MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bất đồng về triển vọng thị trường dầu mỏ sau đại dịch Covid-19

17-03-2021 - 18:50 PM | Thị trường

Bất đồng về triển vọng thị trường dầu mỏ sau đại dịch Covid-19

Hoạt động giao dịch dầu thô kỳ hạn hiện đang trong tình trạng như những tháng đầu tiên khi mới xảy ra đại dịch Covid-19, với việc nhiều nhà đầu cơ nhận định giá lên, nhưng cũng không ít người dự báo giá sẽ giảm, và những yếu tố đó đều tác động đến giá.

Giá dầu kỳ hạn tương lai đã hồi phục về mức như trước khi đại dịch, với dầu Brent tăng thêm 55 USD/thùng trong vòng chưa đầy một năm, lên khoảng 70 USD/thùng hiện nay, mặc dù nhu cầu nhiên liệu trên thực tế vẫn còn yếu.

Việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đồng minh, trong đó có Nga (gọi là OPEC+) kiềm chế sản lượng là lý do chính đẩy giá dầu tăng liên tiếp trong 8 tuần tính tới đầu tháng 3/2021.

Tuy nhiên, dường như còn còn một nguyên nhân khác nữa góp phần đẩy giá dầu tăng nhanh, đó là dự đoán hoạt động đi lại sắp trở lại bình thường sau chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên diện rộng khắp thế giới. Đây mới là lý do chính thúc đẩy các nhà đầu tư đặt cược vào giá dầu lên với khối lượng giao dịch gia tăng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, tiến trình tiêm vắc-xin có vẻ không suôn sẻ như mong đợi. Cuối tuần qua, Đức, Pháp và Italy tạm dừng tiêm vắc-xin của AstraZeneca sau khi có thông tin cho rằng loại vắc-xin này có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Điều này làm dấy lên mối lo rằng chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 ở Liên minh châu Âu (EU) sẽ bị chậm lại, theo đó gây trì hoãn phục hồi kinh tế ở những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch.

Ngay sau khi có thông tin này, thị trường dầu mỏ chịu áp lực đi xuống. Giá không chỉ giảm trong một phiên, mà tính chung cả tuần qua cũng giảm - kết thúc chuỗi 8 tuần liên tiếp tăng trước đó.

Marc Rowell, nhà môi giới năng lượng cấp cao của Britannia Global Markets cho biết: "Điều khiến tình hình hiện tại trở nên phức tạp là... khoảng thời gian có nhiều thứ không chắc chắn".

Tổng hợp đồng dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) các nhà sản xuất và thương gia nắm giữ trong tháng 2 vừa qua đã lên đến hơn 1 triệu lần đầu tiên kể từ tháng 5 năm ngoái, theo Ủy ban Giao dịch hàng hóa Kỳ hạn Mỹ.

Trong khi đó, hợp đồng mở (tổng số hợp đồng mở vị thế chưa thanh lý hoặc chưa đến hạn giao đối với thị trường kỳ hạn hoặc/và thị trường quyền chọn) của hợp đồng dầu Brent kỳ hạn tương lai trên sàn ICE đạt mức cao nhất mọi thời đại, là 2,8 triệu hợp đồng tính tới 19/2, vượt cả mức cao kỷ lục gần đây nhất đạt vào tháng 4 năm ngoái. Hợp đồng mở thể hiện nhận định của nhà giao dịch về thị trường, nhất là tâm lý của họ đối với giá trị hợp đồng kỳ hạn tương lai.

Số lượng hợp đồng mở của nhà sản xuất/thương nhân (loại đầu WTI kỳ hạn tương lai)

Thị trường dầu mỏ bị giằng co do bất đồng về triển vọng nhu cầu sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Những người tham gia vào thị trường dầu mỏ đều nắm trong tay những hợp đồng kỳ hạn để giảm thiểu rủi ro do những biến động về giá, từ đó giảm tác động đối với hoạt động kinh doanh của họ. Theo đó, nhà sản xuất dầu thường sử dụng các hợp đồng bán khống để có lợi khi giá tăng, trong khi người tiêu dùng thường sử dụng các kỳ hạn dài để hưởng giá thấp.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết giá dầu tăng gần đây đã khích lệ cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng tham gia vào thị trường và đặt cược theo những nhận định trái chiều.

"Giá hiện tại tạo động lực cho các nhà sản xuất dầu thô đảm bảo có lãi ", báo cáo của EIA có đoạn viết, và "Khả năng giá dầu thô sẽ tiếp tục tăng là động cơ khuyến khích người mua trên thị trường dầu hàng thực (physical) đảm bảo đủ lượng hợp đồng ở m ức giá hiện tại, tránh việc sau này phải mua với giá cao hơn".

Tuy nhiên, sự bất trắc nằm ở nhu cầu. Điều này đã thể hiện ở việc mối quan hệ giữa giá dầu thô kỳ hạn giao sau 4 tháng tăng vọt trong khi doanh số bán dầu thô hàng thực chậm lại - với nhu cầu dự kiến sẽ bắt kịp nguồn cung vào cuối năm 2021.

Nhà môi giới Marc Rowell của Britannia Global Markets cho biết: "Một yếu tố góp phần quan trọng vào những biến động đang diễn ra là giao dịch dầu non-physical trên thị trường kỳ hạn tương lai". Theo ông: "Thị trường sẽ vẫn còn nhiều biến động trong thời gian tới."

Việc nhu cầu trở lại hồi phục bền vững có thể là giải pháp duy nhất giải pháp cho những bất ổn của thị trường dầu mỏ.

Vào tháng 3/2020, biến động giá từ lúc kết thúc phiên giao dịch này tới phiên giao dịch tiếp theo tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc chiến tranh Vùng Vịnh, và hiện tại thì biến động như vậy đang cao nhấ kể từ tháng 11/2020.

Giá dầu Brent

Thị trường dầu mỏ bị giằng co do bất đồng về triển vọng nhu cầu sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Gianna Bern, giáo sư tài chính của trường Đại học Notre Dame ở Indiana, cho biết: "Lần này, điều khác biệt (với những lần trước) là nhu cầu tiêu dùng và thương mại giảm mạnh".

Tham khảo: Refinitiv

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên