MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bát nháo thị trường thực phẩm chức năng

06-07-2018 - 09:47 AM | Thị trường

Thực phẩm chức năng (TPCN) đang bị thả nổi, nhiều hàng giả, hàng kém chất lượng được quảng cáo thái quá về tính năng sản phẩm trong khi quản lý khá lỏng lẻo.

Tại TPHCM, TPCN được bày bán khắp nơi từ nhà thuốc tây, hiệu thuốc đông y, siêu thị lớn như Co.op Mart, BigC, Vinmart… đến các kênh bán hàng online. Sản phẩm TPCN đa dạng với hàng trăm chủng loại như sữa, trà giảm cân, trà thảo dược, bột dinh dưỡng… Theo các nhân viên tư vấn bán TPCN, TPHCM có thể “hỗ trợ” chữa tất cả các bệnh lý như tim mạch, huyết áp, gout, đái tháo đường, xương khớp, trĩ. Sản phẩm đa dạng, dành cho nữ, nam, trẻ em, người già và cả cho người… mắc bệnh ung thư.

Bát nháo thị trường thực phẩm chức năng - Ảnh 1.

Thực phẩm chức năng được bày bán tại một hiệu thuốc ở Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

Sợ con thấp bé nhẹ cân, chị Lê Thị Phương (34 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) thường xuyên mua cho con uống các loại thần dược có tác dụng “cao siêu tốc” . Chị khoe mới được nhân viên tiệm thuốc tây gần nhà giới thiệu siro nano canxi có thể dùng cho trẻ từ 1 tuổi. Thành phần chính của siro này là canxi dạng nano, vitamin D và các loại vitamin cần thiết giúp trẻ phát triển chiều cao và cân nặng. Ngoài ra chị còn đang tìm hiểu các loại TPCN như Super Growth Hight, Growth Plus, Nubest Tall… giúp trẻ tăng 4-10cm chỉ trong thời gian ngắn cho con dùng thử. “Toàn hàng nhập khẩu hết nên giá không hề rẻ. Tuy nhiên, nếu có tác dụng tốt cho con thì mình chấp nhận chi tiền” - chị Phương nói.

Hiện nay, các loại TPCN được rao bán và săn lùng nhiều nhất trên các website riêng, các diễn đàn, các trang mạng xã hội. Giá các loại TPCN này rất khác nhau. Cụ thể, giá Glucosamin 1500mg (900 viên) xuất xứ Nhật trên trang bán hàng shopee.vn chỉ 489.000 đồng/hộp, còn trên lazada.vn là 799.000 đồng/hộp. Cũng sản phẩm này nhưng trên website hangxachtaynhat giá lên tới 1,2 triệu đồng/hộp.

Bát nháo thị trường thực phẩm chức năng - Ảnh 2.

Do tin tưởng TPCN của người quen cung cấp, chị Võ Thị Yến (53 tuổi, ngụ Q.4) được một phen… hú hồn. Số là chị đặt mua 2 hộp vitamin “ngoại”, chứa collagen và biotin giúp mọc tóc, đẹp da, giá lại khá rẻ: 790.000 đồng/hộp để cải thiện nhan sắc. “Sau khi uống thì tóc chẳng mọc mà còn rụng nhiều hơn, lại thêm bệnh chóng mặt, mất ngủ. Gọi hỏi người bán, họ bảo phản ứng bình thường. Uống 2 hộp rồi mà tình trạng trên vẫn không cải thiện, trong khi người bán thì bảo do cơ địa chưa chịu và khuyên tôi đổi sang loại TPCN khác. Sợ quá tôi từ chối luôn!” - chị Yến chia sẻ.

Coi chừng bổ… ngửa

Ths.Bs Ngô Minh Vinh - giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, nhiều người nghe theo quảng cáo mua TPCN về uống với suy nghĩ “không bổ ngang cũng bổ dọc”, thậm chí có người còn lầm tưởng đó là thuốc chữa bệnh. Thói quen của người tiêu dùng khi sử dụng TPCN chủ yếu là qua mách bảo của người quen, người bán hàng. Việc bổ sung thực phẩm không đúng cách sẽ không có lợi, thậm chí nguy hiểm cho sức khỏe.

Theo Hiệp hội TPCN Việt Nam, nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 63 sản phẩm TPCN của 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam thì đến nay cả nước đã có tới 4.190 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 10.930 sản phẩm đang lưu hành. Có hơn 90% nhà thuốc trên toàn quốc đang bán TPCN. Sự phát triển “thần tốc” này khiến việc kiểm soát hoạt động kinh doanh TPCN thêm khó khăn. Nhiều vụ phát hiện và thu giữ gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả TPCN rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm Bộ Y tế nói: “Đã đến lúc chúng ta cần nhanh chóng xây dựng quy chế riêng về quản lý TPCN, tạo cơ sở pháp lý để loại trừ sự “nhập nhèm” của nhà sản xuất, kinh doanh TPCN chất lượng thấp. Không thể để tiếp diễn mãi tình trạng bát nháo, “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay và phải tiệm cận một nền sản xuất TPCN theo hướng thực hành sản phẩm tốt (GMP) trong tương lai gần”.

Bệnh viện (BV) Ðại học Y Dược TP HCM cho biết, vừa can thiệp điều trị thành công cho một trường hợp béo phì do lạm dụng TPCN. Bệnh nhân là bé N.V.D. (9 tuổi, ngụ TPHCM), nặng 28 kg, thấp hơn chuẩn chiều cao trung bình cùng lứa tuổi 15cm, đến khám với chẩn đoán thiếu hóc môn tăng trưởng. Phụ huynh em D. cho hay, trước đó thấy con thấp hơn so bạn bè nên ép con uống TPCN giúp tăng chiều cao mua từ nước ngoài. Tuy nhiên, sau 3 tháng sử dụng, không những không cao mà ngược lại tăng cân vượt ngưỡng quá mức, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển toàn diện.



Theo Uyên Phương

Tiền phong

Trở lên trên