MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lời giải nào cho chung cư chưa có sổ hồng?

14-09-2015 - 17:28 PM | Bất động sản

Việc chủ đầu tư đã bàn giao căn hộ cho khách nhưng vẫn nợ sổ hồng không còn xa lạ. Nguyên nhân thì nhiều nhưng xem ra giải pháp triệt để vẫn là chuyện của tương lai.

Dài cổ chờ sổ hồng

Vấn đề chủ đầu tư chậm bàn giao Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hay còn gọi là sổ hồng đã được người dân phản ánh rất nhiều trong thời gian qua. Đặc biệt tại những dự án đã hoàn công, thu hết tiền và bàn giao nhà cho người mua đến ở đã nhiều năm.

Cụ thể, chung cư Tôn Thất Thuyết ngay tại trung tâm Q.4, dù chủ đầu tư đã bàn giao nhà cho người dân gần chục năm nay, nhưng cư dân vẫn chưa được cấp sổ hồng. Điều này đã gây ra nhiều phiền toái cho người mua nhà khi có nhu cầu muốn bán hoặc sử dụng làm tài sản thế chấp để vay ngân hàng.

Tương tự, chung cư Tân Hồng Ngọc (Rubyland) (4 Lê Quát, P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú, TP.HCM) do CTCP Tân Hoàng Thắng làm chủ đầu tư, mặc dù đã giao nhà cho cư dân ở suốt 6 năm qua, nhưng đến nay chủ nhân của những căn hộ tại đây vẫn chưa thể nhận được giấy tờ nhà. Theo phản ánh của người dân, một trong những nguyên nhân của việc bàn giao nhà cho cư dân nhưng vẫn nợ sổ hồng là do chủ đầu tư còn nợ thuế. Tệ hại hơn, chủ đầu tư đã đem tài sản này thế chấp tại ngân hàng.

Cùng chung cảnh ngộ, các cư dân tại chung cư Blue Sapphire Bình Phú (229 Bình Phú, P.10, Q.6, TP.HCM) do Công ty TNHH Kim Huỳnh (Cotec Kim Huỳnh) làm chủ đầu tư, đã từng bị chủ đầu tư trễ hẹn bàn giao nhà so với cam kết trên hợp đồng tới 20 tháng. Sau khi bàn giao nhà trễ vào năm 2012, chủ đầu tư lại tiếp tục lỗi hẹn bàn giao sổ hồng cho khách.

Ông Trương Văn Hai, chủ nhân một căn hộ tại chung cư Bình Phú cho hay: “Đã rất nhiều lần trao đổi vấn đề này với chủ đầu tư mong được giải quyết rốt ráo, thế nhưng họ vẫn cứ “ầu ơ ví dầu” hoài cho tới nay”. Theo thông tin từ Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất và Quyền sở hữu nhà ở của Sở TN&MT TP.HCM, hiện chủ đầu tư dự án vẫn chưa nộp hồ sơ xin giấy chứng nhận cho cơ quan này.

Vì sao?

Trao đổi với phóng viên về việc chậm làm sổ hồng cho người mua nhà tại các dự án chung cư trên địa bàn TP.HCM, Luật sư Trần Thái Bình đã nêu ra một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Theo quy định, việc cấp sổ hồng chung cư sẽ được thực hiện khi chủ đầu tư đã hoàn công công trình và hoàn thành các tiện ích khác. Vì thế, sau khi hoàn tất hồ sơ hoàn công rồi mới thực hiện hồ sơ cấp sổ hồng cho từng căn hộ được. Một khi chủ đầu tư chậm hoàn thiện công trình như thiết kế đã được phê duyệt, sẽ dẫn đến tình trạng chậm hoàn tất hồ sơ làm sổ hồng.

Trường hợp chung cư đã bàn giao nhiều năm mà chưa có sổ hồng có thể do chủ đầu tư đã không thực hiện như cam kết là xây dựng các công trình tiện ích, công trình xã hội, dẫn đến việc không đủ điều kiện làm hồ sơ cấp sổ hồng. Hoặc do chủ đầu tư không làm đúng theo phê duyệt dự án nên xảy ra vướng mắc. Cuối cùng người mua chịu thiệt.

Ngoài ra, hiện nay tại nhiều chung cư, người mua nhà cũng phản ánh trường hợp chủ đầu tư đã xin cấp được sổ hồng nhưng lại mang thế chấp ngân hàng để vay thêm vốn nên dẫn đến ách tắc trong quá trình làm hồ sơ xin cấp sổ hồng cho các chủ căn hộ.

Liệu việc chủ đầu tư mang tài sản đi thế chấp trong khi đã bán nhà cho người dân có thể coi là hành vi vi phạm pháp luật?

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trần Thái Bình chia sẻ, việc chủ đầu tư mang tài sản đi thế chấp trong khi đã bán nhà cho người dân có thể coi là hành vi lường gạt.

“Tuy nhiên, ngân hàng trước khi cho vay cần phải kiểm tra và sẽ biết tài sản thực tế đã bán cho các cư dân rồi thì vì sao chủ đầu tư có thể mang giấy tờ dự án để đi thế chấp được. Theo tôi trường hợp này nếu ngân hàng không tiếp tay thì khó có thể làm như vậy được. Do đó, chắc chắn có sự lừa đảo ở đây”, Luật sư Bình nói.

 Giải pháp

Những quy định về việc cấp sổ hồng rất rõ ràng, người mua phải nghiên cứu rất kỹ về pháp lý của dự án và uy tín của chủ đầu tư. Việc hạn chế rủi ro và xử lý hành vi vi phạm căn cứ theo hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư với người mua và quy định của pháp luật.

Trao đổi về việc giải quyết vấn đề chậm làm sổ hồng tại các dự án chung cư hiện nay, Luật sư Bình cho biết: “Hiện nay, luật mới quy định cũng tương đối chặt chẽ như chủ đầu tư phải được ngân hàng bảo lãnh, không được giao dịch bán nhà đã thế chấp, phải thực hiện thủ tục xin cấp sổ hồng trong vòng 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà”.

Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có, vì không thể xem đó chỉ là mối quan hệ đơn thuần giữa người mua nhà và chủ đầu tư, do người mua nhà luôn ở thế yếu so với chủ đầu tư và không thể tự kiểm soát hết được những rủi ro trong giao dịch.

Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước, quản lý về xây dựng phải có những biện pháp thanh tra, kiểm tra định kỳ những chủ đầu tư làm sai, sớm có biện pháp hỗ trợ người mua nhà, can thiệp để chủ đầu tư tuân thủ đúng theo quy hoạch, giấy phép xây dựng nhằm có đủ điều kiện bắt buộc để chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục làm Giấy chứng nhận Quyền sở hữu nhà ở cho khách hàng.

Theo Nghị định 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (có hiệu lực từ ngày 25/12/2014), chủ đầu tư nhận trách nhiệm làm sổ hồng cho người mua nhà ở, nếu chậm làm thủ tục cấp giấy sẽ bị phạt nặng.

Cụ thể, chủ đầu tư chậm cấp sổ hồng cho người dân từ 3-6 tháng sẽ bị xử phạt 10-100 triệu đồng; từ 6-9 tháng phạt 30-300 triệu đồng; từ 9-12 tháng phạt 50-500 triệu đồng; từ trên 12 tháng trở lên phạt 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

(Nguồn: vanban.chinhphu.vn)

Theo Hải Yến

Người Tiêu Dùng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên