Kiểm định nhà biệt thự cổ mất 500 triệu đồng
Đến thời điểm này Sở Xây dựng Hà Nội vẫn chưa lập xong danh mục nhà nguy hiểm trên địa bàn Hà Nội.
- 24-09-2015Biệt thự cổ Hà Nội được bảo tồn như thế nào?
- 23-09-2015Chưa có hướng giải quyết đối với ngôi biệt thự cổ bị sập tại Hà Nội
- 23-09-2015Cận cảnh những biệt thự cổ... "chờ sập" ở Thủ đô
Chưa biết sập lúc nào
Sau vụ sập biệt thự cổ tại số 107 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) khiến 2 người tử vong, 5 người bị thương. Băn khoăn trước chất lượng các biệt thự cổ mà mình đang sinh sống, hàng ngàn người dân Thủ đô không biết lúc nào những ngôi nhà có tuổi thọ lâu đời này sẽ đổ sập (!).
Ông Nguyễn Phong, sống ở tầng 2 biệt thự số 8 Tăng Bạt Hổ (Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Cứ sống thôi chú à, hôm nọ xem ti vi nhìn ngôi nhà trên phố Trần Hưng Đạo tôi cũng sợ lắm chứ. Ngôi nhà này đã gần 100 tuổi, tôi ở đây đã 50 năm nhưng chưa thấy được cải tạo lại bao giờ. Nhà sập xệ, xuống cấp nên chưa biết sập lúc nào thôi”.
Được biết, biệt thự số 8 Tăng Bạt Hổ được xây dựng từ năm 1920, rộng 200 m2, hiện có 17 hộ sinh sống.
Theo quan sát của chúng tôi, các ngôi biệt thự cũ, cổ chủ yếu tập trung tại các quận như Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ. Hầu hết các biệt thự đều được xây dựng theo lối kiến trúc của Pháp và hầu hết được xây dựng từ đầu thế kỷ XX.
Ông Hoàng Tú, Trưởng ban 61, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng: Biệt thự 107 Trần Hưng Đạo vừa bị sập thuộc loại biệt thự đã xuống cấp, nhưng đến mức nguy hiểm phải di dời hay chưa thì lại là chuyện khác, chưa thể đánh giá vì chưa qua kiểm định. Tính sơ sơ, chi phí kiểm định mỗi ngôi nhà cổ lên tới hàng trăm triệu. Chẳng hạn như ngôi nhà vừa bị sập, nếu tiến hành kiểm định thì chi phí khoảng 500 triệu đồng vì diện tích nhà lớn”.
Tính đến thời điểm này, Sở Xây dựng vẫn chưa lập xong danh mục nhà nguy hiểm trên địa bàn Hà Nội.
“Tính đến thời điểm hiện tại, Sở Xây dựng vẫn chưa lập xong danh mục nhà nguy hiểm. Nguyên nhân là do chưa có báo cáo cụ thể của các cá nhân, đơn vị sử dụng nhà nên có căn cứ, cơ sở lập”, ông Hoàng Tú cho biết thêm.
Một trong những khó khăn liên quan đến quản lý hồ sơ các nhà biệt thự , do các tòa nhà cổ được xây dựng từ rất lâu, trải qua nhiều thời kỳ chiến tranh nên đến khi cơ quan quản lý tiếp quản thì hầu hết hồ sơ của các căn nhà này đã bị thất lạc hết.
Khẩn trương tìm nguyên nhân sập biệt thự
Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ông Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Công an thành phố khẩn trương việc giám định, xác định nguyên nhân cụ thể gây ra tai nạn, sự cố và xử lý theo quy định.
Cùng với đó, lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm có các giải pháp chống đỡ, tháo dỡ các công trình, hạng mục công trình có nguy cơ tiếp tục sập đổ...và bảo đảm an toàn cho nhân dân trong khu vực. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm, đơn vị quản lý sử dụng tòa nhà (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) phải khẩn trương khảo sát, đánh giá về chất lượng công trình, ảnh hưởng của sự cố khu nhà chính đến các công trình nhà ở còn lại trong khu đất 107 Trần Hưng Đạo.
Sau vụ sập nhà biệt thự 107 Trần Hưng Đạo, lãnh đạo Hà Nội cũng giao sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện tiếp tục rà soát toàn bộ các công trình biệt thự, nhà ở, nhà chung cư đã cũ, xuống cấp; đề xuất các giải pháp xử lý bảo đảm an toàn cho công trình và an toàn cho nhân dân.
Ngay sau khi xảy ra sự cố tại biệt thự 107 Trần Hưng Đạo, Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, triển khai việc rà soát, phát hiện các công trình, hạng mục công trình có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng.
“Các tỉnh, thành phố cần khẩn trương tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình, hạng mục công trình này và có biện pháp xử lý theo đúng quy định. Rà soát các công trình hết thời hạn sử dụng trên địa bàn, trong đó đặc biệt lưu ý các biệt thự cũ và các nhà cổ, có biện pháp xử lý theo đúng quy định”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng ông Lê Quang Hùng cho hay.
Trên địa bàn Hà Nội có tổng số 1.565 biệt thự, trong đó 225 biệt thự thuộc nhóm 1 (nhóm phải giữ nguyên kiến trúc, trong trường hợp xuống cấp, nguy hiểm cần phải phá đi thì buộc xây lại như cũ); 382 biệt thự nhóm 2 (buộc phải giữ nguyên vỏ kiến trúc bên ngoài còn bên trong được cải tạo, thay đổi công năng sử dụng) và có 646 biệt thự nhóm 3 (những biệt thự được ứng xử theo nguyên tắc thị trường, tức là được xây dựng, sửa chữa song vẫn phải làm thủ tục kiểm định, đánh giá). Còn lại là 312 biệt thự gồm những biệt thự đã biến mất, chỉ còn trên sổ sách, bị hư hỏng, phá hủy.
BizLive