Bất động sản nghỉ dưỡng là "cuộc chơi" dài hơi
Mặc dù thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang phải chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, thế nhưng nhìn về tương lai phân khúc này vẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển.
Chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch covid-19 khiến phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng suy giảm trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, đâu đó ở một số địa phương có tiềm năng du lịch, nguồn cung mới vẫn được các chủ đầu tư tung ra thị trường trong nửa đầu năm 2021, tuy mức hấp thụ chậm hơn so với thời sôi động. Điều đó cho thấy các chủ đầu tư, giới đầu tư kì vọng vào sức bật của thị trường này sau khi đại dịch được kiểm soát.
Thanh khoản thấp kỷ lục
Giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đông người đã khiến thị trường bất động sản khá trầm lắng, đặc biệt là phân khúc nghỉ dưỡng do việc di chuyển, đi lại của các nhà đầu tư bị hạn chế. Bên cạnh đó, dịch covid-19 cũng đã khiến lượng khách du lịch sụt giảm mạnh ở các địa phương có BĐS nghỉ dưỡng phát triển mạnh.
Báo cáo của Tổng Cục thống kê cho biết năm 2020, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,8 triệu lượt người (chủ yếu là khách quốc tế đến Việt Nam vào quý 1/2020 – thời điểm dịch bệnh chưa phức tạp. Con số này giảm 78,7% so với năm trước. Nửa đầu năm 2021, do dịch Covid-19 vẫn phức tạp, Việt Nam chưa mở cửa du lịch quốc tế nên khách nước ngoài đạt 88,2 nghìn lượt, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đồng nghĩa, doanh thu du lịch lữ hành, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng bị sụt giảm rất mạnh.
Điều này khiến BĐS nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nặng nề. Mới đây, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thống kê, cho thấy 6 tháng đầu năm cho biết chỉ trừ rất ít dự án có tỉ lệ hấp thụ 30-40%, còn lại đa phần các dự án nghỉ dưỡng có giao dịch rất thấp. Đây là tỉ lệ giao dịch thấp nhất trong những năm qua. Báo cáo thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng cho biết quý 2/2021 nhấn mạnh giá cho thuê bình quân phòng khách sạn ghi nhận mức giảm 20-25% so với Quý trước.
Qua cơn bĩ cực đến hồi thai lai
Mặc dù ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thế nhưng phân khúc BĐS này vẫn đang chứng tỏ được tiềm năng trong dài hạn. Nửa đầu năm nay, vẫn có hàng loạt các dự án nghỉ dưỡng từ vùng biển đến miền núi trên cả nước vẫn được giới thiệu hoặc tung hàng mạnh mẽ. Có thể kể đến các dự án: The Holiday Ha Long, Sun Marina, Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn (Quảng Ninh); Selavia Phú Quốc, Sun Grand City Hillside Residence Phú Quốc, Long Beach Resort Phú Quốc (Kiên Giang); I-Tower Quy Nhơn, Takashi Ocean Suite Kỳ Co, Casa Marina Premium Quy Nhơn, Grand Center Quy Nhon (Bình Định), Vega City (Nha Trang, Khánh Hòa), Thanh Long Bay (Bình Thuận), Ivory Villas & Resort Hòa Bình, Legacy Hill Hòa Bình, Sakana Spa & Resort Hòa Bình, Apec Mandala Sky Villas Kim Bôi (Hòa Bình), Nhật Lệ Riverside, Dolce Penisola (Quảng Bình); Sapa Garden Hills (Lào Cai).
Như vậy, không khó để nhận ra nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang tăng lên, dù thanh khoản giảm mạnh. Báo cáo thị trường bất động sản quý 2/2021 của DKRA Vietnam ghi nhận nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng tăng khá mạnh ở phân khúc condotel và nhà phố/shophouse biển. Với loại hình nhà phố, shophouse biển nguồn cung tăng cao gấp 5 lần, condotel tăng 26% so với quý trước.
Lý giải thực tế này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định trong chiến lược phát triển kinh tế, du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn nên bất động sản nghỉ dưỡng có cơ hội lớn để phát triển. Cơ hội và tiềm năng này được nhìn ở chặng đường dài nên bất động sản nghỉ dưỡng là cuộc chơi dài hơi. Khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường sẽ tăng tốc mạnh.
Có chung niềm tin vào sức bật của thị trường du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng sau dịch, ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels APAC cho biết với những khó khăn lớn mà bất động sản nghĩ dưỡng đang phải đối mặt thì chiến dịch vaccine là giải pháp hữu hiệu để giải cứu được thị trường. Mục tiêu then chốt là cần phải triển khai, đẩy mạnh tiêm chủng vaccine nhằm hỗ trợ quá trình khôi phục hoạt động du lịch một cách an toàn và ổn định hơn trong thời gian tới. Có như thế, bất động sản nghỉ dưỡng mới dần phục hồi.