MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP HCM: Cầu vượt dành cho người đi bộ đang bị lãng quên

18-06-2015 - 07:48 AM | Bất động sản

Hơn chục cầu bộ hành hiện hữu tại các quận trung tâm của thành phố đang bị chìm vào… quên lãng, gây lãng phí.

Hiện Tp.HCM có nhiều cầu vượt dành cho người đi bộ rải khắp các quận nội, ngoại thành như: cầu vượt Suối Tiên (Thủ Đức), cầu vượt Văn Thánh (Bình Thạnh), cầu Nơ Trang Long (Bình Thạnh), cầu Bệnh viện Từ Dũ (Q.1), cầu Nguyễn Trãi (Q.5) và cầu Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận)…

Sau một thời gian ngắn hoạt động, cầu bộ hành bệnh viện (BV) Ung Bướu, BV Nguyễn Trãi, BV Từ Dũ… đã lâm vào cảnh “chợ chiều” mặc dù đã đầu tư xây dựng với kinh phí gần 1,5 tỷ đồng mỗi cầu từ ngân sách thành phố. Hầu hết các cầu này đều lâm vào cảnh nhếch nhác, không người sử dụng.

Được biết, do mật độ giao thông trên những tuyến đường này khá cao nên trước đây thường xảy ra tai nạn giao thông cho người qua lại giữa hai khu điều trị của BV. Tp.HCM đã lập tức đầu tư ngay chiếc cầu này nhằm giải phóng ùn tắc, kẹt xe nhưng cho đến thời điểm hiện tại mọi việc không những không có tiến triển mà còn trở thành một trong những “điểm đen” về kẹt xe của thành phố.

Bác Trần Văn Tài, chạy xe ôm hàng ngày trước cổng BV Ung Bướu, cho biết: “Cầu vượt không có một bóng người qua lại trong khi đó dưới lòng đường mọi người vẫn cứ “hiên ngang” băng qua đường. Vào những giờ cao điểm, tình trạng kẹt xe nặng trước cổng bệnh viện là không thể tránh khỏi. Không chỉ có người dân, bệnh nhân không sử dụng cầu bộ hành, mà chính cả nhân viên y tế, bác sĩ, y sĩ vẫn không sử dụng chiếc cầu dành riêng cho người đi bộ này”.

Cây cầu bộ hành dài trên 40m bắc qua đường Điện Biên Phủ trước chợ Văn Thánh, được xây dựng từ năm 2000 với kinh phí 1,3 tỷ đồng và nằm ở một địa thế rất hợp lý bởi là cửa ngõ ra vào. Cầu chỉ đông người khi trời còn tờ mờ sáng, nhưng đó là những người đi tập thể dục. Còn từ khi mặt trời lên cao cho đến xế chiều thì người qua lại cây cầu này lại rất hiếm hoi. Chiều đến, trời mát, xe cộ lưu thông tấp nập, những cư dân xung quanh nơi đây đến tụ họp, đứng dọc 2 bên hành lang  trên cầu  để... ngắm cảnh xe cộ qua lại và hóng gió.

Một người dân cho biết: “Cầu cao trên 10m nên lên xuống khó khăn, cạnh đó là ngã tư đã có đèn tín hiệu giao thông và đường dành riêng cho người đi bộ  băng qua đường. Chính vì vậy, cầu này chỉ dùng để… ngắm cảnh, chụp ảnh là chính”.

Cảnh tương tự này đang diễn ra trên hầu hết những cầu bộ hành nằm dọc theo chiều dài của đại lộ Võ Văn Kiệt. Bất chấp lưu lượng xe lưu thông khá cao, người dân vẫn ngang nhiên băng qua lòng đường chứ không sử dụng phần đường, cầu dành riêng cho mình.

Một số chuyên gia trong ngành cầu đường nhận định rằng việc bố trí những cây cầu bộ hành hiện hữu chưa thật sự hợp lý. Các cầu vượt đa số lại xây dựng ngay các BV lớn nhằm dành cho bệnh nhân, người già yếu, những người có sức khoẻ không tốt. Tuy nhiên, một điều lại rất dễ nhận thấy là những người này lại không “đủ sức” để leo lên cầu vượt dành cho mình ở độ cao từ 5m – 10m. Điều này dễ hiểu vì sao một bà bầu vẫn thích “mạo hiểm” băng qua đường hơn là leo lên cầu vượt ngay trước BV Nguyễn Trãi!

Được biết, Khu quản lý Giao thông đô thị số 2 vừa đề xuất với Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM về việc xây thêm 2 cầu vượt bộ hành qua đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, Mục đích của 2 cầu vượt bộ hành này là phục vụ sinh viên các trường Hutech, trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng và người dân trong khu vực, người dân xuống xe khách khu vực giao lộ D2 – Điện Biên Phủ.

Kiến trúc sư Trần Đăng Khoa, Trưởng phòng kiến trúc đô thị Công ty Cổ phần Arct Trần, cho biết: “Trước đây, khi quy hoạch những loại cầu này chúng ta chưa thật sự đề cao vấn đề quy hoạch, thẩm mỹ, cũng như những bài toán về kinh tế. Để giải bài toán về chất lượng và công năng, các cây cầu vượt bộ hành nên được xã hội hoá ngay từ khâu thiết kế, thông qua việc tổ chức thi phương án”.

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên