Bắt loạt công ty “ma” hiện hình
Tính đến thời điểm bị bắt, Nguyễn Phước Toàn và đồng bọn đã làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước.
- 29-08-20177 loại thuốc do VN Pharma nhập khẩu từ “Công ty ma” đã lọt vào nhiều bệnh viện
- 14-08-2017Hàng trăm cảnh sát trắng đêm dập lửa tại công ty may ở Sài Gòn
- 31-07-2017Nữ "cao thủ" cầm đầu đường dây mua bán hóa đơn trăm tỷ
- 15-07-2017Lật tẩy đường dây mua bán hóa đơn khủng
- 17-05-2017Công ty may ở Cần Thơ bị cháy được bồi thường 18 triệu USD
- 24-04-2017Bắt khẩn cấp "ông chủ" mua bán hóa đơn khống hơn 7 tỉ đồng
- 27-03-2017Cháy Công ty may ở Cần Thơ, ngày thứ 5 vẫn hối hả phun nước
- 26-03-2017Lửa bùng phát trở lại tại tòa nhà công ty may ở Cần Thơ
- 21-12-2016Có dấu hiệu tiếp tay vụ mua bán hóa đơn khống trị giá 1.400 tỷ đồng
- 20-12-2016Phá đường dây mua bán hóa đơn GTGT giá hơn 1.000 tỷ đồng
Một đường dây mua bán hóa đơn trái phép trị giá hơn 100 tỷ đồng đã bị Công an TP. Đà Nẵng triệt phá vào cuối năm 2016. Đây là một trong những chuyên án liên quan đến mua bán hóa đơn trái phép lớn nhất tại thành phố này những năm gần đây.
Những công ty “ma”
Theo tài liệu điều tra ban đầu của Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Đà Nẵng, tháng 9/2014, sau khi thực hiện chuyến khảo sát thị trường Đà Nẵng và làm quen với một số đối tượng, Nguyễn Phước Toàn (sinh năm 1983, trú tại quận Tân Phú, TP.HCM) cầm đầu thành lập công ty Tâm Khang Nguyễn (trụ sở tại 559 Ngô Quyền, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, Đà Nẵng).
Lực lượng cảnh sát kinh tế đọc lệnh bắt Nguyễn Phước Toàn. (Ảnh: Công an TP Đà Nẵng)
Có giấy phép kinh doanh trong tay, Toàn cùng các “đồng nghiệp” bắt đầu sản xuất, mua bán hóa đơn khống để trục lợi. Không chỉ bán cho các đơn vị, doanh nghiệp (DN) tại Đà Nẵng mà sau vài tháng hoạt động thấy có hiệu quả, Toàn “vươn vòi” ra các địa phương trên cả nước, đồng thời lập thêm một công ty khác là Nguyên Gia Bảo (tại 56 Kỳ Đồng, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) vào đầu năm 2015.
Từ khi thành lập 2 công ty đến khi bị bắt, Nguyễn Phước Toàn đã thực hiện in ấn, mua bán tổng cộng hơn 1.500 hóa đơn khống cho hàng trăm “đối tác” có nhu cầu với doanh số gần 50 tỷ đồng.
Thủ đoạn của Toàn là in ấn trái phép và mua vào hóa đơn giá trị gia tăng của một số DN để cân đối, báo cáo với cơ quan thuế, nhằm hợp thức hóa việc bán hóa đơn trái phép. Toàn cũng mở nhiều tài khoản cá nhân để tạo lòng tin với khách hàng.
Khoảng tháng 6/2016, lực lượng trinh sát đã tiến hành thu thập hồ sơ, nhân thân của các đối tượng để xác lập án đấu tranh. Trung tá Huỳnh Đức Tuấn, đội trưởng Đội 2, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Đà Nẵng cho biết: “Một số đối tượng là “chân rết” giúp sức, chung thuyền với Toàn trong đường dây này cũng đã lọt vào tầm ngắm của cơ quan công an.
Cơ quan điều tra xác định, Toàn cùng các đối tượng trong đường dây đã đội mác giấy phép kinh doanh các lĩnh vực như: vận chuyển phụ tùng, thiết bị, vật liệu xây dựng, bán lẻ đồ điện gia dụng, giường, tủ, bàn, ghế… nhưng không kinh doanh mặt hàng này mà chỉ in ấn, mua bán trái phép hóa đơn. Rõ ràng đây là công ty “ma” mà đối tượng lập ra làm bức bình phong để hoạt động”.
Việc điều tra phá án gặp rất nhiều khó khăn. Đối tượng Toàn ở TP.HCM nhưng người hỗ trợ đắc lực cho hắn là Thu lại ở Quảng Nam và hộ khẩu thường trú ở Quảng Trị. Chúng thành lập DN ở nhiều nơi, gây khó cho việc theo dõi. Quá trình điều tra xác minh những vụ mua bán hóa đơn này cũng không đơn giản vì liên quan đến nhiều DN ở các địa phương khác nhau.
