MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiền mất, nhà không

02-11-2015 - 09:20 AM | Bất động sản

Để có tiền đóng cho Công ty Thành Trường Lộc-chủ đầu tư dự án căn hộ 4S Riverside Linh Đông, ông Kiên đã vay mượn khắp nơi. Tuy nhiên, dù ông Kiên đã thanh toán hơn 700 triệu đồng trên tổng giá trị 1,1 tỷ đồng, nhưng Thành Trường Lộc luôn tìm mọi cách ép ông thanh lý hợp đồng, và phạt vi phạm hợp đồng tương ứng 30% giá trị hợp đồng.

“Tôi đã rất thiện chí”

Theo trình bày của ông Kiên, ngày 24-8-2013, ông đã ký hợp đồng mua căn hộ A2-12-12, diện tích 75m2 với tổng giá trị 1,1 tỷ đồng, thanh toán từng đợt theo thỏa thuận. Chủ đầu tư cam kết bàn giao căn hộ theo thời gian dự kiến 24 tháng (tức đến 8-2015) kể từ thời điểm ký hợp đồng.

Từ tháng 8-2013 đến tháng 11-2013, ông Kiên thanh toán tổng cộng số tiền gần 303 triệu đồng cho 3 kỳ. Kể từ tháng 11-2013 trở đi, nhận thấy dự án không được chủ đầu tư thi công, công ty không nhắc nhở lịch đóng tiền, một phần do kinh tế gia đình gặp khó khăn, nên ông Kiên đã ngưng đóng tiền cho công ty theo tiến độ cam kết.

Từ đầu năm 2015 đến tháng 6-2015, ông Kiên cho biết đã nhận được 3 thư nhắc nợ từ Công ty Thành Trường Lộc. Theo đó, Thành Trường Lộc thông báo số tiền thiếu đến ngày 24-6-2015 là 482 triệu đồng và số tiền phạt chậm trả gần 54 triệu đồng. Nhận được thông báo thanh toán số tiền lớn quá gấp, ông Kiên đã liên hệ với Thành Trường Lộc xin giãn tiến độ thanh toán. Qua bộ phận chăm sóc khác hàng, ông Kiên được đề nghị phải thanh toán tối thiểu 300 triệu đồng và tiếp tục thanh toán số tiền thiếu.

Dù điều kiện khó khăn, ông Kiên vẫn cố gắng thanh toán 300 triệu đồng vào ngày 12-8-2015. Từ ngày 17 đến 22-9-2015, ông Kiên tiếp tục thanh toán 100 triệu đồng, còn thiếu 82 triệu đồng. Thế nhưng ngày 15-10-2015, công ty đã ra văn bản thông báo thanh lý hợp đồng do khách hàng tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng. “Tôi đã 3 lần gửi thư điện tử bày tỏ ý kiến, nguyện vọng muốn cho tiếp tục thanh toán số tiền còn thiếu 82 triệu đồng tiền gốc và lãi phạt trong thời hạn công ty đề nghị, nhưng các thư trả lời chỉ nhắm vào mục đích thanh lý” - ông Kiên kể.

Bằng thông báo trên, ông Kiên cho biết Thành Trường Lộc đã thẳng tay trừ 30% tổng giá trị hợp đồng và chi phí lãi phạt; yêu cầu khách hàng bồi thường các tổn thất hoặc thiệt hại phát sinh; sau khi trừ đi khoản tiền bồi thường thiệt hại, lãi trễ hạn, tiền bồi thường... công ty hoàn trả lại tiền cho khách hàng khi nhận được tiền bán lại căn hộ A2-12-12 cho một khách hàng khác.

Cụ thể, trong gần 703 triệu đồng ông Kiên đã thanh toán, công ty chỉ tạm tính hoàn trả lại số tiền vỏn vẹn 295 triệu đồng, do trừ đi gần 343 triệu đồng vi phạm hợp đồng tương ứng 30% giá trị hợp đồng, 65 triệu đồng lãi chậm thanh toán tính đến ngày 12-10-2015.

Thiếu chữ tình

“Điều phi lý là khi chủ đầu tư ngưng thi công dự án, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ khó khăn, mặc dù họ không thèm thông báo lý do. Bằng chứng cho sự chậm trễ này là công ty ký hợp đồng với khách hàng vào tháng 8-2013 (theo quy định phải xong móng mới được bán), nhưng theo cập nhật tiến độ của các công ty môi giới thì đến tháng 8-2014 block A đang xây dựng dở dang phần móng! Và khi dự án chỉ vừa mới thi công trở lại, họ liên tục ép khách hàng đóng số tiền lớn trong thời gian ngắn, thẳng tay phạt khách hàng và tìm cách thanh lý hợp đồng để trục lợi hàng trăm triệu đồng của những người quá bức xúc về nhà ở như chúng tôi.

Theo cam kết hợp đồng, tính đến tháng 8-2015, chủ đầu tư phải bàn giao căn hộ cho khách hàng, song hiện tại dự án vẫn đang xây dựng phần thô dở dang, dự kiến phải sang năm 2016 mới bàn giao. Rõ ràng, động thái thanh lý hợp đồng khi dự án chưa hoàn thiện của chủ đầu tư không đúng với tinh thần hợp tác đôi bên cùng có lợi, chia sẻ khó khăn giữa lúc thị trường khó khăn” - ông Kiên bày tỏ.

