MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất đồng về hạn ngạch sản xuất, một quốc gia thành viên tuyên bố rời OPEC

27-12-2023 - 10:04 AM | Tài chính quốc tế

Angola cho biết sẽ rời Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) vì bất đồng về hạn ngạch sản xuất, một động thái sẽ giảm số lượng thành viên của tổ chức này xuống còn 12 nước.

Bất đồng về hạn ngạch sản xuất, một quốc gia thành viên tuyên bố rời OPEC - Ảnh 1.

Hãng thông tấn Al Jazeera mới đây đưa tin, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Angola ông Diamantino Azevedo phát biểu trên truyền hình hôm hôm 21/12 cho biết, quốc gia sản xuất khoảng 1,1 triệu thùng dầu mỗi ngày này sẽ rời OPEC với lý do tổ chức không phục vụ lợi ích của đất nước ông.

Theo Bloomberg, sự ra đi của Angola sẽ thu hẹp quy mô OPEC xuống còn 12 quốc gia thành viên vào thời điểm tổ chức này đang phải vật lộn để tăng giá dầu, vốn đã sụt giảm gần 20% trong ba tháng qua.

Được lãnh đạo bởi Ả Rập Saudi, OPEC và các đối tác trong nhóm OPEC+ (bao gồm Nga) đã cắt giảm sản lượng để bù đắp cho sản lượng đang bùng nổ của Mỹ nhưng chỉ thành công một phần.

Giá dầu thô Brent kỳ hạn ban đầu giảm 2,4% sau thông tin này, nhưng sau đó đã phục hồi để giao dịch ở mức gần 79 USD/thùng.

Bob McNally - chủ tịch công ty tư vấn năng lượng Rapidan Energy Group có trụ sở tại Mỹ và là cựu quan chức Nhà Trắng - cho biết: “Việc đó không báo hiệu sự rạn nứt sắp xảy ra trong mối đoàn kết của OPEC+ cũng như không gây nguy hiểm cho việc cắt giảm nguồn cung trong thời gian ngắn. Việc đó nói lên rằng, OPEC+ phải tiếp tục hành động cùng nhau trong vài năm tới.”

Angola phải giảm hạn ngạch sản xuất vào năm 2024

Theo Bloomberg, khi OPEC+ gặp khó khăn trong năm nay, Ả Rập Saudi đã gây thêm áp lực lên các thành viên nhỏ hơn để hỗ trợ các nỗ lực của mình - chẳng hạn như Angola.

Xung đột giữa nước này với giới lãnh đạo OPEC nổi lên vào tháng 6, khi một thỏa thuận trao quota sản lượng dầu cao hơn cho Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) buộc Angola phải chấp nhận giảm hạn ngạch sản xuất vào năm 2024.

Bộ trưởng Diamantino Azevedo nói “Vai trò của chúng tôi trong tổ chức này được cho là không phù hợp” khi tuyên bố rời OPEC sau cuộc họp Nội các Angola hôm 21/12.

“Đó không phải là một quyết định được đưa ra một cách nhẹ nhàng – thời điểm đã đến”, ông Azevedo nói.

Bất đồng về hạn ngạch sản xuất, một quốc gia thành viên tuyên bố rời OPEC - Ảnh 2.

Diamantino Azevedo - Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Angola - xác nhận quyết định của quốc gia. Ảnh: GBJournal

Dữ liệu của Bloomberg cho thấy, từng là nhà sản xuất dầu lớn nhất châu Phi, sản lượng của Angola đã giảm khoảng 40% trong 8 năm qua xuống còn khoảng 1,14 triệu thùng/ngày do nước này không đầu tư đủ vào các mỏ dầu nước sâu đã lạc hậu. Kết quả là sản lượng dầu của nước này thấp hơn đáng kể so với mục tiêu đã thỏa thuận với các đối tác trong OPEC.

Trong khi trữ lượng dầu của Angola thu hút các tập đoàn năng lượng lớn như BP, Exxon Mobil và Chevron, các mỏ nước sâu của họ lại sụt giảm sản lượng nhanh hơn so với các mỏ trên đất liền. Môi trường thuế của Angola cũng cản trở hoạt động đầu tư, vốn bị ảnh hưởng nặng nề khi giá dầu thô suy giảm từ năm 2014 đến năm 2016.

Do tranh chấp về hạn ngạch sản lượng dầu leo thang vào tháng trước, OPEC buộc phải trì hoãn Hội nghị Bộ trưởng OPEC+ thêm 4 ngày. Và cuối cùng, tại hội nghị, OPEC đã áp đặt hạn ngạch dưới 1,1 triệu thùng/ngày đối với Angola, thấp hơn sản lượng hiện tại.

Ngay sau khi hội nghị của OPEC+ kết thúc vào ngày 30/11, Estevao Pedro - người liên lạc của Angola với tổ chức này - nói với Bloomberg rằng, nước ông đã từ chối hạn ngạch mới và sẽ tiếp tục bơm dầu nhiều nhất có thể.

Mối quan hệ tan vỡ

Theo Bloomberg, động thái như vậy hoàn toàn mang tính biểu tượng vì sản lượng của Angola có thể sẽ tiếp tục giảm. Nhưng quyết định rời OPEC của nước này cho thấy mối quan hệ của họ với giới lãnh đạo OPEC đã tan vỡ.

Bộ trưởng Azevedo nói: “Với tư cách là một quốc gia, khi chúng tôi tham gia, đó là đóng góp và mong đợi những kết quả phù hợp với lợi ích của chúng tôi. Khi điều này không xảy ra, chúng tôi trở nên dư thừa và việc chúng tôi ở lại tổ chức không còn ý nghĩa gì nữa.”

Bất đồng về hạn ngạch sản xuất, một quốc gia thành viên tuyên bố rời OPEC - Ảnh 3.

Công nhân làm việc trên giàn khoan dầu ở khu vực xung quanh bờ biển Angola. Ảnh: AFP

Liên minh OPEC+, bao gồm 13 quốc gia thành viên OPEC do Saudi Arabia lãnh đạo và 10 quốc gia khai thác dầu thô ngoài khối OPEC do Nga đứng đầu, đã cam kết cắt giảm sản lượng dầu nhiều lần trong năm qua để tăng giá và qua đó tăng doanh thu cho 23 thành viên.

Nhưng có những dấu hiệu cho thấy biện pháp can thiệp này đã phản tác dụng khi tạo ra lợi thế cho các đối thủ như các công ty khai thác đá phiến của Mỹ, đẩy sản lượng tại Mỹ lên mức kỷ lục.

Theo Bloomberg, một số thành viên khác đã rời OPEC trong những năm gần đây vì nhiều lý do khác nhau, bao gồm: Qatar, Indonesia và gần đây nhất là Ecuador. Tuy nhiên, OPEC cũng đã xoa dịu sự bất đồng về hạn ngạch sản xuất tương tự của Nigeria, và việc Angola rời bỏ tổ chức này ở thời điểm hiện tại chỉ là một trường hợp cá biệt.

Richard Bronze - người đứng đầu bộ phận địa chính trị tại công ty tư vấn Energy Aspects có trụ sở tại Anh - cho biết: “Không có tác động nào đến dự báo nguồn cung vì Angola đã sản xuất hết năng lực thay vì hạn chế sản lượng do hạn ngạch của OPEC+. Việc này không ảnh hưởng trực tiếp đến hạn ngạch hoặc kế hoạch sản xuất của các quốc gia OPEC+ khác.”

Theo Hữu Hiển

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên