Bất chấp Covid-19, đâu là 'chìa khoá' giúp xuất khẩu nông sản tại Việt Nam tăng mạnh?
Xu thế phát triển mạnh của thương mại điện tử hiện nay đã tạo điều kiện cho các mặt hàng nông sản Việt Nam có cơ hội được đưa sang biên giới nhiều nước thông qua kênh phân phối mới. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn mở ra, vẫn còn nhiều thách thức chúng ta phải đương đầu.
- 26-07-2021Hà Nội cần tổ chức thêm bãi đỗ xe giảm ùn tắc tại chốt kiểm soát dịch cầu Phù Đổng
- 26-07-2021Từ 15/9 tới đây, quảng cáo trên Facebook, Google cần lưu ý 5 điểm mới này
- 26-07-2021Đại biểu Hoàng Văn Cường: Cần gói cứu trợ đủ mạnh để doanh nghiệp Việt đón đầu cơ hội 'hậu Covid-19'
Vải thiều – Tiên phong đi đầu trong hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới
Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, giá trị nông sản được xuất khẩu của nước ta đạt 2.067 triệu USD, tăng mạnh 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, phải kể đến thành công nổi bật mặt hàng vải thiều của Bắc Giang và Hải Dương. Mặt hàng này đã liên tục đi vào những thị trường vốn nổi tiếng "khó tính" là EU và Nhật Bản với tổng sản lượng là 89.300 tấn (chiếm 41,4% tổng sản lượng tiêu thụ) và gây được những ấn tượng lớn về chất lượng.
Ở thị trường nội địa, 2 tháng gần đây, hình ảnh quả vải thiều xuất hiện liên tục trên nhiều sàn thương mại điện tử khác nhau bao gồm Sendo (FPT), Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VnPost) và Lazada. Kết quả, dù trong khoảng thời gian giãn cách xã hội và gặp nhiều khó khăn trong việc phân phối hàng hóa, tỉnh Bắc Giang vẫn đạt con số 9000 tấn vải thiều được tiêu thụ thông qua các sàn thương mại điện tử nói trên, với gần 1 triệu đơn hàng. Mặc dù con số ban đầu tỉnh Bắc Giang dự tính chỉ là 2000 tấn được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử.
Trên thị trường quốc tế, mới đây, Bộ Công thương đã phối hợp với Viettel Post xuất khẩu hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang sang Đức trên nền tảng Voso Global. Điều này đã đánh một dấu mốc lớn khi đây là lần đầu tiên nước ta xuất khẩu một mặt hàng nông sản tươi sang châu Âu trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên từng nhấn mạnh vai trò của thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ góp phần không chỉ đưa 3 tấn vải thiều lần này mà sẽ còn là những con số lớn hơn nữa để đem sản phẩm của Việt Nam đến gần hơn người tiêu dùng của các nước khác.
Không chỉ với vải thiều, các sản phẩm nông sản khác cũng được Bộ Công Thương chú trọng đến trong việc xuất khẩu nông sản theo hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới.
Cụ thể, 3 tấn nhãn Hưng Yên sẽ lần đầu được xuất khẩu sang hai thị trường "khó tính" là châu Âu và Vương Quốc Anh sau khi được xuất sang thị trường Nhật Bản. Cũng trong ngày 10/7, nhãn lồng Hưng Yên lần đầu được phân phối qua kênh thương mại điện tử. Bên cạnh đó, Viêt Nam cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu gừng tươi sang thị trường Australia với giá bán khoảng 50 AUD/kg (850.000 VNĐ).
Cơ hội lớn cho nông sản Việt trong phương thức xuất khẩu mới
Theo dự báo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và Tổ chức Nông Lương (OECD –FAO), nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông sản trên thế giới sẽ tăng bình quân 1,5-3%/ năm trong giai đoạn những năm 2019 - 2028.
Với mức tăng trưởng bình quân ngành sản xuất nông nghiệp đạt 3,5%/năm được đánh giá là một mức cao trong khu vực Châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng, Việt Nam có khả năng vươn lên trong việc tăng cường xuất khẩu nông sản, vốn là một lợi thế từ xa xưa nổi tiếng với nền nông nghiệp.
Do đó, Bộ Công thương đã chú trọng vào vấn đề này để kêu gọi các hiệp hội, doanh nghiệp logistics, các hãng vận chuyển để có một số biện pháp hỗ trợ nhằm giảm thiểu các chi phí như: Giảm chi phí lưu kho lưu bãi, giảm phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa để các doanh nghiệp phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị có thể tăng cường thu mua nông sản cho nông dân; rút ngắn thời gian vận chuyển, ưu tiên điều kiện bảo quản tốt để các lô hàng được bảo đảm chất lượng khi tới thị trường nhập khẩu.
Đồng thời, Bộ khuyến cáo, để tiếp tục đưa được nhiều loại trái cây Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, nông dân cũng như doanh nghiệp nông nghiệp cần thực hiện nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm… trong toàn bộ chuỗi bảo quản, chế biến, để có sản phẩm nông sản xuất khẩu chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, hộ sản xuất, doanh nghiệp phân phối, xuất khẩu cần chủ động hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng, hoàn thiện "chuỗi giá trị" từ sản xuất, nuôi trồng, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, bảo đảm chất lượng sản phẩm luôn ở mức tốt nhất, bảo đảm các tiêu chí mà các thị trường có nhu cầu nhập khẩu đưa ra.
Theo Euromonitor International, tuy chịu ảnh hưởng của Covid-19, thị trường thương mại điện tử vẫn phát triển và đạt mốc 2.400 tỷ USD trong năm 2020. Trong đó, thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm 11% tổng thị phần và được dự đoán sẽ đạt mức 500 tỷ USD vào năm 2025.
Trong tương lai gần, thương mại điện tử xuyên biên giới được dự đoán sẽ còn phát triển hơn nữa. Theo như Statista, 27% người mua hàng tại Mỹ được phỏng vấn trả lời rằng họ có xu hướng mua hàng online không chỉ ở nội địa mà còn ở quốc tế. Con số này là 71% đối với những người tiêu dùng ở Úc.
Đặc biệt, hai hiệp định thương mại thế hệ mới là CPTPP và EVFTA hứa hẹn sẽ làm thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam sắp tới đây.
Vẫn còn nhiều thách thức để tiến vào "biển lớn"
Thách thức đầu tiên là về giá trị hàng hóa còn thấp. Tuy là một nước có lượng nông sản xuất khẩu đứng thứ 17 trên thế giới với kim ngạch năm 2020 đạt 41,2 tỷ USD, nhưng mới chỉ chiếm gần 2% giá trị nhập khẩu nông lâm sản của thế giới.
Vấn đề đáng lưu tâm thứ hai là về cước vận chuyển còn cao, hạn chế tiếp cận với nhiều thị trường tiềm năng. Trong tháng 6, Việt Nam cần chi 10.500 USD để trả cho chi phí vận chuyển một container có kích thước 40 feet bằng vận tải đường biển từ Việt Nam sang Châu Âu và Mỹ. Ngoài ra, giá cước vận chuyển hàng không cũng tăng gấp đôi từ 3 USD/kg lên 6USD/kg.
Chính điều này đã ngăn cản việc hàng hóa có thể lưu thông đến các thị trường nước ngoài để tiêu thụ hoặc đẩy giá mặt hàng lên cao khiến mặt hàng khó cạnh tranh tại thị trường nước ngoài. Trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới, giao hàng nhanh chóng để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho người mua là ưu tiên hàng đầu.