Bệnh từ miệng mà ra: Những nguyên tắc ăn uống khoa học này giúp bạn phòng bệnh suốt đời!
Con người sống khỏe hay bệnh phụ thuộc rất lớn vào chế độ ăn uống. Nếu biết sớm những lời khuyên "đắt giá" này, sẽ phòng tránh được những hiểm họa đáng tiếc do thực phẩm gây ra.
- 25-05-2017Những quan niệm thực sự sai lầm về sức khỏe răng miệng bạn cần thay đổi nếu không muốn hỏng hết răng
- 24-05-2017Hai tuần rồi không tập thể dục, cơ thể và sức khỏe của bạn bị ảnh hưởng thế nào?
- 19-05-201713 điều lưỡi đang cố thể hiện với bạn về tình trạng sức khỏe "báo động" của cơ thể
Trung y có câu nói nổi tiếng, bác sĩ tốt nhất của bạn là chính mình, bệnh viện tốt nhất của bạn là nhà bếp. Điều này là để nhắn nhủ mỗi người hãy tự bảo vệ sức khỏe của chính mình và đánh giá tầm quan trọng của việc ăn uống đúng cách.
Theo nghiên cứu của Quỹ ung thư Thế giới, có một sự liên hệ mật thiết giữa việc ăn uống với bệnh ung thư. Hàng năm, có đến hơn 33% người chết vì ung thư có nguyên nhân xuất phát từ việc ăn uống thiếu lành mạnh. Có hơn 30 loại bệnh thuộc về ung thư đều xuất phát từ việc ăn uống không đúng cách mà ra.
Nghiên cứu tại Bệnh viện Giải phóng Trung Quốc cho biết, các yếu tố dinh dưỡng tác động trực tiếp đến bệnh ung thư bao gồm hai loại:
- Một là ung thư hệ thống tiêu hóa như ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư ruột kết.
- Hai là ung thư có sự liên quan đến mức độ hormone như ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tiền liệt và những bệnh ung thư liên quan khác.
4 nguyên tắc khoa học cơ bản và đơn giản nhất sau đây sẽ giúp bạn "soi chiếu" và áp dụng hiệu quả.
1. Nguyên tắc cân bằng thực phẩm
Cách ăn dựa trên nguyên tắc "4 nhiều, 3 ít": Cơ sở nền tảng nhất của cách ăn uống phòng ngừa ung thư chính là "sự cân bằng". Cho dù cuộc sống có đầy đủ thừa thãi đến đâu, cũng không có nghĩa là bạn có thể "muốn ăn gì thì ăn" được.
Một chế độ ăn uống hợp lý cần phải dựa trên nguyên tắc "2 giàu, 1 nghèo", đó là giàu vitamin, chất xơ, nghèo chất béo. Vitamin chủ yếu có nhiều trong các loại trái cây tươi và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt. Cellulose cũng có nhiều trong trái cây và rau quả.
Đồng thời bạn cần kiểm soát việc ăn ít chất béo từ thịt gia súc. Nên thay thế thịt đỏ bằng thịt gà, cá và các loại thịt trắng khác. Nói như vậy không có nghĩa là bạn hoàn toàn không được ăn chất béo, mà nên cố gắng để đảm bảo một chế độ ăn uống đa dạng.
Cách dễ nhất chính là lựa chọn thực phẩm dựa trên số lượng màu sắc món ăn sử dụng trong một ngày. Mỗi ngày nên ăn đủ từ 5-7 loại màu sắc là tốt nhất và nghiêm túc duy trì thành thói quen. Nhóm thực phẩm có màu trắng có tác dụng chống ung thư tốt như hành tây, tỏi, bắp cải, súp lơ.
Đối với những thực phẩm hạt khô như kê, ngô, yến mạch và những ngũ cốc khác nên ăn thay đổi hàng ngày với số lượng thích hợp nhất là khoảng 100 gram/ngày.
Ông Mã Quân Sinh, viện phó Viện dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm dự phòng và điều trị ung thư Trung Quốc cho biết, nếu cứ ăn uống cân bằng đều đặn thì việc phòng ngừa ung thư hoàn toàn đạt hiệu quả tốt.