Bên cạnh đó, không ít DN đã thay đổi địa điểm kinh doanh hoặc ngừng hoạt động. Một số DN trì hoãn, chậm cung cấp hồ sơ dẫn đến thời hạn điều tra kéo dài.
Không kinh doanh, hoạt động đúng ngành nghề như giấy phép đăng ký, trước khi ra mắt 2 công ty, Toàn còn nghĩ ra “quỷ kế” hòng qua mặt các cơ quan chức năng, hoặc để chối tội nếu sự việc bị phát hiện, đó là mua và “sưu tầm” CMND của người khác trôi nổi ngoài thị trường để đứng tên công ty.
Chúng hợp thức hóa bằng cách làm hồ sơ người có tên trong CMND ủy quyền cho người khác đi làm thủ tục đăng ký giấy phép kinh doanh. Ban chuyên án cũng đã xác minh và liên lạc với người có tên trong CMND thì tất cả mọi người đều cho biết, CMND của họ đã bị mất chứ không hề hay biết là mình tham gia và “được” đứng tên “ông chủ” công ty do Toàn lập ra. Cũng bởi đối tượng Toàn sử dụng CMND trôi nổi ngoài thị trường để đăng ký người đại diện pháp luật nhằm che giấu nhân thân nên hắn không có tên trong các DN đang bị điều tra.
“Quỷ kế” bị bại lộ
Trung tá Huỳnh Đức Tuấn cho biết, sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, Ban chuyên án quyết định phá án vào tháng 12/2016 khi đối tượng Nguyễn Phước Toàn đến TP.HCM để hoạt động.
Chiều 5/12/2016, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đà Nẵng đã tiến hành lệnh bắt khẩn cấp Nguyễn Phước Toàn để làm rõ hành vi “mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ, thu nộp ngân sách Nhà nước”. Đồng thời, lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế cử trinh sát đi xác minh tại các địa phương có những “đối tác” tham gia mua hóa đơn cùng các công ty do Toàn thực hiện để mở rộng điều tra vụ án nghiêm trọng này.
Thượng úy Phạm Mai Xuân, Phòng Cảnh sát kinh tế cho biết, đối tượng Nguyễn Phước Toàn từng có hai tiền án tiền sự nên có kinh nghiệm đối phó với cơ quan điều tra, ngoan cố không chịu khai nhận. Nhưng qua đấu tranh, Toàn đã thừa nhận hành vi phạm tội là lập ra các công ty để bán pháp nhân, mua bán hóa đơn và thực hiện hành vi phi pháp. Các đối tượng đã thành lập đến 6 công ty. Số công ty mà các đối tượng trong đường dây do Toàn, Phương, Thu điều hành đã lên đến hơn 10 công ty.
Tiếp tục mở rộng điều tra, Ban chuyên án đã khởi tố bắt thêm 2 đối tượng liên quan trong đường dây do Nguyễn Phước Toàn cầm đầu, gồm: bà Nguyễn Thị Phương (56 tuổi, trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) và Trần Thị Thu (26 tuổi, trú quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) để điều tra về hành vi “mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ, thu nộp ngân sách Nhà nước”.
Bà Phương khai nhận: Từ tháng 1 - 12/2013, bà ta đã thành lập Công ty TNHH Khoa Bình Minh tại phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, nhằm mục đích bán hoá đơn khống. Đến năm 2014, khi quen biết Nguyễn Phước Toàn, bà Phương đã bắt tay để làm ăn, dùng các CMND mua ngoài thị trường để thay đổi chủ Công ty Khoa Bình Minh và cùng Toàn thành lập thêm 2 công ty khác là Tâm Khoa Nguyễn và Nguyên Gia Bảo.
Đến khi bị bắt, bà Phương đã bán hoá đơn với tổng doanh số khoảng 10 tỷ đồng, trong đó Công ty Khoa Bình Minh 356 hoá đơn và Công ty Tâm Khoa Nguyễn, Nguyên Gia Bảo hơn 1.000 hoá đơn.
Đối tượng Trần Thị Thu là kế toán, chuyên làm công việc kê khai, báo cáo thuế cho các Công ty trong đường dây của Toàn và bà Phương. Thu bị bắt cùng ngày với bà Phương, nhưng cho tại ngoại do có con nhỏ.
Cùng ngày, khám xét nhà riêng của bà Phương, cơ quan điều tra phát hiện hàng chục cuốn hoá đơn giá trị gia tăng thể hiện tên các công ty mà bà Phương và Toàn đã lập ra, trong đó nhiều cuốn đã sử dụng.
Trung tá Huỳnh Đức Tuấn cho biết, tính đến thời điểm bị bắt, Nguyễn Phước Toàn và đồng bọn đã làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng tiền thuế của Nhà nước - một con số không hề nhỏ, có thể gây nên những ảnh hưởng nhất định đối với nền kinh tế địa phương cũng như an ninh trật tự địa bàn.
VOV