Bắp cải tốt cho sức khoẻ nhưng lại 'đại kỵ' với 4 nhóm người này
Bắp cải là loại rau tốt cho sức khoẻ, vậy nhưng không phải ai cũng có thể ăn được, dưới đây là những người không ăn được bắp cải.
- 02-09-2023Tràn ngập bánh Trung thu giá rẻ, handmade: Tiêu chí nào để chọn bánh an toàn cho sức khỏe?
- 31-08-2023Từ 45-55 tuổi vẫn làm đều đặn 3 việc này chứng tỏ sức khỏe dẻo dai, trung niên vẫn sung mãn
- 29-08-2023Nam giới sau tuổi 50 bận gì cũng phải khắc cốt ghi tâm 4 điều, làm được sức khỏe vô biên, tuổi thọ kéo dài
Không chỉ giàu dinh dưỡng, cải bắp còn chứa nhiều chất có thể ngừa ung thư, viêm loét dạ dày, viêm tuỵ, chống táo bón, tiểu đường, nhanh lành vết thương, loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể… Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể ăn được loại rau này. Dưới đây là những người không ăn được bắp cải.
Tổng quan về rau bắp cải
Bắp cải là loại rau thuộc họ cải. Bắp cải có thể có nhiều màu từ xanh lá cây đến đỏ và tím và lá có thể nhẵn hoặc nhăn nheo. Có rất nhiều sản phẩm bắp cải có sẵn với ít hơn 20 calo mỗi nửa chén nấu chín, đây là một loại rau đáng để bạn lựa chọn cho khẩu phần ăn hàng ngày.
Thành phần trong bắp cải gồm chất hóa học có tác dụng bảo vệ chống lại những tác động tiêu cực của bức xạ. Trong đó, có thành phần hợp chất Sulforaphane được tìm thấy trong bắp cải có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh ung thư.
Lợi ích của có thể kể đến như: Chứa nhiều chất có thể ngừa ung thư, viêm loét dạ dày, viêm tuỵ, chống táo bón, tiểu đường, nhanh lành vết thương, loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể…
Những người không ăn được bắp cải
Tuy mang lại nhiều lợi ích đối với sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể ăn được rau bắp cải. Dưới đây là những người không ăn được bắp cải:
Người bị bướu cổ
Bắp cải là loại rau chứa nhiều dinh dưỡng, trong đó chứa cả goitrin - một chất có tác dụng chống ôxy hóa nhưng lại có thể gây bướu cổ. Vì vậy, lời khuyên của các chuyên gia y tế là người bị rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ không nên ăn bắp cải vì nếu không sẽ làm tuyến giáp hoặc bướu cổ phù to ra.
Nếu vẫn muốn ăn, nhóm người này chỉ ăn bắp cải số lượng nhỏ, khoảng 2 bữa mỗi tuần là an toàn. Nên ngâm rửa từng lá và thái nhỏ, để khoảng 10-15 phút rồi mới chế biến để goitrin bị phân hủy hết.
Người hệ tiêu hóa kém
Ưu điểm của bắp cải là chứa nhiều chất xơ, hỗ trợ nhuận tràng, ngừa táo bón... Tuy nhiên người đang tiêu chảy nếu ăn nhiều loại rau này có thể khiến tình trạng thêm trầm trọng, khó điều trị hơn.
Ngoài ra, rau bắp cải dễ sinh khí, có thể gây đầy bụng nếu ăn sống vì vậy những người bị đau dạ dày, hay bị chướng bụng, đầy hơi nên hạn chế ăn bắp cải sống, tốt nhất nên làm chín trước khi ăn.
Người bị bệnh thận
Theo nghiên cứu, bắp cải là loại rau chứa khá nhiều axit oxalic. Khi được tiêu thụ quá nhiều, lượng axit oxalic này có thể kết hợp với các chất dinh dưỡng cần thiết bên trong cơ thể như canxi, mangiê, sắt, kali... tạo thành các muối oxalat.
Oxalat calci có thể lắng đọng ở thận, làm tăng khả năng hình thành sỏi ở thận, gây ra sỏi thận. Vì vậy những người đang bị suy thận nặng, phải chạy thận nhân tạo không nên dùng bắp cải. Người có tiền sử sỏi thận nên hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng ăn bắp cải phù hợp.
Với người khỏe mạnh, khi ăn bắp cải nên cắt nhỏ và nấu kỹ để giảm thiểu lượng axit oxalic trong loại rau này.
Người tạng hàn
Theo Đông y, bắp cải có tính hàn, do vậy những ai yếu người, lạnh tay chân hay gặp các vấn đề liên quan đến phong hàn không nên ăn bắp cải vì sẽ làm bệnh nặng hơn. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn ăn bắp cải thì có thể cho thêm một nhánh gừng đập dập và luộc cùng bắp cải sẽ khiến trung hòa bớt tính hàn có trong bắp cải.
Trên đây là những người không ăn được bắp cải. Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy tránh xa bắp cải nhé.
VTC News