2. Nguyên tắc lựa chọn thực phẩm
1. Trái cây tươi và rau quả
Là nhóm thức phẩm có chứa chất chống oxy hóa, carotenoids, vitamin C, các hợp chất flavonoid và các hoạt chất khác có tác dụng chống ung thư. Mỗi người ăn rau từ 50-300 gram/ngày thì nguy cơ ung thư dạ dày có thể giảm 50%.
Măng tây, bắp cải, cà chua, khoai lang , khoai sọ, kiwi, củ cải, cà rốt là là những thực phẩm chống ung thư rất tốt.
2. Nấm
Khoảng 96% nấm có tác dụng chống ung thư, nghĩa là hầu hết các loại nấm đều có thể phòng ngừa ung thư.
Trong đó nấm đông cô, nấm hương, nấm kim châm, mộc nhĩ là những loại nấm hàng đầu giàu chất polysaccharides, có tác dụng nâng cao khả năng miễn dịch của con người, phòng ngừa ung thư dạ dày và ung thư phổi tốt nhất.
3. Trà xanh
Trà xanh là đồ uống giàu polyphenol, có thể được kết hợp với các chất gây ung thư để phá vỡ, ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư.
Tạo thói quen uống nước chè xanh từ 2-3 cốc/ngày có thể ngăn ngừa ung thư dạ dày, ung thư gan và ung thư phổi. Tuy nhiên, bạn cần phải lưu ý rằng không được pha trà quá đặc.
4. Các loại đậu
Đậu phụ, sữa đậu nành giàu isoflavones, thường xuyên ăn các sản phẩm đậu nành có thể làm giảm ung thư vú, ung thư ruột kết, giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Hiện nay, loại nấm hương ngọt đã được sử dụng như một loại nguyên liệu làm thuốc chống ung thư, làm tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân ung thư.
3. Nguyên tắc chế biến
Chuyên ra chỉ ra rằng, ngay cả khi bạn đã chọn được thực phẩm tốt, nếu cách chế biến, kết hợp thức ăn không hợp lý khi nấu ăn cũng có thể phát sinh rất nhiều chất gây ung thư. Nguyên tắc "3 ít" nhất định bạn nên tuân thủ.
1. Ít dư lượng thuốc trừ sâu và bảo vệ thực vật
Nguyên nhân gây ra ung thư có sự bắt nguồn rất lớn từ phân bón, thuốc trừ sâu và dư lượng hóa chất trong thực phẩm. Khi chế biến những trái cây như dưa chuột, ớt xanh, cà rốt, mướp đắng nên ngâm nước ấm trong 1-2 phút, sau đó cọ bằng bàn chải, rửa sạch.
Cải thảo, cải bắp và những món rau có nhiều lớp lá, nên gỡ bỏ lớp lá ngoài, rửa kỹ từng lá bên trong dưới vòi nước để làm giảm tác hại của thuốc trừ sâu. Những loại dưa và rau quả không dễ hư hỏng nên phơi một chút dưới nắng mặt trời để phân hủy bớt dư lượng thuốc trừ sâu.
2. Ít ăn muối
Muối cũng có mối liên hệ khá thân thiết với bệnh ung thư. Các chuyên gia cho rằng, bệnh ung thư xảy ra khá nhiều ở các nước châu Á, chẳng hạn như người Hàn Quốc yêu thích ăn mặn nên số người mắc ung thư dạ dày có tỉ lệ khá cao. Tiếp theo là Nhật Bản và Trung Quốc cũng có tỉ lệ ung thư dạ dày tương đối cao.
Do đó, để có thể phòng ngừa ung thư, mỗi người không nên ăn quá 5 gram muối/ngày. Đồng thời bạn cũng phải chú ý đến những thực phẩm chứa muối "ẩn" như bột nêm, bột ngọt, nước tương, gia vị đóng gói.
3. Ít chiên rán
Bạn nên hạn chế cách chế biến thực phẩm bằng chiên rán bởi thực tế cho thấy, khi nấu với nhiệt độ dầu quá cao, món ăn sẽ tạo ra rất nhiều benzopyrene, acrylamide và chất gây ung thư khác. Nếu sử dụng lại dầu cũ thì nguy cơ ung thư còn cao hơn rất nhiều lần.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ăn thực phẩm chiên, nhiều khả năng sẽ tự phát triển bệnh ung thư phổi, ung thư ruột kết.
Ngoài ra, khi chế biến món thịt nướng, người ta cũng sẽ dùng nhiều chất bất lợi cho sức khỏe để ướp thức ăn, làm tăng thêm nhiều chất gây ung thư. Ngược lại, bạn nên chế biến thức ăn bằng cách hấp, luộc, hầm sẽ lành mạnh hơn, ít carbon hơn.
Trong trường hợp không thể vượt qua được sự cám dỗ của thức ăn nướng, bạn có thể ăn một trái kiwi sau bữa ăn. Cách này giúp giảm thiểu sự ảnh hưởng của độc tố vào cơ thể sau khi ăn thực phẩm chiên.
4. Nguyên tắc ăn uống
1. Ăn chậm, nhai kỹ
Giáo sư Dương Lực, Học viện Y học cổ truyền Trung Quốc cho biết, trong nước bọt của chúng ta chứa peroxidase, catalase và vitamin C. Đây là những chất không chỉ có tác dụng chống oxy hóa mà còn có thể phân hủy các chất gây ung thư có trong khoang miệng, làm giảm nguy cơ ung thư.
Nghiên cứu của Mỹ khẳng định rằng khi các hợp chất nitrit, các chất gây ung thư như aflatoxin khi gặp nước bọt, các tế bào đột biến sẽ mất hoàn toàn trong vòng 30 giây.
Từ cơ sở này, chuyên gia khuyên bạn không nên ăn với tốc độ quá nhanh. Nhai kỹ để tận dụng chất chống ung thư của nước bọt. Tốt nhất, mỗi miếng thức ăn nên nhai khoảng 30 cái rồi mới nuốt.
2. Ăn vừa đủ
Không chỉ ăn chậm, mà bạn còn phải chú ý đến việc ăn vừa đủ. Các chuyên gia cho rằng, khi bạn đã tập được cho mình thói quen ăn chậm, bạn phải "rèn" thêm thói quen kiềm chế sự thèm ăn.
Muốn khỏe mạnh thì bạn không nên "ép" cơ thể làm việc quá sức. Ăn quá nhiều sẽ khiến cho dạ dày tăng tốc làm việc như một vận động viên chạy nước rút. Nếu ngày nào cũng như vậy, các bộ phận trong cơ thể sẽ mệt mỏi, thậm chí "hụt hơi" đến mức phát bệnh.
Các nghiên cứu của Nhật Bản đã chỉ ra rằng nếu lúc nào cũng ăn quá nhiều, sẽ làm giảm khả năng hoạt động của các tế bào có nhiệm vụ ức chế ung thư, tăng nguy cơ ung thư. Nếu thực hiện đúng những lời khuyên về cách lựa chọn thực phẩm, cách chế biến và cách ăn đúng, bạn sẽ có thể hoàn toàn yên tâm về sức khỏe của mình.
3. Không ăn quá nóng
Các chuyên gia chỉ ra rằng, khi ăn quá nhanh, nuốt quá nhanh, mọi người có xu hướng sẽ ăn quá nóng. Cứ như vậy qua thời gian, sẽ kích thích niêm mạc miệng ăn ở nhiệt độ cao, khiến cho thực quản, niêm mạc dạ dày thường xuyên bị hư hỏng, hoặc thậm chí loét, chảy máu và gây ra ung thư.
Dữ liệu nghiên cứu cho thấy, có hơn 90% bệnh nhân bị ung thư thực quản, thường có thói quen ăn uống các món nóng. Do đó, chuyên gia khuyên bạn phải tiết chế tốc độ ăn, để nhiệt độ thức ăn giảm xuống khoảng 40 độ C rồi mới ăn.
* Tổng hợp từ Health/Hiệp hội phòng chống Ung thư TQ
Trí thức trẻ