Qua các tài liệu, chứng cứ và phản ánh của ông Kiên, để làm rõ sự việc cũng như đảm bảo tính khách quan, ĐTTC đã liên hệ bà Nguyễn Thị Song Tùng, Phó Giám đốc Công ty Thành Trường Lộc, để trao đổi. Bà Tùng đề nghị phỏng vấn qua email để phòng chăm sóc khách hàng công ty có thể trả lời một cách đầy đủ các câu hỏi của phóng viên.

Theo đó, Thành Trường Lộc khẳng định công ty không ngưng thi công như phản ánh; và cho rằng ông Kiên có lịch sử thanh toán tổng cộng 20 đợt trễ hạn (bắt đầu từ 21-11-2013). Đợt thanh toán trễ hạn nhất là 19 tháng, đợt thanh toán trễ hạn ít nhất là 3 tháng. Hợp đồng của ông Kiên là hợp đồng trả góp, khách hàng tự thanh toán theo lịch thanh toán quy định tại phụ lục 2 của hợp đồng.

Trả lời vấn đề tại sao đã du di để khách hàng chậm thanh toán trong thời gian dài, nhưng đến lúc ông Kiên đang nỗ lực thanh toán (qua việc 12-8-2015 đến 22-9-2015, ông Kiên đã đóng cho công ty thêm 400 triệu đồng theo đề nghị của công ty) thì công ty lại đột ngột tiến hành thanh lý, Thành Trường Lộc cho biết: “Công ty có đầy đủ thông tin pháp lý và hồ sơ liên quan để chứng minh công ty đã đồng hành cùng với khách hàng Kiên để khuyến khích khách hàng thanh toán đúng hạn kể từ ngày 21-11-2013 đến tháng 2-2015, nhưng khách hàng Kiên đã không tự giác thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo quy định của hợp đồng.

Quan trọng hơn là mặc dù đã quá trễ hạn thanh toán, nhưng khách hàng Kiên không có bất cứ một phản hồi hay một văn bản xin gia hạn thời gian thanh toán nào và ông Kiên không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh công ty chấp thuận việc thanh toán trễ hạn của ông.

Cho đến ngày 12-9-2015, sau khi nhận được thông báo thu hồi căn hộ của công ty, khách hàng mới tiếp tục thanh toán theo lịch khách hàng đề nghị. Tuy nhiên, khách hàng cũng không thực hiện đúng và đủ như những gì khách hàng đã cam kết, đồng thời khách hàng không chấp thuận lãi trễ hạn. Do vậy, đến tháng 10-2015, công ty mới ra quyết định thu hồi căn hộ”.

Mức phạt quá cao?

Trao đổi với ĐTTC số tiền phạt vi phạm hợp đồng tương ứng 30% giá trị hợp đồng do tự công ty quy định trong hợp đồng hay dựa vào quy định nào của pháp luật, Thành Trường Lộc trả lời: “Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên và được pháp luật tôn trọng, khi các bên tham gia ký kết hợp đồng đủ điều kiện minh mẫn và năng lực hành vi theo quy định. Các nội dung lãi phạt trong hợp đồng được xây dựng dựa trên sự công bằng và được các bên tham gia hợp đồng tự nguyện ký đồng thuận.

Thực tế việc vi phạm thanh toán của ông Kiên đã rơi vào điều khoản phạt như đã thông báo (trễ hạn thanh toán vượt quá 60 ngày). Tuy nhiên, công ty cũng đã mời ông Kiên làm việc vào ngày 30-10-2015 để giải quyết nội dung thanh lý hợp đồng và đưa ra kết quả cụ thể. Nhưng ông Kiên đã từ chối, có nghĩa là ông Kiên đã từ chối quyền lợi mà công ty có thể suy xét đối với trường hợp thanh lý hợp đồng của ông Kiên”.

Theo tìm hiểu của ĐTTC, trong bối cảnh thị trường BĐS khó khăn nói chung, thực tế có doanh nghiệp BĐS thu tiền của khách hàng hàng chục năm trời vẫn chưa thể giao nhà và ngược lại. Do đó, trong trường hợp xấu nhất phải thanh lý hợp đồng, công ty chỉ “phạt” 2-3% để bù đắp chi phí làm thủ tục, hồ sơ. Nhưng Thành Trường Lộc phạt khách hàng tới 30% giá trị hợp đồng.

Về việc này, Thành Trường Lộc cho biết đã kinh doanh và xây dựng văn hóa là một công ty BĐS hoạt động dựa trên tiêu chí quyền lợi và sự công bằng của khách hàng trước quyền lợi của công ty.

Nếu gặp trường hợp “chẳng đặng đừng” công ty mới thanh lý hợp đồng với khách hàng. Khi đó, công ty đã suy xét cặn kẽ tất cả các nội dung liên quan đến tinh thần hợp đồng cũng như tinh thần hợp tác của khách hàng, để cùng đồng hành với khách hàng ở mức “cao nhất”.

Qua đó, chỉ thanh lý và xử lý hợp đồng theo hình thức lấy lại chi phí đã bỏ ra khi công ty ký hợp đồng với khách hàng (phí trả môi giới cho đơn vị phân phối sản phẩm, lãi vay do chủ đầu tư mượn vốn ngân hàng bù vào số tiền khách hàng chậm trả để đưa vào thi công công trình).

Theo Minh Tuấn

Sài Gòn Đầu tư Tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên