MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất động sản cạn dòng tiền

04-04-2020 - 15:37 PM | Bất động sản

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đặt mục tiêu quan trọng nhất là "sống sót" qua dịch bệnh.

“Chưa bao giờ lại khó khăn như lúc này,” ông Phan Công Chánh, Tổng giám đốc Phú Vinh Group phải thốt lên như vậy khi nói về tình cảnh bi đát của các doanh nghiệp bất động sản trong mùa dịch bệnh Covid-19.

Ông Chánh dẫn chứng, tỷ lệ mặt bằng cho thuê bị trả lại tăng chóng mặt, dẫn đến mặt bằng cho thuê đang trống rất nhiều. Phía sau đó là nhiều doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng buộc phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa , thậm chí đối diện với nguy cơ phá sản .

“Thị trường hiện nay còn nghiêm trọng hơn nhiều so với các đợt khủng hoảng trước đó”, ông Chánh đánh giá về cơn bĩ cực các doanh nghiệp bất động sản đang gánh chịu.

Ông Chánh nhận định, thị trường bất động sản thường lên xuống khoảng 7-8 năm một lần, nhưng với dịch bệnh như Covid-19 thì một thế kỷ chỉ có 1 - 2 lần. Trong khi đó, hai yếu tố này lại trùng khớp ở thời điểm hiện tại khiến thị trường bất động sản chịu thiệt hại nặng nề.

Nguy cơ lớn nhất đối với doanh nghiệp bất động sản hiện nay là cạn dòng tiền. Hầu hết doanh nghiệp bị giảm doanh thu từ 80 – 90% do không có thanh khoản, thậm chí hoàn toàn không có doanh thu. Trong khi đó, họ vẫn phải gồng mình gánh rất nhiều chi phí cố định như tiền thuê mặt bằng, điện, nước, tiền trả lương nhân viên tối thiểu, chi phí đầu tư, chi phí vốn, lãi vay.

Ông Chánh đã chứng kiến không ít doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ cạn dòng tiền và phải nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội .

Bên cạnh đó, trong hoàn cảnh "giật gấu vá vai", chính các doanh nghiệp bất động sản cũng đang phải hỗ trợ đối tác bằng cách giảm giá thuê mặt bằng , giãn tiến độ trả tiền thuê hay thậm chí miễn tiền thuê. Nhà đầu tư, người mua nhà e ngại xuống tiền khi bệnh dịch diễn biến phức tạp, trong khi người đã mua tìm cách trì hoãn thanh toán.

Bất động sản cạn dòng tiền - Ảnh 1.
Các doanh nghiệp bất động sản đang đứng trước thách thức lớn trong mùa dịch bệnh

Lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, trước đây, mỗi đợt ra quân bán hàng, doanh nghiệp thường tổ chức rầm rộ các sự kiện hội thảo, hội nghị thu hút hàng nghìn nhà đầu tư quan tâm. Song, thời gian gần đây doi ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp buộc phải triển khai bán hàng qua hình thức trực tuyến hoặc điện thoại.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang chuyển từ thế "công" sang "thủ", giữ quỹ tiền mặt, hạn chế đầu tư khiến tốc độ bán hàng tại các dự án bị giảm sút đáng kể so với khi không có dịch. Doanh nghiệp triển khai bán hàng giai đoạn này gần như đang “đánh du kích”, chủ yếu để bước đầu giới thiệu sản phẩm đến khách hàng.

Theo công ty tư vấn JLL, doanh nghiệp bất động sản đang bị kẹp giữa hai gọng kìm, đó là vấn đề pháp lý chưa được giải quyết cộng hưởng với dịch Covid-19. Do đó, nguồn cung mới nhà ở tại những thị trường lớn sụt giảm mạnh.

Cụ thể, trong quý I vừa qua, TP. HCM chỉ có 2.2.56 căn hộ mới chào bán, mức thấp nhất từ năm 2014. Hà Nội có nguồn cung mới dồi dào hơn ở mức 4.600 căn, nhưng cũng chỉ bằng 65% so với quý trước và là mức thấp nhất kể từ khi thị trường hồi phục năm 2015.

Cung thấp nhưng khách hàng cũng dè dặt xuống tiền, khi cả Hà Nội và TP. HCM chỉ bán được 5.500 căn, chỉ bằng một nửa so với quý trước đó và cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, nhân viên kinh doanh trước đây tiếp cận 3 - 4 khách hàng tiềm năng sẽ có người quan tâm và thậm chí chốt đơn hàng; nhưng hiện nay gặp 10 - 15 khách cũng không ai quay lại.

Vì không bán được hàng hoặc không có hàng để bán nên số lượng sàn giao dịch bất động sản đóng cửa ngày càng nhiều. Ông Đính thống kê, kể từ khi dịch Covid-19 lan rộng, đã có tới 300 sàn, tức 1/3 trong tổng số 1.000 sàn giao dịch bất động sản, dừng hoạt động. Trong số các sàn còn lại, khoảng 500 đơn vị hiện chỉ hoạt động cầm chừng, phần lớn là xử lý nốt những đơn hàng đã ký kết từ cuối năm ngoái.

Khó khăn như vậy nhưng ông Chánh cho rằng vẫn chỉ là “bề nổi”. Một số doanh nghiệp đang và có thể cố gắng cầm cự nhưng trong một, hai quý nữa, nếu tình hình dịch bệnh không cải thiện, các doanh nghiệp sẽ ngấm đòn “rất kinh khủng”.

Từ việc doanh nghiệp không có nguồn thu sẽ dẫn đến hàng loạt khoản nợ không thể trả. Nhiều doanh nghiệp quá nợ, vỡ nợ dẫn đến phá sản, để lại nợ xấu cho các ngân hàng. Nghiêm trọng hơn là sự đổ vỡ của cả nền kinh tế, ông Chánh nhận định.

Không "ngồi im" chờ dịch qua

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp bất động sản hiện nay là phải sống sót được qua khủng hoảng; có như vậy mới còn cơ hội để phục hồi, phát triển và giúp tạo động lực để vực dậy nền kinh tế.

Chính điều vì mục tiêu này mà nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chuyển sang trạng thái “ ngủ đông ”, cơ cấu lại tổ chức, cắt giảm nhân sự và các chi phí không cần thiết.

Như CEO Group đã kích hoạt nút “ngủ đông” từ nhiều tuần trước, cấu trúc lại hệ thống, cắt giảm các chi tiêu không cần thiết, thiết lập danh mục công việc ưu tiên.

Tập đoàn FLC cũng đã buộc phải thu hẹp nhiều hoạt động kinh doanh, cắt giảm nhân sự chỉ còn duy trì 20% đi làm, cắt giảm 50% nhân sự ở khối nghỉ dưỡng và tạm dừng phục vụ tại một số khu vực ít khách.

Sun Group chấp nhận tạm thời đóng cửa những khu vui chơi giải trí ở Sa Pa, Hạ Long và Phú Quốc. Công ty CP Vinpearl đã đóng cửa tạm thời bảy khách sạn ở Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An và Phú Quốc.

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, ngủ đông không có nghĩa là bất động. Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group nhấn mạnh, "ngủ" ở đây là "ngủ đông động". "Ngủ nhưng thức để sẵn sàng bật dậy về đích năm 2020, 2021 và xa hơn nữa."

Trong khi tạm hoãn các kế hoạch mở bán bất động sản hoặc những hoạt động đông người, CEO Group vẫn tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý, đền bù và giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, bảo trì công trình, tiếp tục duy trì vận hành các khu nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, CEO Group dành thời gian này đào tạo thực tập sinh điều dưỡng và sinh viên ngành du lịch.

Đại diện Công ty CP Đầu tư Hải Phát cho biết vẫn đang tích cực triển khai các dự án mới. Đây đều là các dự án chưa đủ điều kiện mở bán nên thời gian này, doanh nghiệp dồn toàn lực triển khai với hy vọng có thể kịp ra hàng khi hết dịch.

Bất động sản cạn dòng tiền - Ảnh 2.

Theo Thu Phương

TheLEADER

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên