Bất an và kiệt sức vì bầu cử, người Mỹ nhận ra đất nước đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết
Nhiều cử tri của cả 2 đảng bất chợt nhận ra rằng có lẽ họ đã hiểu sai về nước Mỹ, về thị trấn nơi mình sinh sống, hoặc thậm chí là cả những người hàng xóm của mình.
- 05-11-2020Nếu Wisconsin chấp nhận kiểm phiếu lại, liệu ông Trump có thể 'lật ngược thế cờ'?
- 05-11-2020Bầu cử Mỹ: Đảng Dân chủ vỡ mộng?
- 05-11-2020Quên bầu cử Mỹ đi, đây mới là vấn đề tác động mạnh tới châu Á mà các nhà đầu tư cần quan tâm
Đó là lúc 2h sáng ngày thứ 4, khi ngày bầu cử vừa kết thúc. Tổng thống Trump đang phát biểu từ Nhà Trắng, tuyên bố ông đã chiến thắng và cho rằng có gian lận trong quá trình bầu cử.
Dan Hensley là 1 người theo đảng Cộng hòa lâu năm nhưng đã quyết định sẽ ủng hộ cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Ông đang ở nhà 1 mình và theo dõi bầu cử trên tivi, nghe thấy Tổng thống Trump tuyên bố chiến thắng mặc dù vẫn còn hàng triệu phiếu bầu chưa được kiểm.
Hensley bật dậy khỏi chiếc ghế yêu thích trong phòng khách, tắt tivi và đi ngủ, cảm thấy đất nước bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Là 1 chủ doanh nghiệp nhỏ, ông vẫn luôn bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa suốt từ năm 1976 tới nay. Nhưng đến năm 2016 ông đã không chọn ai trong 2 ứng viên. Cách đây 3 tuần, ông cùng vợ và 2 con bầu cho ông Biden.
Ngày 4/11 bắt đầu sự bất định, tâm trạng không thoải mái và cả nỗi sợ hãi. Khác với thông thường, một khối lượng lớn phiếu bầu vẫn chưa được đếm xong và các cuộc đua đều chưa ngã ngũ. Nhưng có một thứ hiển hiện rất rõ ràng: Ông Trump đã không thể chứng minh được rằng các hãng thăm dò đều sai với 1 chiến thắng vang dội từ "đám đông cử tri trầm lặng". Và đảng Dân chủ cũng không thể nhanh chóng hạ gục đối thủ.
Điều đó đồng nghĩa 2 bên sẽ còn tranh chấp trong nhiều ngày tới. Nhiều cử tri của cả 2 đảng bất chợt nhận ra rằng có lẽ họ đã hiểu sai về nước Mỹ, về thị trấn nơi mình sinh sống, hoặc thậm chí là cả những người hàng xóm của mình.
"Thành thật mà nói, tôi tỉnh dậy với tâm trạng bất an và cảm thấy kiệt sức", Marbili Walters (37 tuổi), 1 người ủng hộ ông Trump đã dành 2 tuần gần đây để gõ cửa từng nhà ở St. Petersburg, Florida, thuyết phục họ thay đổi ý định.
Chiều 4/11, ở Brownsville, Texas, Tony Villalobos (44 tuổi) đang ăn trưa với 1 đồng nghiệp. Anh ủng hộ ông Biden – người mà anh cho là phản ánh tốt hơn các giá trị của bang và đã dự báo ứng viên đảng Dân chủ sẽ có chiến thắng vang dội. Nhưng cuối cùng thì điều đó không diễn ra. Tệ hơn, ông Trump đã nhận được sự ủng hộ từ những người mà Villalobos biết rất rõ. "Bạn bè, người thân của tôi ngày càng có nhiều người bỏ phiếu cho Trump".
Có không ít người tưởng rằng số đông, thậm chí cả những người vẫn có quan điểm đối lập với họ, thầm lặng đồng tình với họ về hướng đi của nước Mỹ. Nhưng cho đến nay kết quả kiểm phiếu không cho thấy như vậy. Và giờ câu hỏi là "Tiếp theo sẽ là gì"?
Trong số những dự đoán được nhắc đến nhiều nhất là viễn cảnh xảy ra bạo động trên các con phố. Nhưng khi được hỏi điều gì sẽ châm ngòi cho điều đó, hầu hết đều nhanh chóng đưa ra câu trả lời là bên kia. Nicholas Lubischer (60 tuổi) nói: "Nếu như ông Trump thắng thì vẫn có bạo động. Có một thứ không thay đổi là sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ".
Nhận định này có vẻ quá bi quan khi mà ông Lubischer là 1 người ủng hộ Trump. Ban đầu ông tin chắc rằng ông Trump sẽ thắng, sau đó bị bất ngờ trước diễn biến kịch tính của cuộc đua và giờ lại tin rằng ông Biden mới là người thắng. Trong trường hợp đó thì bạo động vẫn có thể nổ ra trên đường phố khi chương trình nghị sự của đảng Dân chủ bị chặn lại bởi 1 Thượng viện nằm trong tay Thượng viện.
Đối với nhiều người, không phải sự chia rẽ mà nguồn gốc của sự chia rẽ mới là vấn đề đáng lo ngại. Đó là sự khác biệt về giá trị quá lớn để có thể san lấp hoặc thỏa hiệp. Cuộc bầu cử càng khiến người ta cảm thấy rằng cách duy nhất để tiến lên phía trước là chiến đấu nhiều hơn.
Terry Leap (45 tuổi), không phải là fan của ông Biden vì sức khỏe của cựu phó Tổng thống không đảm bảo và "ông ấy đã tham nhũng". Nhưng anh cũng không thích ông Trump vì "chính sách mị dân". Do đó Leap trở nên lạc lõng. Đang phải cách ly vì Covid-19, anh ngồi xem bầu cử một mình đến 3h sáng và sau đó "đi ngủ mà cảm thấy rất bất mãn".
Tham khảo New York Times