MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ Tập đoàn Keangnam có nguy cơ phá sản: Nguy cơ mất trắng gói bảo trì 160 tỉ của dân

13-05-2015 - 15:03 PM | Bất động sản

Sau hơn 4 năm (từ tháng 3.2011 đến tháng 4.2015) ròng rã đấu tranh với chủ đầu tư thông qua con đường công văn, đàm phán không đạt kết quả, cư dân ở chung cư Keangnam Hanoi Landmark Tower đang hoang mang trước nguy cơ mất trắng số tiền quỹ bảo trì lên tới hơn 160 tỉ đồng, hiện vẫn chưa được hoàn trả cho Ban Quản trị (BQT).

Đứng ngồi không yên vì 160 tỉ

Công trình Keangnam Hanoi Landmark Tower, được khởi công từ năm 2008, là một khu phức hợp khách sạn – văn phòng – căn hộ cao cấp được đầu tư xây dựng tại đường Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội bởi tập đoàn Keangnam (Hàn Quốc).

Trao đổi với PV, anh Phạm Văn Công – Thường trực BQT nhà chung cư Keangnam cho biết: Hiện nay, chủ đầu tư Keangnam vẫn còn 23 căn hộ chung cư chưa bán, còn lại khách hàng đã đóng hoàn tất 2% phí bảo trì khi mua căn hộ cho chủ đầu tư.

Theo đó, với 922 căn hộ cao cấp, giá bán trung bình 60 triệu đồng/m2, khoản phí bảo trì được BQT tòa nhà Keangnam ước tính lên đến 160 tỉ đồng, chưa tính lãi suất ngân hàng.

Tuy nhiên, về phía chủ đầu tư, ngày 29.12.2014, Công ty TNHH MTV Keangnam Việt Nam (Keangnam Vina) đã thông báo tổng quỹ bảo trì 2% và tiền lãi là 125 tỉ đồng (chưa tính lãi suất ngân hàng và phần diện tích bán lẻ mà chủ đầu tư giữ lại). Số tiền trên bao gồm cả các khoản đã thanh toán cho phí bảo trì của hai tòa căn hộ trong suốt thời gian qua.

Mặt khác, đến tháng 3.2015, Công ty Keangnam gửi công văn cho cư dân nêu rõ số tiền bảo trì đã sử dụng là hơn 1,7 tỉ đồng và đề nghị trả cho BQT của cư dân trong vòng 25 năm, mỗi năm 5 tỉ đồng.

“Phương án này BQT không chấp nhận do số tiền trả hàng năm nhỏ hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng” – anh Công cho biết.

Trong khi báo chí Hàn Quốc tưng bừng rao bán “niềm tự hào của Hà Nội” với giá 770 triệu USD thì cư dân ở chung cư Keangnam lại phấp phỏm trước nguy cơ quỹ bảo trì có khả năng bị mất trắng.

“Điều chúng tôi lo ngại nhất hiện nay là nếu họ bán xong nốt tòa nhà này rồi rút khỏi Việt Nam thì ai sẽ là người trả tiền phí bảo trì cho chúng tôi” – Chị Thanh Nga (cư dân sống tại chung cư Keangnam) bức xúc cho biết.

 

 Ban quản trị đại điện cư dân Keangnam gửi đơn "kêu cứu" tới Thủ tưởng Chính phủ và chính quyền các cấp.

Vẫn cứ đợi chờ…

Theo đại diện BQT chung cư Keangnam, từ năm 2011 đến nay, cư dân và Keangnam Vina đã làm việc qua văn bản và đàm phán nhiều lần về vấn đề này tuy nhiên không đạt được thỏa thuận chung.

Trước tình hình đó, đại diện BQT đã đồng thời gửi công văn đến Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị vào cuộc giải quyết. Tuy nhiên, chưa có động thái nào từ các cơ quan này.

Mới đây ngày 8.5, BQT tòa nhà đã thay mặt các hộ dân sinh sống tại đây gửi văn bản “cầu cứu” Thủ tướng giải quyết.

Trong đó nêu rõ nguyện vọng: “Trường hợp Tập đoàn Keangnam bị phá sản, phải bán tòa nhà 72 tầng, Chính phủ chỉ chấp thuận cho chuyển nhượng tài sản sau khi đã hoàn trả cho cư dân Keangnam quỹ bảo trì này. Giao Bộ Xây dựng tính toán chính xác số tiền quỹ bảo trì để làm cơ sở cho chủ đầu tư hoàn trả lại quỹ cho cư dân”.

Trước nguy cơ không đòi được quỹ 2% từ chủ đầu tư, anh Minh Trí (cư dân sống tại chung cư Keangnam) bày tỏ: “Trong trường hợp xấu nhất nếu chủ đầu tư không thể hoàn tiền, tôi hy vọng họ có thể trả cho cư dân bằng tài sản, căn hộ để cư dân có thể cho thuê hoặc bán đi lấy tiền để bù đắp thiệt hại”.

Dưới góc độ chuyên gia, TS Vũ Đắc Độ (Nguyên Phó trưởng khoa Kinh tế, HVBC&TT) chia sẻ quan điểm: “Trước hết, Tập đoàn Keangnam cần minh bạch trong việc tính toán về quỹ bảo trì và tiền lãi cho BQT. Dù đang trong thời kỳ khủng hoảng thì vẫn phải đảm bảo lợi ích cho khách hàng. Về phía cư dân cũng không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế khi không có biểu hiện lừa đảo hoặc chưa chứng minh được thiệt hại. Trong trường hợp Keangnam không thể hoàn trả số tiền theo đúng quy định của pháp luật, BQT có thể đại diện cư dân khởi kiện vụ việc ra tòa án kinh tế.”

Theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD ngày 28.5.2008 của Bộ Xây dựng, ban hành quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, quy định rõ khoản phí bảo trì 2% của nhà chung cư sẽ phải chuyển lại cho BQT sau khi được thành lập để duy tu, bảo trì tòa nhà.

Theo Khánh Linh

PV

Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên