụng, công bố tiêu chuẩn sản phẩm, nhập bán thành phẩm... Sau khi xử lý, chúng tôi sẽ công bố công khai các trường hợp vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng”./.
VOV