MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bao bì nhựa và kinh tế tuần hoàn

Các doanh nghiệp bắt đầu triển khai chương trình dài hơi nhằm sử dụng bao bì nhựa tiết kiệm, hiệu quả nhất, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Chỉ trong vòng 18 năm, lượng nhựa tiêu thụ tính trên đầu người ở Việt Nam đã tăng hơn 10 lần, từ 3,8 kg/người năm 1990 lên 41,3 kg/người năm 2018 và khó có thể giảm trong thời gian tới.

Khủng hoảng rác thải nhựa

Theo số liệu thống kê, có đến 1,8 triệu tấn nhựa được tạo ra mỗi năm; trung bình mỗi ngày, TP HCM và Hà Nội thải ra 80 tấn nhựa và túi ni-lông. Tiêu thụ nhựa tăng trưởng 10%/năm, thuộc hàng cao nhất trên thế giới và xếp thứ 3 tại khu vực ASEAN. Việt Nam cũng đứng thứ 4 thế giới về thải rác nhựa ra biển và nếu không được tái chế, lượng chất thải nhựa tại Việt Nam xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.

Bao bì nhựa và kinh tế tuần hoàn - Ảnh 1.

Theo chỉ thị 08 của Bộ Công Thương, đến năm 2021 chợ, siêu thị khu vực thành thị sẽ “nói không” với sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần

Ông Huỳnh Hữu Hải Bình, Tổng Giám đốc doanh nghiệp (DN) Xã hội Rievival Waste, cho biết hàng triệu tấn rác thải nhựa là "rác chết" phát sinh mỗi năm vì "cho không ai lấy, bán không ai mua", được đổ ra các bãi chôn lấp hoặc nằm đâu đó ngoài môi trường tự nhiên mặc dù chúng có thể tái chế. Chỉ một số ít được thu gom tái chế (khoảng 6.000 - 7.000 tấn). Chính vì lượng nhựa tiêu thụ lẫn phát thải ra môi trường cực lớn như vậy, Việt Nam đang đối diện với "ô nhiễm trắng", gây tác hại đến sức khỏe và đời sống con người.

"Chúng ta đã phát triển được những sản phẩm thay thế cho nhựa nhưng giá thành rất đắt, gấp 10-20 lần so với sản phẩm nhựa và người tiêu dùng chưa sẵn sàng chi trả cho khoản chênh lệch đó. Vì vậy, về thực chất, trước mắt nhu cầu sử dụng nhựa không thể giảm" - ông Hải Bình nêu thực tế và cho biết thêm, vấn đề của Việt Nam là chống rác thải nhựa chứ không phải chống sản phẩm nhựa. Đặc biệt, trong điều kiện hiện tại, khi người dân chưa có điều kiện để chi trả nhiều hơn cho sản phẩm thân thiện với môi trường thì việc "nói không với sản phẩm nhựa" sẽ gây khó cho DN bởi nếu không sử dụng nguyên liệu nhựa, DN khó xoay xở nguyên liệu thay thế để không quá ảnh hưởng đến giá thành sản xuất.

Theo các chuyên gia về môi trường, trong khi mỗi năm, các DN phải nhập khẩu hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu tấn rác thải nhựa để sản xuất các sản phẩm trung gian như hạt nhựa hoặc hộp giấy thì tỉ lệ rác nhựa trong nước được tái chế chỉ khoảng 10%. Nếu giải quyết tốt hơn câu chuyện tái chế rác thải nhựa sẽ giúp giảm thiểu rác thải nhựa, giảm lượng rác nhựa phát thải ra môi trường.

Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần

Tháng 6-2019, Chính phủ phát động phong trào chống rác thải nhựa trên toàn quốc. Cũng trong năm này, ngành công thương ra chỉ thị là đến năm 2021 chợ, cửa hàng, siêu thị tại khu vực thành thị nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Ngành y tế cũng ra chỉ thị giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.

Không kể đến các cơ quan nhà nước, tổ chức, đoàn hội nghiêm túc thực hiện "nói không" với sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, cộng đồng DN cũng tích cực hưởng ứng. Một số DN đã tham gia triển khai các hoạt động phát triển bền vững. Nổi bật nhất trong năm 2019 là Tetra Pak (tập đoàn sản xuất bao bì lớn của Thụy Điển) đã phối hợp cùng LOTTE Mart và NHC tổ chức chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa. Kết quả là 1.500 học sinh trường tiểu học, mầm non ở 30 quận, huyện tại TP HCM và Hà Nội tham gia thu hồi, tái chế hơn 100 tấn vỏ hộp sữa sau 3 tháng. Nhà sản xuất này còn tích cực hợp tác với các hội, nhóm cộng đồng vì môi trường tại Việt Nam để thiết lập và mở rộng các điểm thu gom công cộng, giúp người tiêu dùng mang vỏ hộp sữa đến để thu gom đi tái chế.

Các DN sản xuất, kinh doanh cũng tích cực tham gia chương trình giảm thiểu rác thải từ túi nhựa, túi ni-lông sử dụng 1 lần bằng cách thay đổi thiết kế bao bì, sử dụng vật dụng bao gói, đựng thực phẩm bằng nguyên vật liệu thân thiện với môi trường như lá chuối, dây lạt, khay đựng bằng bã mía, bột ngô… Đến nay, gần như 100% siêu thị đã sử dụng túi ni-lông tự hủy thay cho túi ni-lông thông thường. Một số nhà bán lẻ còn có chính sách khuyến khích khách hàng sử dụng túi vải, túi môi trường khi đi mua sắm tại siêu thị, khuyến khích nhà cung cấp sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, tăng cường các sản phẩm xanh tới người tiêu dùng.

Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), cho hay đã có khoảng 30%-40% khách hàng có ý thức tốt về hạn chế túi ni-lông. Kết quả bước đầu này có ý nghĩa khích lệ các nhà sản xuất lẫn phân phối tiếp tục đầu tư, triển khai những chương trình dài hơi nhằm sử dụng bao bì nhựa tiết kiệm, hiệu quả nhất, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

Một số DN sản xuất cho hay nhà nước đã có chính sách khuyến khích sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải. DN sản xuất các sản phẩm kể trên được giảm, miễn thuế xuất khẩu. Ngoài ra, các DN sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn "nhãn xanh Việt Nam".

Cà phê doanh nhân nói chuyện "Bao bì nhựa và sự phát triển của DN"

Hôm nay, 21-12, trong chương trình Cà phê doanh nhân lần thứ 49 do Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM tổ chức, các chuyên gia, DN sẽ chia sẻ, thảo luận chủ đề "Bao bì nhựa và sự phát triển của DN". Nội dung thảo luận xoay quanh các giải pháp sử dụng bao bì nhựa có hiệu quả gắn với chủ trương của nhà nước về bảo vệ môi trường.

Có hơn 100 doanh nhân hội viên Hiệp hội DN TP HCM đăng ký tham dự chương trình.

Theo Thanh Nhân

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên