Báo Trung Quốc: Nếu không nhanh chân, các công ty muốn tránh chiến tranh thương mại có thể sẽ "lỡ thuyền" vào Việt Nam vì hết chỗ
Các công ty Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia có mặt từ trước đã tuyển dụng phần lớn đội ngũ nhân viên lành nghề, vì thế những "người đến sau" có thể sẽ không còn có lợi thế như ban đầu, hoặc sẽ có một cuộc chiến "săn lao động" xảy ra.
- 13-05-2019Nắng nóng cao điểm, ngành hàng điều hòa nhiệt độ sẽ bùng nổ ra sao?
- 13-05-2019Đô thị thông minh ở TP.HCM: Tìm gì cũng thấy
- 13-05-2019Khiến "người tiêu dùng thiệt hơn lợi", Hiệp hội Xăng dầu đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu
Tiền lương tương đối tăng cao, các quy định ngày càng khắt khe khiến Quảng Đông - khu công nghiệp sản xuất lớn của Trung Quốc không còn là trung tâm công nghiệp giá rẻ như trước đây. Do đó, Việt Nam được coi là một sự thay thế hợp lý. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã thúc đẩy xu hướng này tăng cao hơn bao giờ hết.
Theo tờ Securities Times của Trung Quốc, quý I/2019, FDI vào Việt Nam tăng 86,2%, đạt 10,8 tỷ USD, với đầu tư từ Trung Quốc chiếm gần một nửa.
Ernie Koh là CEO của nhà sản xuất đồ nội thất Singapore - Koda, điều hành các nhà máy ở Malaysia và Việt Nam. Ông rất có niềm tin vào các khoản đầu tư tại Việt Nam của mình. Nhưng mặt khác, ông cũng lo lắng rằng Việt Nam sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức khi tiếp nhận các công ty nước ngoài - những người đang tìm cách tránh thuế từ chiến tranh thương mại. Nhất là khi cơ sở hạ tầng cầu cảng, kho bãi cũng như lao động chưa được chuẩn bị đầy đủ cho điều đó.
"Các tòa cao ốc mọc lên ở khắp nơi. Đường ngày càng đông, tình trạng kẹt xe ngày càng tồi tệ hơn", ông Koh nói. "Trong hai năm trở lại đây, cảng liên tục tắc nghẽn. Hiện nay, chúng tôi phải đặt tàu trước hai tuần".
Năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao 7,08%, thu hút rất nhiều công ty đa quốc gia, bao gồm Intel, Samsung và LG, tất cả đều đầu tư rất lớn. Fred Burke, đại diện công ty luật Baker McKenzie Việt Nam đánh giá: một loạt các nhà sản xuất Trung Quốc đã vào Việt Nam ngay cả trước khi cuộc chiến thương mại diễn ra. Tuy nhiên, trong khi các trung tâm công nghiệp chính của Trung Quốc đã đạt tới quy trình sản xuất chất lượng cao và cơ sở hạ tầng hàng đầu, thì những điều này ở Việt Nam vẫn chưa thật sự trưởng thành.
Ông Fred Burke nói: "Công nhân Việt Nam chưa được đào tạo đến trình độ như Trung Quốc. Trung Quốc đã có cơ sở hạ tầng rất tốt, nhưng ở Việt Nam, mọi thứ vẫn còn chưa hoàn thiện".
Cuộc di cư của các công ty ra khỏi Trung Quốc đã được dự đoán sẽ còn tiếp tục, đặc biệt là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa cuộc chiến thương mại lên một tầm cao mới. Nhưng hiện nay, khi nguồn lao động chất lượng cao vẫn còn hạn chế về số lượng và các công ty đã đổ bộ vào Việt Nam rất đông, các chuyên gia cảnh báo, những công ty chưa nhảy vào Việt Nam có thể đã "lỡ thuyền".
Các công ty Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia có mặt từ trước đã tuyển dụng phần lớn đội ngũ nhân viên lành nghề, vì thế những "người đến sau" có thể sẽ không còn có lợi thế như ban đầu, hoặc sẽ có một cuộc chiến "săn lao động" xảy ra.
Một số nhà sản xuất Trung Quốc cho biết họ đã gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động có kỹ năng ngoại ngữ ở Việt Nam, đặc biệt là trong và xung quanh trung tâm công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh. Các nhà máy thậm chí phải tranh giành công nhân với nhau. Sẽ dễ dàng hơn nếu như tìm kiếm lao động hơn ở các vùng sâu vùng xa, nhưng kỹ năng của công nhân ở đó kém hơn. Hoặc nếu các công ty phải chuyển đi xa khu vực trung tâm thì cơ sở hạ tầng cũng không bằng các thành phố lớn.
Wilkie Wong là CEO của Tập đoàn Esquel - nhà sản xuất áo dệt lớn nhất thế giới với sản lượng 100 triệu áo mỗi năm. Đây là một tập đoàn Trung Quốc nhưng đã có mặt tại Việt Nam được 15 năm.
"Trước đây, chúng tôi thường gặp phải một số cuộc đình công ở Việt Nam, nhưng nhiều năm trở lại đây thì không. Đó là bởi vì chúng tôi đã cải thiện quy trình làm việc, đào tạo và hỗ trợ công nhân giúp họ cải thiện năng suất, khiến cho phép họ kiếm được nhiều tiền hơn", ông Wong nói. "Tại các nhà máy của chúng tôi, có những người xếp hàng trước cổng mỗi ngày để xin việc. Vì vậy, nếu chúng ta cung cấp chế độ đãi ngộ đủ tốt, tôi cho rằng nhân sự không phải là vấn đề, vì tiềm năng ở Việt Nam là rất lớn".
Tuy nhiên, nếu như không sớm giải quyết được vấn đề nhân lực và cơ sở hạ tầng, Việt Nam có thể sẽ đánh rơi một số cơ hội tốt vào tay Malaysia, Indonesia và Philippines.
Năm ngoái, công ty lắp ráp iPhone Đài Loan, Pegatron, đã chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Batam (Indonesia), để tránh thuế quan của Mỹ. Nhà sản xuất thiết bị Phillips cũng có một nhà máy lớn trên hòn đảo này, sản xuất máy cạo râu và bàn là, cùng với các sản phẩm khác.
Bà Angelia Chew, nhà sáng lập công ty tư vấn AC Trade Advisory có trụ sở tại Singapore, cho biết Việt Nam và Batam (Indonesia) là khu vực thu hút hầu hết sự quan tâm từ khách hàng của bà: "Batam là một trong những khu thương mại thành công nhất ở Indonesia, vì gần Singapore".
Bà chia sẻ, mặc dù lo ngại về nhân lực và cơ sở hạ tầng, bà vẫn rất lạc quan về Việt Nam. Lợi thế là Việt Nam sắp ký kết hiệp định thương mại tự do EVFTA với Liên minh châu Âu và có lợi thế từ CPTPP: "Tôi cũng đang thấy rất nhiều khoản đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam. Nếu bạn đang tìm cách rời Trung Quốc trong tương lai gần, Việt Nam vẫn là tốt nhất".